Chế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

01-04-2024 20:01 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiễm độc thai nghén hay còn gọi là tiền sản giật thường gây ra vấn đề cho hệ tuần hoàn của mẹ bầu, làm giảm lượng chất dinh dưỡng mà em bé nhận được. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần có một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và lành mạnh.

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng liên quan đến tăng huyết áp, protein cao trong nước tiểu, thường xuất hiện sau 20 tuần mang thai. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây sinh non, chiếm khoảng 15% trẻ sơ sinh bị chậm tăng trưởng.

Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người mẹ bao gồm não, tim, gan, thận và quá trình sinh nở. Nếu tiền sản giật tiến triển, có nguy cơ tiến triển thành một tình trạng nghiêm trọng hơn gọi là sản giật, có thể dẫn đến co giật thậm chí tử vong.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn để phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

Chế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén- Ảnh 1.

Chế độ ăn đóng vai trò kiểm soát tình trạng viêm, stress oxy hóa và huyết áp, những yếu tố góp phần phát triển tiền sản giật.

Nhiễm độc thai nghén hay tiền sản giật là biến chứng thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao. Các chiến lược ăn kiêng điển hình cho bệnh tăng huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, chế độ ăn kiểm soát lượng calo để giúp tối ưu hóa cân nặng. Tuy nhiên, các hướng dẫn hiện tại không khuyến nghị hai chiến lược ăn kiêng này cho nhiễm độc thai nghén trừ khi được thực hiện dưới sự giám sát của của bác sĩ chuyên khoa sinh sản hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Việc giảm lượng muối ăn vào nhanh chóng khiến lượng chất lỏng trong cơ thể mẹ bầu giảm xuống dễ gây hại cho em bé.

Việc giảm cân nhanh chóng không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai vì có nguy cơ khiến thai nhi thiếu dinh dưỡng. Do đó, nếu bị nhiễm độc thai nghén điều quan trọng là phải theo dõi lượng calo nạp vào để đảm bảo rằng mẹ bầu không tăng cân quá mức trong thời kỳ mang thai, vì điều này gây nguy hiểm hơn cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm tăng huyết áp, protein trong nước tiểu, cơ thể người mẹ phù nề nghiêm trọng. Tình trạng này cản trở sự phát triển miễn dịch của trẻ trong bụng mẹ, nó cũng làm tăng nguy cơ dị ứng và các bệnh tự miễn dịch sau này của bé. Nhiễm độc thai nghén ảnh hưởng đến sự phát triển của một cơ quan miễn dịch quan trọng của thai nhi - tuyến ức - nằm ngay sau xương ức.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình mang thai và phát triển nhau thai. Dinh dưỡng thường xuyên được các nhà nghiên cứu tiền sản giật nghiên cứu vì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò trong cách cơ thể kiểm soát tình trạng viêm, stress oxy hóa cũng như huyết áp, những yếu tố góp phần phát triển tiền sản giật. Tuy nhiên, nhiễm độc thai nghén không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn mà có rất nhiều yếu tố khác nhau.

2. Các chất dinh dưỡng thiết yếu phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

Chế độ ăn tiền sản giật nên là một chế độ ăn uống cân bằng. Mẹ bầu cần ăn những thực phẩm nguyên chất, lành mạnh, tốt cho sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng cho em bé. Dưới đây là một số thực phẩm chứa vitamin, khoáng chất quan trọng trong giai đoạn mang thai:

Canxi

Việc bổ sung canxi có thể làm giảm một nửa nguy cơ phát triển tiền sản giật. Canxi nhận được từ chế độ ăn của mẹ bầu giúp hình thành xương của bé đang phát triển. Đặc biệt trong nửa sau của thai kỳ, lượng canxi dự trữ của người mẹ tăng mạnh để giúp con phát triển.

Nồng độ canxi trong máu thấp kích hoạt giải phóng hormone tuyến cận giáp, giúp cơ thể kiểm soát lượng canxi. Nhiều hormone tuyến cận giáp khiến xương giải phóng nhiều canxi vào máu và các tế bào cơ trơn mạch máu, tạo thành một phần chính của thành động mạch máu. Điều này dẫn đến mạch máu co lại, tăng huyết áp.

Các nguồn giàu canxi tốt nhất cho mẹ bầu là sữa, sữa chua, phô mai, rau chân vịt, đậu lăng, đậu phụ...

