Vừa vào năm học, nhiều học sinh muốn đổi môn lựa chọn: Giáo viên khuyên gì?

27-09-2023 15:26 | Thời sự

SKĐS - Mặc dù năm học mới đã bắt đầu được một tháng nhưng nhiều trường hợp học sinh sau thời gian học tổ hợp môn lựa chọn theo chương trình GDPT mới muốn thay đổi môn học lựa chọn.

Học sinh loay hoay khi năng lực không đáp ứng được các môn học tự chọn

Năm nay là năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT. Trong đó, ngoài môn bắt buộc gồm ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương, thì học sinh sẽ phải chọn bốn môn học trong chín môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Mặc dù đã bước vào năm học mới được gần một tháng nhưng vẫn nhiều trường hợp học sinh lớp 10 muốn thay đổi môn học lựa chọn. Môn học lựa chọn khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng là bởi việc lựa chọn môn học lớp 10 gắn liền với việc chọn ngành, chọn nghề sau này, nhất là khi xu hướng nghề nghiệp có nhiều sự thay đổi trong thời gian ba năm học phổ thông. Hơn nữa, nhiều em chưa thể xác định rõ thế mạnh của mình thuộc về lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Nguyễn Minh Châu (lớp 10, Trường THPT Công nghiệp, Phú Thọ) mong muốn thay đổi tổ hợp do cảm thấy không phù hợp. Châu cho biết: "Khi còn học ở cấp THCS, những môn khoa học tự nhiên không phải thế mạnh nhưng em vẫn chọn vì mọi người nói khối này có nhiều trường đại học để chọn, cơ hội việc làm cũng tốt hơn. Nhưng khi vào năm học này em mới thấy khó khăn trong việc theo đuổi kiến thức của các môn khoa học tự nhiên nên em muốn đổi sang các môn khoa học xã hội cho dễ học".

Với Nguyễn K.Đ (học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam) vì xác định lại ngành học nên mong muốn đổi tổ hợp. "Lúc đầu em chọn khoa học xã hội vì sau này muốn làm trong ngành du lịch nhưng bây giờ em lại muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin. Trước khi chọn tổ hợp em đã nghe tư vấn và xác định ngành theo học nhưng khi vào năm học em lại thấy mình không phù hợp với các môn xã hội nên muốn đổi".

Vừa vào năm học, nhiều học sinh muốn đổi môn lựa chọn: Giáo viên khuyên gì? - Ảnh 1.

Học sinh tham dự kì thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2023.

Trường hợp của các em nói trên cũng là câu chuyện của nhiều học sinh lớp 10 đang loay hoay khi năng lực không đáp ứng được các môn học tự chọn. Nhiều phụ huynh, học sinh thắc mắc, nếu đã đăng ký các môn lựa chọn rồi nhưng sau này con mới phát hiện mình không phù hợp với định hướng ban đầu thì việc chuyển đổi có được phép không, có gặp khó khăn gì không.

Giáo viên nói gì?

Nói về lý do vì sao sau một thời gian học nhiều em học sinh lại cảm thấy không phù hợp với khả năng và muốn thay đổi, cô Nguyễn Thị Dung (giáo viên Trường THPT Công nghiệp, Phú Thọ) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, có thể vào đầu năm học, học sinh chọn môn học một cách ngẫu nhiên, chọn theo bạn bè hoặc bị tác động từ gia đình, người thân, vì vậy trong quá trình học các em không theo kịp chương trình.

Thứ hai, định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh thay đổi cũng là nguyên nhân khiến các em thay đổi môn học. Có học sinh chỉ xin đổi một môn học nhưng cũng có em quyết định đổi cả tổ hợp, chẳng hạn đổi từ tổ hợp khoa học tự nhiên sang xã hội.

Thứ ba, một số học sinh xin chuyển sang trường khác. Lại có các học sinh từ trường khác xin chuyển về. Thế nhưng, học sinh chuyển đi hay học sinh chuyển đến đều không thể thực hiện được nguyện vọng của mình nên buộc phải thay đổi tổ hợp.

Cô Dung cho biết thêm: "Nhiều học sinh băn khoăn muốn chuyển đổi tổ hợp cũng là điều dễ hiểu bởi phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 vẫn chưa được Bộ GD&ĐT công bố. Việc chuyển đổi giữa các tổ hợp lựa chọn sẽ khiến học sinh rất vất vả bởi có những tổ hợp đòi hỏi phải có chiều sâu, nền tảng kiến thức từ trước".

Dành lời khuyên cho các em học sinh, cô Dung cho rằng, khi các em chọn tổ hợp cần xác định chính xác năng lực, sở trường cũng như mục tiêu ngành học của mình ở bậc đại học. Để có thêm kiến thức và rộng cửa hơn trong xét tuyển đại học sau này, các em nên kết hợp cả môn tự nhiên và xã hội. Khi thi tốt nghiệp, các em được chọn thi hai trong số bốn môn tự chọn chứ không bắt buộc phải thi cả bốn môn, cho nên nếu có một môn nào đó học không tốt thì cũng không bị áp lực. Việc lựa chọn này giúp thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp xét tuyển đại học hơn".

Lưu ý với những thí sinh muốn chuyển đổi, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, việc thực hiện chuyển đổi môn học, chuyên đề học tập vào cuối năm học không có nghĩa lúc đó học sinh mới bắt đầu bù đắp kiến thức môn học mới mà cần chủ động lên kế hoạch thực hiện ngay khi có ý định chuyển đổi, cùng với trách nhiệm hoàn thành môn đang học. Nhà trường có thể linh động trong việc hỗ trợ học sinh bù đắp kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện cho các em học một số tiết môn mới ở lớp em đó muốn chuyển sang.

Về cách thức mà các trường áp dụng để giúp phụ huynh, học sinh giải tỏa băn khoăn, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: "Việc các em đưa ra quyết định chọn tổ hợp môn gắn bó suốt 3 năm THPT không phải là điều dễ dàng. Các em phải căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực, sở trường, ý thích cá nhân, thế mạnh của trường... Để học sinh hiểu rõ hơn về môn học tự chọn có phù hợp với các em hay không, chúng tôi cho học sinh học thử một tháng trước khi chính thức chốt môn học tự chọn ở lớp 10".

Về việc có được đổi môn học lựa chọn hay không, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023; trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 nêu rõ: "Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD&ĐT. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh".

Lạm thu đầu năm: Nên xóa bỏ quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh?Lạm thu đầu năm: Nên xóa bỏ quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

SKĐS - Đầu năm học, câu chuyện lạm thu, đóng tiền quỹ Ban phụ huynh trường, lớp lại được bàn tán sôi nổi trong phụ huynh học sinh và cũng là gánh nặng của không ít gia đình có con đi học.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn