Hà Nội

10 câu hỏi thường gặp liên quan đến nhiễm độc thai nghén

03-04-2024 10:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật) là tình trạng liên quan đến tăng huyết áp và protein cao trong nước tiểu. Nhiễm độc thai nghén thường xảy ra vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ, hay xuất hiện ở người chửa con so, đa thai, đa ối.

1. Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật) là tình trạng huyết áp nghiêm trọng phát triển trong thai kỳ. Những người bị nhiễm độc thai nghén thường bị huyết áp cao (tăng huyết áp) và lượng protein trong nước tiểu (protein niệu) cao.

Tiền sản giật thường phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nó cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi đang phát triển. Vì những rủi ro này, tiền sản giật cần được điều trị.

Nhiễm độc thai nghén được cho là xuất phát từ vấn đề sức khỏe của nhau thai (cơ quan phát triển trong tử cung khi mang thai, chịu trách nhiệm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi). Việc cung cấp máu cho nhau thai có thể bị giảm trong tiền sản giật, điều này dẫn đến các vấn đề cho cả mẹ bầu và thai nhi.

2. Đông y có chữa được nhiễm độc thai nghén không?

Thuốc Đông y có nhiều vị tốt với phụ nữ mang thai và em bé trong bụng, ví dụ như: trữ ma căn, tô ngạch, bạch truật, tục đoạn, tang ký sinh, ngải diệp, đỗ trọng, a giao... là những vị thuốc an thai, dưỡng thai trong thời kỳ mang thai. Trong đó, có những vị thuốc dùng trong trường hợp động thai, đau bụng, ra huyết... Tuy nhiên, những bài thuốc này chỉ dùng khi được các lương y có kinh nghiệm thăm khám, kê đơn trong các trường hợp cụ thể.

Trường hợp thai phụ có biểu hiện nhiễm độc thai nghén, tốt nhất nên đi khám chuyên khoa sản để được bác sĩ kiểm tra tình trạng rồi tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc dù là Tây y hay Đông y.

3. Điều gì xảy ra khi bị nhiễm độc thai nghén?

Khi bị nhiễm độc thai nghén, huyết áp của mẹ bầu tăng cao (cao hơn 140/90 mmHg), hàm lượng protein cao trong nước tiểu. Nhiễm độc thai nghén gây căng thẳng cho tim và các cơ quan khác dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nó cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho nhau thai, làm suy giảm chức năng gan, thận hoặc khiến chất lỏng tích tụ trong phổi. Protein trong nước tiểu là dấu hiệu của rối loạn chức năng thận.

4. Chăm sóc thai phụ nhiễm độc thai nghén tại nhà

Trường hợp nhiễm độc thai nghén nhẹ để thai phụ nằm ở phòng yên tĩnh, thoáng, không có mùi thức ăn, ánh sáng vừa đủ. Bác sĩ sẽ cho dùng thuốc chống nôn, giảm tiết dịch, vitamin B6 trong trường hợp thai phụ nôn nhiều.

Chăm sóc thai phụ bằng chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, nên ăn thức ăn nguội để ít gây nôn. Không để thai phụ làm việc quá sức, tránh căng thẳng.

5. Các triệu chứng nhiễm độc thai nghén nào cần đến bệnh viện ngay?

10 câu hỏi thường gặp liên quan đến nhiễm độc thai nghén- Ảnh 2.

Huyết áp cao có thể là một trong những dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén. Ảnh minh họa.

Nhiều người bị nhiễm độc thai nghén không có bất kỳ triệu chứng nào. Đối với những trường hợp này, một số dấu hiệu đầu tiên của nhiễm độc thai nghén là huyết áp cao, protein trong nước tiểu và giữ nước (điều này có thể gây tăng cân, thậm chí phù).

Các dấu hiệu khác của nhiễm độc thai nghén bao gồm: Nhức đầu, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng, những đốm đen xuất hiện trong tầm nhìn, đau bụng bên phải, sưng ở tay, mặt (phù nề), hụt hơi.

Khi có các triệu chứng bất thường trong giai đoạn mang thai, cần gặp bác sĩ sớm. Nhiều người không biết mình bị nhiễm độc thai nghén cho đến khi được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu vào lúc khám thai theo lịch hẹn.

Tiền sản giật nặng thường bao gồm các triệu chứng như: Tăng huyết áp cấp cứu (huyết áp từ 160/110 mmHg trở lên), suy giảm chức năng thận hoặc gan, dịch trong phổi, giảm tiểu cầu, giảm sản xuất nước tiểu.

Nếu tình trạng nhiễm độc thai nghén nghiêm trọng phải nhập viện để theo dõi kỹ sát sao. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình cụ thể và cho mẹ bầu dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc giúp phổi của thai nhi phát triển trước khi sinh.

