Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu của thai kỳ gây các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, gầy sút trông thấy. Ở 3 tháng cuối, các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén có thể bao gồm phù, tăng huyết áp, protein niệu cao.
Nguyên tắc điều trị nhiễm độc thai nghén phải bao gồm việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị không dùng thuốc: Nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, hạn chế căng thẳng, không làm việc nặng nhọc.
- Điều trị thuốc: Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát huyết áp và phòng sản giật.
1. Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén
1.1. Thuốc chống nôn
Trường hợp nhiễm độc thai nghén nhẹ không cần dùng thuốc, thay vào đó thai phụ nên nghỉ ngơi ở phòng yên tĩnh, thoáng, không có mùi thức ăn, ánh sáng vừa đủ. Thuốc chống nôn được chỉ định trong trường hợp buồn nôn, nôn nhiều dẫn đến kiệt sức.
Dưới đây là một số thuốc chống nôn có thể sử dụng trong thai kỳ:
- Vitamin B1: Vitamin B1 (thiamine) được chỉ định cho những phụ nữ mang thai bị buồn nôn hoặc nôn liên tục. Có thể bổ sung thiamine dưới dạng uống. Nếu bệnh nhân không hấp thụ được thiamine đường uống thì có thể truyền tĩnh mạch.
- Vitamin B6: Được ưu tiên sử dụng cho phụ nữ mang thai bị buồn nôn và nôn, vì không có tác dụng phụ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể H1: Promethazine có thể sử dụng để ngăn ngừa và điều trị buồn nôn và nôn trên phụ nữ có thai.
Thuốc chống chỉ định với người bệnh mẫn cảm với thuốc chống nôn promethazine hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc, tiền sử mất bạch cầu hạt và glôcôm góc đóng.
Tác dụng phụ thường gặp của promethazine là ngủ gà, nhìn mờ, tăng hoặc hạ huyết áp, nổi ban do tính chất kháng cholinergic.
Lưu ý: Chỉ nên dùng promethazine cho người có thai khi mà lợi ích điều trị vượt trội nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
- Thuốc đối kháng dopamine: Metoclopramide là loại thường dùng để dự phòng, điều trị buồn nôn và nôn có thể dùng cho phụ nữ mang thai. Tác dụng phụ của thuốc chống nôn metoclopramide thường gặp là tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi.
1.2. Thuốc hạ huyết áp
Huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Khi có thai, huyết áp có thể nhích lên một chút là cần thiết để có thể bơm máu, chất dinh dưỡng, oxy đến nuôi thai. Nếu huyết áp ở mức 140/90 mmHg được coi là huyết áp cao, nhưng chỉ khi huyết áp đạt đến mức ≥ 160/110 mmHg mới được coi là mức huyết áp cao nguy hiểm, cần nhập viện sớm.
Tất cả các loại thuốc hạ huyết áp đều làm giảm áp lực máu, dẫn tới giảm lượng máu đến thai, do đó sẽ làm giảm lượng chất dinh dưỡng, oxy đến nuôi thai. Vì vậy, trường hợp huyết áp tăng cao nhưng chưa đến mức nguy hiểm không được dùng thuốc hạ huyết áp.
Khi huyết áp tăng cao nguy hiểm, chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ, nếu tình trạng đã cải thiện thì ngừng dùng thuốc ngay. Cụ thể là chỉ dùng khi huyết áp tâm trương 110 mmHg nhưng không nên hạ huyết áp tâm trương xuống <>
Các loại thuốc thường dùng như:
- Methyldopa được chỉ định điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai vì không tác động tiêu cực lên sự phân bố mạch máu tử cung - nhau thai và phôi thai. Thuốc có thể ngăn ngừa các biến chứng do tăng huyết áp trong thai kỳ và tình trạng tiền sản giật. Thông thường, methyldopa sẽ bắt đầu điều trị sau 3 tháng đầu thai kỳ khi thai nhi đã phát triển đầy đủ. Do đó, điều này không gây ra dị tật bẩm sinh.
Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ như chóng mặt, buồn ngủ… Để giảm nguy cơ chóng mặt khi sử dụng thuốc, hãy đứng dậy từ từ khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm.
- Hydralazin là thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi, có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở những thai phụ bị tăng huyết áp nặng và tiền sản giật.
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp các biểu hiện nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, chóng mặt… khi cơ thể chưa thích nghi với thuốc. Nếu các triệu chứng này kéo dài thì bạn nên báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn.
- Labetalol là thuốc hạ huyết áp an toàn cho thai phụ. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi.
1.3. Thuốc chống sản giật
Sản giật là một tai biến nặng làm cho nhiễm độc thai diễn biến xấu hơn trong đó có việc dọa sảy thai. Để xử lý việc này, thường dùng magie sulfat vừa phòng vừa chống được sản giật. Tuy nhiên, nếu dùng liều quá cao sẽ làm tăng cao nồng độ magie - máu, gây đổ mồ hôi, trụy tuần hoàn, mất phản xạ, yếu cơ, suy giảm chức năng tim, thần kinh trung ương.
Trong sản giật, chức năng thận không bị rối loạn, magie sulfat vẫn bài tiết nhanh, không gây nhiễm độc thận. Nhưng với người chức năng thận bị suy giảm thì sự bài tiết bị hạn chế, nồng độ magie sulfat máu cao dễ dẫn đến những tai biến như dùng magie liều cao.
2. Một số lưu ý khi dùng thuốc
Đối với các bà mẹ bị nhiễm độc thai nghén, việc điều trị là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Một trong những sai lầm cần lưu ý trong quá trình điều trị nhiễm độc thai nghén là người bệnh không được tự ý dùng thuốc lợi tiểu. Khi có thai cơ thể nặng thêm do mang thai do dự trữ thêm nước dùng cho mẹ và thai (thai phụ thường nặng thêm 7kg) nên có phù ít hay nhiều. Đây là sinh lý bình thường. Phù chỉ là một dấu hiệu báo động, chứ không phải là yếu tố nhiễm độc thai. Không được dùng bất cứ thuốc chống phù nào.
Khi nhiễm độc thai nghén, nước bị thất thoát ra ngoài hệ tuần hoàn và nằm ở dưới da, nhìn bề ngoài thấy phù, song thật ra do sự thất thoát nước nên máu đã bị đặc hơn bình thường. Nếu dùng thuốc lợi tiểu, nước càng bị thất thoát hơn, máu sẽ bị đặc hơn nữa, kèm theo việc mất một số chất, gây nên rối loạn cân bằng nước - điện giải. Điều này không chỉ xảy ra khi dùng các lợi tiểu bằng hóa dược (các thiazid) mà còn xảy ra ngay khi dùng lợi tiểu bằng thảo dược (bông mã đề, râu ngô, cây râu mèo).
Các thuốc lợi tiểu như lorothiazid, hydroclorothiazid, furosemid, acid ethacrynic, bumetamid... thường có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh. Dùng thuốc lợi tiểu không chỉ làm giảm sự chuyển máu cho thai nhi qua nhau thai mà nó còn tác động tới sự tăng trưởng của thai nhi. Nếu cơ thể bị mất quá nhiều nước thì mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như buồn nôn, đau đầu và chóng mặt.