Hành vi của giáo viên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo
Hai vụ việc giáo viên có hành vi ứng xử không đúng với học sinh đã gây bức xúc trong dư luận.
Vụ việc thứ nhất là cô giáo Nguyễn Thị P., giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4, phụ trách môn Giáo dục công dân và công tác tư vấn học đường tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã phạt một nữ sinh lớp 12, đuổi em này khỏi lớp quỳ khóc đến kiệt sức và có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực chỉ vì em "không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng mà cô giáo yêu cầu".
Vụ việc thứ hai là thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã có lời nói thô bạo, xúc phạm một học sinh lớp 10 ngay trên bục giảng. Trong video ghi lại cảnh thầy giáo mặc áo sơ mi, gọi một nam sinh lên bục giảng. Thầy xưng "bố mày" và chỉ tay vào mặt học sinh, nói "Bây giờ làm đúng rồi, gạch đi, viết lại thì mới sai. Mày có hiểu không con chó này?". Sau đó, thầy vung sách, rồi đưa cho học sinh, quát "Về".
Qua hai vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận vừa qua, trong lúc chờ các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, kết luận chính thức, trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Dương Hải Hưng (Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, những hành vi phản giáo dục của hai giáo viên này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo (theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT). "Cần xử lý nghiệm với những giáo viên "thiếu giáo dục" như trên để không gây ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ".
Cách nào để khắc phục?
Theo PGS.TS. Dương Hải Hưng, mỗi giáo viên cần tự tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức cũng như cần bồi dưỡng thường xuyên các kỹ năng sư phạm, các kiến thức về tâm lý giáo dục để có những người giáo viên "vừa hồng, vừa chuyên".
Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động của phòng tâm lý học đường (Theo Thông tư 31/2017 Bộ GD&ĐT) để từ đó có những đánh giá, sàng lọc, hỗ trợ kịp thời tâm lý của giáo viên và học sinh. Nhà trường - gia đình và xã hội cần có những phát hiện kịp thời và ngăn chặn những hành động trên trước khi quá muộn.
Còn theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, đặc biệt là phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực là hết sức cần thiết. Hiện nay, cách xử phạt truyền thống khi học sinh phạm lỗi đang được nhiều giáo viên sử dụng là dùng hành vi và dùng lời nói, cử chỉ làm cho học sinh sợ hãi, đau đớn, xấu hổ để không tái phạm hành vi. Trong khi đó, hình phạt tích cực (kỷ luật tích cực) hiện đang được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến áp dụng, lại chỉ ra cho trẻ thấy mình mất cơ hội, mất quyền lợi nếu phạm lỗi.
Vì vậy, ngoài các bồi dưỡng công tác chuyên môn, các nhà trường cũng cần trang bị cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng về giáo dục kỷ luật tích cực và tạo điều kiện để các thầy cô được trải nghiệm quản lý lớp học tích cực trong nhà trường một cách thực chất.
Chia sẻ với PV, thầy Nguyễn Duy Khánh (Giáo viên thuộc Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass, nguyên giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) nêu quan điểm: "Với những vụ việc liên quan đến cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh hay thầy giáo gọi học sinh là "con chó" ngay trên bục giảng, thực sự đã đến lúc cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo đức nhà giáo trong trường học".
Thầy Khánh cho biết, những năm gần đây, bạo hành học đường gây nhiều chú ý từ truyền thông cũng như những ấn phẩm học thuật. Tuy phía truyền thông, giáo dục đào tạo và nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu và phân tích tình trạng và hậu quả của bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh thì một mảng gần như chưa được khám phá và không hề được chú ý tới trong bạo hành học đường là hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh.
Giống như bạo hành giữa học sinh, bạo hành từ giáo viên cũng bắt nguồn tự sự lạm dụng quyền lực, xảy ra trong khoảng thời gian dài và thường mang cách thức công khai. Đây là một dạng lăng nhục nhằm gây chú ý từ tập thể để hạ phẩm giá của học sinh trước mặt người khác. Về mặt hiệu ứng, sự bạo hành này có thể diễn ra như một nghi thức làm nhục - năng lực của học sinh bị phỉ báng và nhân cách bị chế giễu.
Để khắc phục tình trạng này, theo thầy Khánh: Thứ nhất, cần tuyển chọn đầu vào ngành sư phạm chặt chẽ hơn. Bên cạnh các kỳ thi để xét tuyển thì các trường đào tạo ngành sư phạm cần có những bài kiểm tra đầu vào hiệu quả để chọn được các thầy cô tương lai phù hợp. Trong quá trình đạo tạo cũng rất cần các trường sẽ chú trọng vấn đề xử lý các tình huống sư phạm, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho học viên.
Thứ hai, các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường cần có đường dây nóng/hòm thư góp ý và có quy trình xử lý chặt chẽ để cha mẹ và học sinh khi gặp các vấn đề về bạo lực học đường thì có thể được giải quyết kịp thời. Khi tất cả cùng vào cuộc và vì quyền lợi, vì tương lai của con trẻ thì chắc chắn sẽ trở thành một chiến dịch đủ lớn để chống lại những điều còn đang tồn đọng và khá nan giải trong giáo dục.
Thứ ba và rất quan trọng, đó chính là học sinh cần phải ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình ở trong nhà trường. Các em phải biết cách để tự bảo vệ bản thân và luôn nhớ rằng có pháp luật bảo vệ chúng ta. Vì thế các em hãy cứ mạnh mẽ để đưa ra "quan điểm" hay "chính kiến" với những bất công hay những điều ngang trái trong trường lớp.
Nếu nhận thấy có các dấu hiệu bị bạo hành trong trường học, cụ thể là từ phía giáo viên thì các em cần hành xử đúng mực, không vi phạm các nội quy, quy định hay có thái độ, hành động nào trái với đạo đức, xúc phạm giáo viên. Các em cần bình tĩnh nói chuyện với cha mẹ, với những người bảo trợ,… để có biện pháp xử lý.
Cha mẹ, người thân cũng cần có sự điều chỉnh trong cách giáo dục con cái để các em có sự hiểu biết hơn, chủ động hơn và biết cách để tự bảo vệ bản thân khi không có gia đình ở bên. Bản thân cha mẹ, người thân cũng phải lên tiếng, đấu tranh chống lại bạo lực học đường để từ đó các con sẽ noi gương, học hỏi và giáo viên cũng sẽ phải tuân theo các nội quy, quy định của nhà trường và Luật giáo dục tốt hơn.