6. Nhiễm độc thai nghén có nguy hiểm không?

Nhiễm độc thai nghén có nguy cơ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe nếu không được điều trị nhanh chóng. Đối với các bà mẹ, nhiễm độc thai nghén dễ dẫn đến các vấn đề về gan, thận, suy nội tạng, các vấn đề về đông máu, tích tụ dịch trong phổi. Nhiễm độc thai nghén khi gây co giật nếu không được điều trị, có thể dẫn đến tử vong. Đối với trẻ sơ sinh, nguy cơ dẫn đến sinh non, nhẹ cân, trong trường hợp nghiêm trọng là thai chết lưu.

7. Ai có nguy cơ cao nhất bị nhiễm độc thai nghén?

Nhiễm độc thai nghén phổ biến hơn ở những thai phụ mang thai ở tuổi vị thành niên và ở những người mang thai sau 40 tuổi. Nhiễm độc thai nghén có thể xảy ra trong lần mang thai đầu tiên hoặc nếu người từng bị nhiễm độc ở lần mang thai trước, người đang mang đa thai (sinh đôi, sinh ba).

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm các tình trạng sức khỏe mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, béo phì, đái tháo đường, bệnh thận.

8. Tiền sản giật bắt đầu ở tuần thứ mấy của thai kỳ?

Nhiễm độc thai nghén thường xảy ra sau 20 tuần mang thai nhưng cũng có thể đến sớm hơn. Hầu hết tiền sản giật xảy ra vào lúc hoặc gần ngày sinh (thai kỳ 37 tuần). Tiền sản giật cũng có thể xảy ra sau khi sinh (tiền sản giật sau sinh), thường xảy ra trong khoảng vài ngày đầu đến một tuần sau khi sinh. Trong một số ít trường hợp, nó bắt đầu vài tuần sau khi sinh.

9. Các biến chứng thường gặp nhất của nhiễm độc thai nghén là gì?

Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Các biến chứng thường gặp nhất là sinh non, nhẹ cân hoặc bong nhau thai.

Nhiễm độc thai nghén có thể gây ra hội chứng HELLP (tan máu, men gan tăng cao, số lượng tiểu cầu thấp). Điều này xảy ra khi tiền sản giật làm tổn thương gan, hồng cầu, cản trở quá trình đông máu. Các dấu hiệu khác của hội chứng HELLP là mờ mắt, đau ngực, đau đầu, chảy máu cam.

Sau khi sinh con, mẹ có nguy cơ cao hơn về bệnh thận, đau tim, đột quỵ, phát triển nhiễm độc thai nghén ở những lần mang thai sau.

10 câu hỏi thường gặp liên quan đến nhiễm độc thai nghén- Ảnh 4.

Khi được chẩn đoán nhiễm độc thai nghén, mẹ và bé được theo dõi rất chặt chẽ. Ảnh minh họa.

10. Nhiễm độc thai nghén có phòng ngừa và chữa khỏi được không?

Nhiễm độc thai nghén kéo dài có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé, do đó bệnh cần được phát hiện, điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ theo dõi thai phụ rất chặt chẽ, đánh giá thời điểm xuất hiện triệu chứng cũng như tình trạng bệnh mà có biện pháp điều trị thích hợp. Khi nhiễm độc thai nghén xảy ra thì không thể đảo ngược được mà các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể của mẹ bầu để đưa ra các chỉ định.

Đối với những trường hợp nặng, thai phụ phải ở lại bệnh viện để theo dõi, có thể dùng thuốc tiêm tĩnh mạch bằng magie sulfat để giảm nguy cơ đột quỵ, co giật.

ThS.BS Lê Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững cho biết, nhiễm độc thai nghén hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân vì vậy nên chủ động phòng ngừa các nguy cơ bệnh có thể xảy ra. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm độc thai nghén là quản lý tình trạng sức khỏe, khám thai theo định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của thai nghén. Trước khi mang thai, phụ nữ nên khám tiền sản, hỏi ý kiến các bác sĩ sản hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống, tập thể dục nhằm giảm cân nếu cần. Những phụ nữ có bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận... cần tuân thủ điều trị.

Trong quá trình mang thai cần ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ các nhóm chất đạm, vitamin, chất vi lượng, acid folic, viên sắt,… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiễm độc thai nghén thường hết trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi sinh. Đôi khi, huyết áp của mẹ có thể duy trì ở mức cao trong vài tuần sau khi sinh, cần phải điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ thăm khám cho sản phụ để kiểm soát huyết áp đồng thời tư vấn cách theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau sinh.

Xem thêm:

Chế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghénChế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

SKĐS - Nhiễm độc thai nghén hay còn gọi là tiền sản giật thường gây ra vấn đề cho hệ tuần hoàn của mẹ bầu, làm giảm lượng chất dinh dưỡng mà em bé nhận được. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần có một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và lành mạnh.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn