Các phương pháp hỗ trợ điều trị rối loạn lưỡng cực

21-06-2024 08:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rối loạn lưỡng cực là bệnh rất hay tái phát. Thuốc có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng, nhưng chúng có thể có tác dụng phụ. Do đó bên cạnh thuốc cần phối hợp các liệu pháp khác.

Rối loạn lưỡng cực là một căn bệnh rối loạn tâm thần với nhiều triệu chứng phức tạp. Người mắc bệnh thường sẽ có những thay đổi về trạng thái tâm lý, cảm xúc hành vi. Bệnh tác động tiêu cực lên sức khỏe người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.

Rối loạn lưỡng cực là rối loạn cảm xúc, đặc trưng bằng một giai đoạn rối loạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ phối hợp với các giai đoạn rối loạn trầm cảm trong quá trình phát triển của bệnh. 

Rối loạn lưỡng cực hiện không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng cũng như làm giảm các ảnh hưởng của bệnh về lâu dài. 

Cùng với thuốc, tư vấn, liệu pháp nhận thức hành vi và một loạt các thay đổi lối sống có thể giúp người bị rối loạn lưỡng cực kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

1. Kiểm soát giấc ngủ

Giấc ngủ rất quan trọng đối với những người bị rối loạn lưỡng cực. Rối loạn lưỡng cực có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh. Trong giai đoạn hưng cảm, người bệnh có thể ngủ rất ít, nhưng trong giai đoạn trầm cảm, họ có thể ngủ rất nhiều. 

Ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ tốt là điều cần thiết để kiểm soát tâm trạng người bệnh.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị rối loạn lưỡng cực- Ảnh 1.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với những người bị rối loạn lưỡng cực.

Áp dụng các mẹo sau đây để có được giấc ngủ tốt:

  • Đi ngủ và thức dậy vào những giờ phù hợp sinh lý cơ thể.
  • Đảm bảo nơi ngủ, phòng ngủ được thoải mái nhất có thể.
  • Tránh sử dụng thiết bị như TV, điện thoại, máy vi tính... và các tình huống căng thẳng trước khi đi ngủ.
  • Không ăn một bữa lớn quá gần thời gian đi ngủ.
  • Tránh hoặc hạn chế uống rượu.
  • Những người bị rối loạn lưỡng cực khó ngủ nên trao đổi với bác sĩ của mình để có biện pháp điều trị.

Lời khuyên để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm:

  • Đảm bảo thời gian ăn uống đều đặn, không bỏ bữa, không ăn thêm bữa phụ.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng, cân đối và có nhiều trái cây tươi và rau.
  • Nên lên trước thực đơn cho cả tuần, và tuân thủ kế hoạch đó.
  • Học và thực hành các công thức nấu ăn mới trong thời gian tâm trạng tích cực có thể giúp người bệnh hình thành những thói quen tốt này.

2. Sống lành mạnh, điều độ

  • Những người bị rối loạn lưỡng cực có nguy cơ cao hơn trong lạm dụng chất gây nghiện. Một nghiên cứu cho thấy 56% những người mắc chứng này đã từng bị nghiện rượu hoặc ma túy. Vấn đề này có liên quan tới cơ chế hoạt động của não bộ. Điều này, một mặt khiến người mắc rối loạn lưỡng cực dễ có những hành vi nguy hiểm, chỉ tập trung vào cái nhất thời trong khi bỏ qua những rủi ro dài hạn có thể xảy ra. Mặt khác, nó khuyến khích người bệnh hành động tích cực với năng lượng cao để hướng tới mục tiêu và tham vọng của họ. Biện pháp để tránh những vấn đề này là:
  • Người bệnh cần nhận thức rõ hơn về bất kỳ xu hướng tham gia vào các hành vi mạo hiểm nào - ví dụ, như sử dụng chất gây nghiện.
  • Nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, chuyên gia nếu đã có vấn đề. Bởi bạn bè và những người thân yêu sẽ giúp giám sát bạn để tránh các hành vi nguy hiểm hoặc gây nghiện.
Các phương pháp hỗ trợ điều trị rối loạn lưỡng cực- Ảnh 2.