Lượng canxi được khuyến nghị hàng ngày là 1000mg mỗi ngày nếu tiêu thụ 2,5-3 khẩu phần sữa hoặc các sản phẩm thay thế tăng cường canxi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai có lượng canxi hấp thụ thấp để giúp giảm nguy cơ tiền sản giật.

Omega-3

Omega-3 là một thành viên trong họ acid béo thiết yếu, mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé khi mang thai. Nó cần thiết cho sự hình thành não bộ cũng như sự phát triển các mô thần kinh khác của thai nhi. Omega-3 có đặc tính chống viêm giúp giảm căng thẳng trong cơ thể và có khả năng hạ huyết áp. Chính vì lý do này mà omega-3 nhận được nhiều sự quan tâm liên quan đến sự phát triển của tiền sản giật.

Mẹ bầu có thể bổ sung omega-3 qua các thực phẩm: quả óc chó, súp lơ, cá béo (cá hồi, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trắng), động vật có vỏ hoặc rong biển…

Probiotics

Đây là dạng men vi sinh giúp làm giảm nguy cơ tiền sản giật cho mẹ bầu. Trong đường tiêu hóa, probiotics hoạt động để cải thiện sản xuất vi khuẩn tốt đồng thời thúc đẩy hệ vi sinh đường ruột trở nên khỏe mạnh, loại bỏ vi khuẩn có hại, chống nhiễm trùng.

Probiotics được khuyên nên có mặt trong chế độ dinh dưỡng bị tiền sản giật do cải thiện hấp thụ và chuyển hóa glucose nhờ đó giảm nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, góp phần thay đổi tích cực cho miễn dịch có trong huyết thanh của thai phụ.

Chất chống oxy hóa

Chế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén- Ảnh 3.

Chất chống oxy hóa có nhiều trong trái cây, rau quả.

Nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây, rau quả đặc biệt quan trọng để giảm căng thẳng oxy hóa do tiền sản giật gây ra, vì vậy nên ăn nhiều loại trái cây và rau có màu sắc khác nhau mỗi ngày để tăng cường các loại chất chống oxy hóa khác nhau.

Vitamin D

Cung cấp đủ vitamin D cũng giúp mẹ bầu có đủ canxi. Dạng nội tiết tố hoạt động của vitamin D, calcitriol, làm tăng sự hấp thu canxi từ ruột. Ngoài ra, vitamin D có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhau thai và điều chỉnh tình trạng viêm, cả hai đều quan trọng trong sự phát triển của tiền sản giật. Thiếu vitamin D ở người mẹ có liên quan đến nguy cơ phát triển tiền sản giật gấp đôi, trong khi việc bổ sung vitamin D có liên quan đến việc giảm 38% nguy cơ phát triển tiền sản giật.

Duy trì đủ lượng vitamin D trong khi sinh con cũng làm giảm nguy cơ biến chứng như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thậm chí là sinh con nhẹ cân. Các nghiên cứu cũng cho thấy những bà mẹ sắp sinh được cung cấp đủ vitamin D sẽ ít có nguy cơ chuyển dạ sinh non hơn, đồng thời hỗ trợ xây dựng răng và xương cho bé.

Các bác sĩ sản khoa xem xét mức vitamin D của mẹ bầu trong quá trình xét nghiệm máu trước khi sinh, cho dù mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật hay không. Bác sĩ sẽ đề nghị bổ sung nếu hàm lượng thấp để cải thiện sức khỏe tổng thể của thai kỳ. Vì thế, để kiểm soát tốt các triệu chứng tiền sản giật, mẹ bầu có thể bổ sung loại vitamin này qua các thực phẩm: nấm, trứng, cá có dầu, bơ thực vật, sữa, ngũ cốc, táo...

Acid folic

Đây là hợp chất có khả năng ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi, giúp giảm nguy cơ sinh non. Thai phụ bị tiền sản giật nên bổ sung acid folic có sẵn trong các loại rau lá xanh, trái cây họ cam quýt, đậu khô, ngũ cốc tăng cường…

Sắt

Phụ nữ mang thai cần lượng sắt gấp đôi so với phụ nữ không mang thai, vì vậy điều cần thiết là đảm bảo được cung cấp đủ chất sắt. Các nguồn cung cấp chất sắt tốt bao gồm thịt màu đỏ, đậu, rau bina, nấm, chuối, lựu…

Selen

Khoáng chất tự nhiên này có mối tương quan với tiền sản giật. Thai phụ bị tiền sản giật sinh con trước 32 tuần thường có mức selen thấp. Có nhiều dạng selen khác nhau nhưng selenomethionine được chuyên gia sản khoa khuyên dùng vì khả năng hấp thụ tốt hơn.

