Thời điểm áp dụng xử phạt khi không phân loại rác đã cận kề
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn: Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
"Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng, sẽ rất khó đưa chính sách vào cuộc sống. Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn", TS Ngọc cho biết thêm.
Tại Diễn đàn, đại diện của hơn 20 Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và 30 đơn vị, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay; khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí bố trí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp để việc phân loại rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.623 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 28.394 tấn/ngày. Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.
Năm 2020, Luật BVMT được Quốc hội ban hành, thay thế cho Luật BVMT 2014. Có rất nhiều nội dung mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đối với quản lý rác sinh hoạt, có một số điểm mới cần được nhận thức rõ như: Lần đầu tiên quy định bắt buộc phải PLRTN, không còn là khuyến khích như các Luật ban hành trước đó (nếu không phân loại sẽ bị từ chối thu gom và bị phạt);
Rác được phân thành 3 loại: Có khả năng tái chế, thực phẩm, khác (bao gồm nguy hại, cồng kềnh và rác thông thường khác); Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền: phải trả tiền theo lượng rác thải ra (PAYT), phải đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định;
Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng và nhân công theo Hợp đồng ký kết để thu gom vận chuyển xử lý rác đã phân loại; Phân cấp mạnh mẽ trong quản lý rác. Vai trò và trách nhiệm mới của cơ quan TW (Bộ TNMT), của địa phương cấp tỉnh, cấp quận huyện và cấp xã phường; Vai trò của các cơ quan đoàn thể các cấp.
Lúng túng phân loại rác tại nguồn
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hiện nay, hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch Phân loại rác tại nguồn. Các địa phương đang đợi hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào?
Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo QD 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).
TS Hoàng Dương Tùng đặt câu hỏi: Còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định, liệu thời hạn này các địa phương có đáp ứng được không?
Phát biểu tại Diễn đàn, trên cơ sở các tham luận của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Ủy ban đã đã thực hiện một nghiên cứu bài bản về việc chuẩn bị của 63 tỉnh, thành trong công tác thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Trong đó, Ủy ban đã chọn ra hơn 10 tỉnh thành để đi khảo sát thực tế, sau đó đưa ra những báo cáo chi tiết của từng tỉnh và tổ chức phiên giải trình kết quả.
Ông Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi, chúng ta đã có những điều luật quy định cụ thể về việc phân loại rác tại nguồn nhưng liệu việc thực hiện có khả thi? Nếu việc phân loại rác tại nguồn vẫn không thực hiện được thì giải pháp là gì? Hai là liệu phân loại rác tại nguồn có giải quyết được vấn đề ô nhiễm rác thải không? Hay việc này chỉ là một điều kiện cần?
Phân loại, thu gom và xử lý rác được thực hiện ra sao từ 1/1/2025?
TS Hoàng Dương Tùng đề xuất Bộ TN&MT xây dựng và ban hành văn bản quy định hướng dẫn: Quy trình, định mức thu gom vận chuyển xử lý theo hướng mở hơn; Hướng dẫn xử lý rác thực phẩm; Hướng dẫn kỹ thuật triển khai thu phí theo lượng rác qua túi; Tài liêu cho các module đào tạo nâng cao nhận thức; Hướng dẫn xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, Hướng dẫn các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, Hướng dẫn huy động sự tham gia của cộng đồng.
Trên cơ sở này các địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, xây dựng kế hoạch PLRTN tạm thời phân công vai trò trách nhiệm của Sở TN&MT, quận huyện, phường; Xây dựng và ban hành các định mức và yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý, vệ sinh môi trường; Xây dựng và ban hành hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cụ thể cho từng quận huyện; Hướng dẫn các quận/huyện; phường/xã triển khai thu phí theo lượng rác qua túi; Xây dựng các module/tài liệu tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các đối tượng khác nhau phù hợp với địa phương..
Đơn vị thu gom rác cần thống nhất với địa phương (quận, phường) phương thức thu gom rác đã phân loại, địa điểm, tần suất, thời gian đối với các loại rác thực phẩm, rác có khả năng tái chế, tái sử dụng, nguy hại, cồng kềnh, rác thông thường khác; Chuẩn bị các trang thiết bị thu gom vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật xử lý rác đã phân loại theo yêu cầu của Hợp đồng mới; Thống nhất với địa phương phương án xử lý rác thực phẩm; Đào tạo công nhân...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 17/5.