6 loại nước uống tốt cho người suy thận cấp

SKĐS - Suy thận cấp là hội chứng suy giảm đột ngột một phần hay toàn bộ chức năng thận. Chế độ ăn uống góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và trị liệu căn bệnh này.

1. Tại sao bị suy thận cấp?

Chức năng sinh lý cơ bản của thận là lọc máu, tạo ra nước tiểu và bài tiết các chất cặn bã, để duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong cơ thể. Thông qua chức năng tạo nước tiểu, thận giúp cơ thể giữ lại nước, các chất điện giải và các chất chuyển hóa quan trọng. Đồng thời đào thải những sản phẩm có hại, như u-rê, creatinin, acid uric...

Khi thận bị tổn thương, chức năng thận suy yếu, khả năng thực hiện các chức năng lọc máu - tạo nước tiểu - đào thải chất độc kém... gây ra những bệnh lý liên quan. 

Trong suy thận cấp, chức năng bài tiết của thận bị suy giảm trong thời gian ngắn (vài giờ đến vài tuần), khả năng lọc máu của cầu thận giảm xuống quá 50% mức bình thường, khiến hàm lượng các hợp chất ni-tơ, creatinine trong máu tăng cao, gây rối loạn nước và điện giải, mất cân bằng acid - kiềm, cùng những chứng trạng của bệnh u-rê huyết cấp tính… Tổn thương ở thận nặng dần tiến triển thành suy thận mạn tính.

photo-1698566747981

Nước tía tô dưa hấu, lợi niệu, giảm phù thũng, hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

2. Một số loại nước uống hỗ trợ trị suy thận cấp tính

2.1 Nước dưa hấu tía tô tốt cho người suy thận cấp

- Thành phần: Dưa hấu (bỏ vỏ) 500g, tía tô 10 ngọn, hạt mùi 10g, rau cần cạn 30g. 

- Cách dùng: Tía tô, hạt mùi, rau cần rửa sạch + dưa hấu cho vào máy xay sinh tố nghiền nhỏ, ép lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày, uống sau bữa ăn; sử dụng liên tục 7-10 ngày.

- Tác dụng: Lợi niệu, giảm phù thũng, hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

 2.2 Nước măng tre dưa chuột

- Thành phần: Măng tre 200g, dưa chuột 200g, đông qua bì (vỏ bí đao) 150g.

- Cách dùng: Các nguyên liệu rửa sạch, sắc với nước, chia uống trong ngày; sử dụng liên tục 7-10 ngày.

- Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

2.3 Nước rễ cỏ tranh mía lau

- Thành phần: Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 120g, mía lau 250g.

- Cách dùng: Các nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ, sắc với nước, chia uống trong ngày; sử dụng liên tục 7-10 ngày.

- Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, chữa phù, hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

2.4 Nước sơn tra lá sen

- Nguyên liệu: Sơn tra 30g, lá sen 12g.

- Cách chế biến và sử dụng: Các nguyên liệu trên rửa sạch, sắc với nước, chia ra uống thay trà trong ngày; sử dụng liên tục 7 ngày.

- Tác dụng: Hỗ trợ điều trị suy thận cấp đối với những người cao huyết áp kèm theo nhức đầu.

photo-1698566749020

Nước sơn tra lá sen hỗ trợ điều trị suy thận cấp kèm theo nhức đầu, huyết áp cao.

2.5 Nước đậu rựa gừng tươi

- Thành phần: Đậu rựa 30g, gừng tươi 3 lát, đường đỏ 20g.

- Cách dùng: Đậu rựa để liền cả vỏ, cùng gừng tươi sắc với 500ml nước, đun còn 200ml, bỏ bã, hòa đường đỏ vào, chia 2-3 lần uống trong ngày; sử dụng liên tục 3 ngày.

- Tác dụng: Giáng khí, chống nôn, nấc; thích hợp với những bệnh nhân suy thận cấp thuộc thể hư hàn.

2.6 Nước rễ sậy trúc nhự

- Thành phần: Lô căn (rễ sậy) 30g, trúc nhự 30g. Trúc nhự là vị thuốc chế bằng cách cạo bỏ vỏ xanh của cây tre, sau đó cạo lớp thân thành từng mảnh mỏng hay sợi mỏng.

- Cách dùng: Các nguyên liệu trên sắc với 500ml nước, đun còn 200ml, chắt lấy nước, chia 2-3 lần uống trong ngày; sử dụng liên tục 3 ngày.

- Tác dụng: Thuận khí, chống nấc; thích hợp với những bệnh nhân suy thận cấp hay bị nấc.

Bệnh suy thận cấp nếu được chẩn đoán sớm bằng các phương tiện cấp cứu và điều trị kịp thời của y học hiện đại kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp, hỗ trợ trị liệu thì chức năng của thận có thể khôi phục hoàn toàn.

Phòng ngừa suy thận cấp khi dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng… cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng.

Mời bạn xem thêm video:

4 Sai lầm khi pha nước chanh rước bệnh vào người | SKĐS

Lương y Hoài Vũ
Ý kiến của bạn