Để bổ sung selen mẹ bầu hãy ăn các loại ngũ cốc, trứng, hải sản có vỏ, cá ngừ,... Duy trì đủ lượng selenium cho cơ thể là một cách giúp phòng ngừa tiền sản giật.

Magie

Tỷ lệ magie cần cung cấp cho cơ thể thai phụ vào khoảng 6 mg/kg trọng lượng cơ thể. Các loại rau xanh đậm giàu magie là thực phẩm bị tiền sản giật nên ăn gì không thể bỏ qua. Ngoài ra, khoáng chất này cũng có nhiều trong các loại đậu, quả cứng, lúa mì, hải sản, thịt,...

3. Thực phẩm nên ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

Chế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén- Ảnh 4.

Mẹ bầu nên ăn đầy đủ các dưỡng chất theo đề nghị của bác sĩ để phòng bệnh nhiễm độc thai nghén.

Sữa và các sản phẩm của sữa

Khi mang thai, người mẹ cần tiêu thụ thêm protein và canxi để đáp ứng nhu cầu cho thai nhi phát triển. Các sản phẩm sữa có chứa hai loại protein chất lượng cao, sữa còn là nguồn canxi tốt nhất trong chế độ ăn cùng với sự cung cấp lượng phốt pho, vitamin nhóm B, magie, kẽm cao.

Sữa chua đặc biệt là sữa chua Hy Lạp là món ăn dinh dưỡng rất có lợi cho phụ nữ mang thai. Sữa chua có chứa nhiều canxi hơn hầu hết các sản phẩm sữa khác và cung cấp một số vi khuẩn sinh học có lợi, hỗ trợ sức khỏe tiêu hoá. Những người không dung nạp được đường sữa vẫn có thể dung nạp sữa chua, đặc biệt là sữa chua có chứa men vi sinh.

Sữa chua cũng có vitamin D, lượng vitamin D đầy đủ có liên quan đến việc điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ tiền sản giật và tiến triển thành sản giật. Đường, hóa chất cùng với hương liệu bổ sung có thể làm thay đổi lợi ích tăng cường sức khỏe của sữa chua, vì vậy điều quan trọng là phải đọc nhãn thực phẩm trước khi chọn sản phẩm.

Trứng

Chế độ ăn phòng ngừa nhiễm độc thai nghén- Ảnh 5.

Trứng là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Trứng là một thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe, trứng chứa hầu hết các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Một quả trứng lớn chứa 77 kcal cũng như protein, chất béo, chất khoáng và vitamin cao. Mặt khác, trứng cũng là nguồn choline tuyệt vời. Đây là chất rất cần thiết cho nhiều quá trình trong cơ thể bao gồm sự phát triển và duy trì sức khỏe não.

Lượng choline thấp khi mang thai làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh dẫn đến giảm chức năng não ở thai nhi. Một quả trứng nguyên chất chứa khoảng 113 mg choline, chiếm khoảng 25% nhu cầu khuyến nghị cho phụ nữ mang thai (450mg).

Thịt nạc

Thịt bò, thịt lợn, thịt gà là nguồn protein chất lượng cao. Hơn nữa, thịt bò, thịt lợn cũng rất giàu sắt, choline và các vitamin nhóm B.

Phụ nữ mang thai cần nhiều sắt hơn vì lượng máu ở thời kỳ này sẽ ngày càng tăng. Cung cấp sắt đặc biệt quan trọng trong giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ. Nồng độ sắt thấp trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ có thể gây thiếu máu do thiếu sắt, làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh non, nhẹ cân.

Vì vậy, cần cung cấp đủ lượng sắt cho bà bầu đồng thời sử dụng thêm thực phẩm giàu vitamin C để tăng hấp thu sắt từ các bữa ăn.

