Các tỉnh, thành tính toán hỗ trợ người dân phí xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình

02-08-2024 20:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình là nhóm mà chính quyền hỗ trợ, không bắt buộc người dân trả toàn bộ về chi phí từ thu gom, vận chuyển, xử lý.

Ngày 2/8, tại TPHCM, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố đối với dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, xử lý chất thải rắn cồng kềnh, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tại TPHCM. Ảnh: Xuân Dự

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tại TPHCM. Ảnh: Xuân Dự

Theo ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong thời gian qua, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta có nhiều chuyển biến. Nhiều loại công nghệ mới được áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là công nghệ đốt đã góp phần giảm thiểu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Sự hình thành các cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh, các cơ sở xử lý nước thải phát sinh từ quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang đề ra những nhu cầu trong thực tiễn phải có định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp để vận hành.

"Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục nghiên cứu xây dựng thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, xử lý chất thải cồng kềnh, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Xác định đây là những định mức kinh tế - kỹ thuật lần đầu tiên được nghiên cứu xây dựng, có hàm lượng kỹ thuật cao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã và đang tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng như các địa phương để tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng dự thảo thông tư đảm bảo khoa học, chất lượng và phù hợp với thực tế", Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức nhận định.

Đại diện các tỉnh, thành phố nêu ý kiến đóng góp về dự thảo thông tư. Ảnh: Xuân Dự

Đại diện các tỉnh, thành phố nêu ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư. Ảnh: Xuân Dự

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường các tỉnh Bình Phước, Bình Dương cũng như đại diện một số công ty xử lý rác thải đã nêu nhiều ý kiến góp ý về định mức cụ thể ở một số mục; địa phương có thể điều chỉnh định mức trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được hay không; vấn đề thu gom rác thải tái chế cũng như quy định về độ tinh chất của hóa chất sử dụng trong xử lý chất thải.

Đối với hóa chất sử dụng trong xử lý chất thải, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ môi trường - một trong những chuyên gia hỗ trợ thực hiện dự thảo - cho biết: "Đối với phần trăm tinh chất của hóa chất sử dụng trong xử lý chất thải, chúng tôi quy về độ tinh chất 100% để tính toán. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị có thể bổ sung các định mức hoặc đề xuất thay đổi định mức dựa trên những tính toán cụ thể, từ đó giúp chúng tôi xác định được định mức phù hợp để áp dụng toàn diện".

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phản hồi ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Xuân Dự

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phản hồi ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Xuân Dự

Cũng tại hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phản hồi ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phố. Theo đó, đối với nhóm rác thải tải chế, tái sử dụng thì thực hiện theo hình thức xã hội hóa, các đơn vị tư nhân thu gom, chuyển giao cho nhà máy. Các địa phương cần tính toán về công tác phân loại rác thải tái chế tại hộ gia đình, công tác thu gom, vận chuyển để đưa ra cơ chế, chính sách quản lý cụ thể.

"Chính quyền địa phương các tỉnh cũng phải ban hành quyết định về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, từ thu gom, vận chuyển, xử lý. Rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, đây là nhóm mà chính quyền hỗ trợ, không bắt buộc người dân trả toàn bộ về chi phí từ thu gom, vận chuyển, xử lý. Các địa phương tính ra giá cấu thành để vận chuyển từ hộ gia đình đến nơi thu gom, địa điểm xử lý, người dân chỉ trả phần tiền này, còn chi phí xử lý do ngân sách thực hiện. Tỉnh nào có kinh phí thì có thể miễn phí hoàn toàn cho người dân, có thể tính toán hỗ trợ theo mức 50/50 hoặc các mức phù hợp khác", ông Hoàng Văn Thức nói.

Vì sao rác thải sinh hoạt ở thành phố Hà Nội vẫn nằm ngổn ngang dưới lòng đường?Vì sao rác thải sinh hoạt ở thành phố Hà Nội vẫn nằm ngổn ngang dưới lòng đường?

Dưới gốc cây, chân cột điện, cạnh tủ điện... là những chỗ để rác 'lý tưởng' khi chưa đến giờ đổ rác theo quy định. Bất kể đêm hay ngày, thói quen cứ tiện lúc nào là vứt rác lúc ấy đã khiến những điểm tập kết rác tự phát mọc lên khắp các con phố tại thủ đô, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.


Xuân Dự
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn