Tiện tay ở đâu là xả rác thải sinh hoạt ở đó
Hình ảnh những bãi tập kết rác, những điểm trung chuyển rác thải ngổn ngang không khó để bắt gặp trên các tuyến phố tại Hà Nội. Bất kỳ khoảng trống nào có thể tận dụng được kể cả trước trường học, gần các cơ quan đoàn thể, trước cửa khu dân cư... đều có thể được người dân trưng dụng thành trở thành bãi chứa rác thải sinh hoạt.
Một vài túi rác thải tập kết trong một vài ngày đủ để biến một góc vỉa hè dành cho người đi bộ thành nơi tập kết rác chờ trung chuyển. Thói quen bỏ rác không theo giờ quy định, tiện đâu bỏ đó và phó mặc cho các công nhân môi trường đã hình thành hàng nghìn điểm đổ rác bừa bãi trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại một số điểm tập kết rác theo quy định, có nhiều xe chở rác trong tình trạng quá tải, dù đã được che đậy nhưng vẫn bốc ra mùi hôi thối, nhất là vào những ngày nắng hè. Còn tại vô số các điểm tập kết rác phát sinh khác, các túi nilon đựng chất thải bị vứt ngổn ngang tràn xuống cả lòng đường, rác vương vãi ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông.
Thông thường, nhân viên vệ sinh môi trường sẽ đi thu gom và tập kết rác thải tại các điểm cố định vào một khung thời gian nhất định cuối buổi chiều. Song, thói quen tiện giờ nào là vứt giờ đó đã khiến các điểm thu gom rác lúc nào cũng trong tình trạng chất đầy, vương vãi khắp đường cả một ngày dài cho đến khi có nhân viên vệ sinh môi trường đến dọn.
Tại đoạn đối diện trường Đại học Văn hoá Hà Nội trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa), điểm thu gom rác nằm ngay cạnh điểm chờ xe bus đang là nỗi ám ảnh của nhiều người đợi xe tại đây. "Những buổi chiều tan học đứng chờ xe bus đúng là một cực hình đối với sinh viên chúng em, có những hôm rác thải chất đống bốc mùi nặng nên phải đứng ra xa chờ, thấy xe bus gần đến mới chạy thật nhanh lại", bạn Đỗ Thị Nhung (21 tuổi) chia sẻ.
Những bãi rác phát sinh do thói quen xả rác của người dân thường án ngự ngay trên vỉa hè đã trực tiếp gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển thủ đô xanh - sạch - đẹp. Vỉa hè biến thành nơi chất rác, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. Bên cạnh đó, những điểm tập trung rác lâu ngày không được tẩy rửa, làm sạch thường xuyên, chất bẩn tích tụ theo thời gian đang dần ăn mòn mặt đường, tạo thành những vũng nước đọng bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường xung quanh.
Nghiêm trọng hơn, nước rác rỉ ra từ những bãi rác này lâu ngày có thể ngấm xuống nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước. Những chiếc xe chứa rác thải chỏng chơ dưới lòng đường cũng là một nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường xẩy ra ùn ứ khi phương tiện di chuyển trên đường.
Thu dọn ngày 2-3 lần rác thải tự phát vẫn không giảm
Được phê duyệt và lắp đặt từ cuối năm 2019 với mục đích cải thiện mỹ quan đô thị và phân loại rác thải, dự án thùng rác công nghệ tại Hà Nội đã trở thành một niềm hy vọng dang dở khi sau gần 5 năm hoạt động vẫn không đem lại hiệu quả rõ ràng.
Với lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ không được phân loại, các công nhân vệ sinh môi trường luôn trong tình trạng quá tải khối lượng công việc, thường xuyên phải tăng ca trong môi trường lao động độc hại này.
Chị Nguyễn Thị Trang (công nhân môi trường phường Cát Linh) chia sẻ: "Trước sức ép rác thải ngày một cao, có những khu vực tăng cường đến 2-3 lần thu gom rác trong một ngày nhưng tình trạng các bãi rác tự phát vẫn xảy ra không có dấu hiệu suy giảm".
Nhận thấy, quan trọng nhất trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tự phát đến từ ý thức của người dân. Để hạn chế việc hình thành những "bãi rác tạm", mỗi người dân cần thiết lập thói quen bỏ rác theo giờ quy định và bỏ rác đúng nơi tập kết.
Phân loại rác thải sinh hoạt cũng là một bước làm giảm gánh nặng phân loại rác cho công nhân vệ sinh môi trường. Việc che phủ bạt và phun rửa, làm sạch định kỳ là biện pháp quan trọng để đảm bảo vệ sinh cho các điểm tập kết rác, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Bất cập trong thu gom, xử lý rác thải rắn do năng lực doanh nghiệp và quy hoạch còn tồn tại một số vấn đề như các phương tiện thu gom, xử lý còn có phần lạc hậu và thô sơ; thiếu các trạm trung chuyển để tái chế, phân loại và xử lý rác thải, dẫn đến tình trạng rác thải vận chuyển trực tiếp đến khu xử lý, gây quá tải.
Việc điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn Thủ đô tích hợp trong quy hoạch chung diễn ra chậm chạp, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu thực tế, chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, lãng phí tài nguyên.