Cá hồi

Trong các loại thực phẩm chứa omega-3 thì cá hồi là nguồn cung cấp tốt nhất. Vì thế, mẹ bầu không nên bỏ qua các loại cá giàu omega-3. Hầu hết mọi người kể cả phụ nữ mang thai đều không nhận đủ hàm lượng acid béo omega-3 từ khẩu phần ăn.

Acid béo omega-3 rất cần thiết trong thai kỳ, đặc là acid béo omega-3 chuỗi dài DHA và EPA. Hai chất này có vai trò trong sự phát triển của trí não và mắt của thai nhi. Chúng được tìm thấy với số lượng lớn trong hải sản, mỗi tuần nên ăn cá từ 2 - 3 lần.

Cá hồi là một trong số những loại thực phẩm có nguồn vitamin D tự nhiên, thường thiếu trong chế độ ăn. Nó rất quan trọng đối với các quá trình chuyển hóa của cơ thể bao gồm sức khỏe xương và chức năng miễn dịch.

Các loại ngũ cốc

Ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp phụ nữ mang thai đáp ứng nhu cầu calo tăng cao đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Ngũ cốc nguyên hạt có chứa nhiều chất xơ, vitamin cùng các hợp chất thực vật khác.

Yến mạch và quinoa là một trong những loại ngũ cốc có chứa lượng protein vừa phải tốt cho quá trình mang thai. Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt thường giàu vitamin nhóm B, chất xơ và magie.

Quả óc chó

Quả óc chó là một loại thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Nghiên cứu phát hiện ra rằng các mô hình ăn kiêng tổng thể phù hợp với chế độ ăn Địa Trung Hải làm giảm tỷ lệ tiền sản giật. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong quả óc chó như acid ellagic và catechin làm giảm nguy cơ tiền sản giật, giảm bớt các triệu chứng.

Cây họ đậu

Nhóm thực phẩm này bao gồm đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành... Các loại họ đậu là nguồn cung cấp chất xơ, protein, sắt, acid folic, canxi.

Hầu hết các loại đậu đều chứa lượng folate cao. Trong một chén đậu lăng, đậu xanh hoặc đậu đen cung cấp từ 65 – 90% theo nhu cầu khuyến nghị. Hơn nữa, các loại đậu này còn có nhiều chất xơ cũng như các chất khoáng khác như sắt, magie, kali tốt cho phụ nữ khi mang thai.

Khoai lang

Khoai lang rất giàu beta carotene - là một hợp chất tiền vitamin A có nguồn gốc từ thực vật, khi được cung cấp vào cơ thể sẽ được chuyển đổi thành vitamin A cần thiết cho cơ thể. Vitamin A rất cần cho sự tăng trưởng và biệt hóa của hầu hết các tế bào và mô. Nó cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi.

Do đó, beta carotene từ khoai lang là nguồn bổ sung tuyệt vời cho thai nhi và mẹ. Hơn nữa, khoai lang có chứa nhiều chất xơ giúp no lâu đồng thời làm giảm đột biến lượng đường trong máu, cải thiện sức khỏe tiêu hóa cũng như chức năng vận động.

Bông cải xanh, các loại rau có lá màu xanh đậm

Bông cải xanh, các loại rau có lá màu xanh đậm như cải xoăn, rau bina… chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mà bà bầu cần. Chúng cung cấp cả chất xơ, vitamin C, vitamin K, vitamin A, canxi, sắt, folate, kali. Hơn nữa, bông cải xanh, rau có lá xanh đậm rất giàu chất chống oxy hoá. Chúng cũng chứa các hợp chất có nguồn gốc thực vật có lợi cho hệ thống miễn dịch và tiêu hoá.

Do hàm lượng chất xơ cao những loại rau này có tác dụng giúp ngăn ngừa táo bón – đây là vấn đề rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Thêm vào đó, tiêu thụ các loại rau này có liên quan đến việc giảm nguy cơ sinh nhẹ cân.

Rau cải mầm

Erucin là một chất phytochemical mạnh được tìm thấy trong rau cải mầm. Hợp chất này có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ thần kinh, tất cả đều ảnh hưởng đến tác động của nhiễm độc thai nghén.

Nghiên cứu cho thấy erucin trong các loại rau như rau cải mầm có tác dụng tương tự như thuốc hạ huyết áp. Tương tự như thuốc, những thực phẩm này hoạt động như chất giải phóng hydro sunfua. Tác nhân này làm dịu cơ bắp, cho phép các mạch máu mở ra và lưu lượng máu nhiều hơn, do đó điều hòa huyết áp.

Dâu tây

Dâu tây có chứa nhiều nước, carbs lành mạnh, vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hoá. Chúng thường chứa lượng vitamin C cao giúp cơ thể hấp thụ sắt. Dâu tây có giá trị chỉ số đường huyết tương đối thấp vì thế chúng không gây ra đột biến lớn lượng đường trong máu.

Quả bơ

Quả bơ rất giàu acid béo omega-3, vitamin E, magie và kali. Ngoài ra, chúng rất giàu các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là terpenoid, carotenoids.

Carotenoids trong chế độ ăn uống, bao gồm beta-carotene, lycopene, lutein, zeaxanthin có trong bơ, có liên quan đến tỷ lệ phát triển tiền sản giật thấp hơn so với những người không ăn chế độ ăn nhiều carotenoids.

Kiwi

Loại trái cây nhỏ này có nhiều vitamin C, sắt và chất xơ. Nghiên cứu cho thấy rằng việc kết hợp kiwi thường xuyên trong chế độ ăn uống của mẹ bầu làm giảm huyết áp tổng thể, điều chỉnh các triệu chứng tăng huyết áp.

Chất xơ có trong kiwi điều chỉnh gây viêm bằng cách giảm một loại protein gây viêm quan trọng điều chỉnh sự giải phóng các cytokine gây viêm khác nhau.

Ngoài ra, vitamin C có trong kiwi là chất chống oxy hóa mạnh làm giảm nguy cơ và giảm bớt các triệu chứng tiền sản giật. Điều này rất có thể là do tác dụng kết hợp của vitamin C với các chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và chất xơ khác có trong kiwi.

Dưa hấu

Dưa hấu có tới trên 90% là nước nên cung cấp nước cho mẹ bầu rất nhiều. Đặc biệt, dưa hấu còn chứa nhiều vitamin C, B, A, kali, magie… giúp tim khỏe mạnh. Ăn dưa hấu cũng ít cholesterol, calorie và chất béo...

Chuối

Chuối giàu kali giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa tình trạng phù chân, chuột rút. Chuối còn giàu chất xơ giúp mẹ dễ sinh hơn.

Quả lựu

So với việt quất và trà xanh, quả lựu còn có hàm lượng chất chống oxy hóa hơn hẳn.

Đu đủ chín

Quả đu đủ chín có chứa trên 20 dưỡng chất như: vitamin A, C, canxi, sắt… đu đủ không chứa nhiều tinh bột hay đường giúp mẹ bầu ăn nhiều mà cũng không gây đái tháo đường thai kỳ hay tăng cân nhanh.

4. Thực phẩm nên tránh để phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

Thực phẩm chế biến sẵn và nhiều muối

Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ tiền sản giật, phần lớn là do ảnh hưởng của chúng đối với huyết áp, cholesterol, viêm và đái tháo đường. Chế độ ăn giàu muối, đường và chất béo không lành mạnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ tiền sản giật. Do đó, không nên ăn nhiều phủ tạng động vật như tim, gan, cật, mỡ động vật, bơ hoặc các sản phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, gà rán, giò chả, lạp xưởng, thịt xông khói, mì ăn liền, bánh mì trắng, dưa muối chua, các loại bánh kẹo ngọt, mứt chứa nhiều đường, quả sấy khô…

Tránh đồ uống có cồn và chứa caffein

Đồ uống có cồn và chứa caffein như rượu, bia, nước ngọt có đường, đồ uống có ga... hoạt động như thuốc lợi tiểu dễ gây đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước. Mất nước có thể là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Phụ nữ mang thai nên uống ít nhất tám ly nước mỗi ngày, có bao gồm các loại trái cây bổ sung nước trong bữa ăn nhẹ cũng sẽ hữu ích.

Xem thêm:

7 món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai 7 món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai

SKĐS - Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng thường tăng lên để đảm bảo cho sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của em bé. Ngoài các bữa chính, phụ nữ mang thai cũng nên chuẩn bị các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe trong các bữa ăn nhẹ.




ThS. BS Lê Quang Dương
Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững - VietHealth
Ý kiến của bạn