 3. Quản lý giai đoạn bệnh 

  • Người mắc bệnh và người thân trong gia đình cần được hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết tình trạng hưng cảm hoặc trầm cảm nếu có của bản thân để có hướng điều trị thích hợp, giúp phòng ngừa khởi phát cơn nặng và không làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Người bệnh nhận diện ra các triệu chứng càng sớm thì khả năng phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng càng cao. Những thay đổi dù là nhỏ trong tâm trạng, giấc ngủ, năng lượng, sự hấp dẫn giới tính, khả năng tập trung, động lực, suy nghĩ về cái chết, thậm chí cả những thay đổi trong cách giữ vệ sinh cơ thể hay trang phục cũng có thể là dấu hiệu sớm khởi phát bệnh. Dưới đây là một số cách ứng phó khi điều này xảy ra:
  • Đi khám bác sĩ nếu đây là lần đầu tiên, hoặc nếu người bệnh đã ngừng điều trị hoặc nếu việc điều trị không có kết quả.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị và đảm bảo tất cả các cuộc hẹn tái khám, vì trong các lần tái khám bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
  • Cố gắng duy trì thói quen ngủ đều đặn và tránh căng thẳng không cần thiết.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đầy đủ.
  • Tránh rượu và các chất gây nghiện khác.
  • Có ý thức theo dõi tâm trạng và cảm xúc của bản thân.
  • Hãy cố gắng chia sẻ với bạn bè, người thân những gì đang xảy ra để họ có thể hỗ trợ.

4. Lời khuyên để sống chung với rối loạn lưỡng cực

  • Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh tâm thần mãn tính. Điều đó có nghĩa là các bệnh nhân mắc bệnh sẽ phải sống chung với nó trong suốt phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thể sống một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh.
  • Điều trị đúng cách có thể giúp bệnh nhân kiểm soát những thay đổi trong tâm trạng và đối phó với các triệu chứng của bệnh. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều trị, nên hình thành một nhóm để có thể chăm sóc cũng như động viên tinh thần bệnh nhân những lúc cần thiết. Ngoài bác sĩ chính của bệnh nhân cũng có thể tìm một bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Thông qua liệu pháp trò chuyện, các bác sĩ có thể giúp bệnh nhân đối phó với các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực mà thuốc không thể giúp được.
  • Ngoài ra người bệnh cũng có thể tìm thấy một cộng đồng những người cùng mắc rối loạn lưỡng cực để trao đổi, chia sẻ với nhau về những khó khăn gặp phải và cùng tìm cách giải quyết. Tìm những người khác cũng đang sống chung với chứng rối loạn này có thể sẽ cung cấp cho bạn một nhóm người mà bạn có thể dựa vào và tìm đến để được giúp đỡ.
  • Việc tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân đòi hỏi sự kiên trì. Tương tự như vậy, họ cũng cần phải kiên nhẫn với bản thân khi học cách quản lý chứng rối loạn lưỡng cực và dự đoán những thay đổi trong tâm trạng của mình. Cùng với nhóm chăm sóc của mình, bệnh nhân sẽ tìm cách duy trì một cuộc sống bình thường, hạnh phúc và khỏe mạnh. Mặc dù sống chung với chứng rối loạn lưỡng cực có thể là một thách thức thực sự, nhưng nó có thể giúp duy trì cảm vui vẻ và lạc quan với cuộc sống.
  • Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý liên quan đến tâm thần kinh và là bệnh mạn tính. Hiện nay chưa có thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên bằng cách thay đổi lối sống, kết hợp tìm kiếm những sự trợ giúp từ các bác sĩ, chuyên gia tâm thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể duy trì một cuộc sống lạc quan, vui vẻ. Việc tìm kiếm một cộng đồng những người cùng mắc rối loạn lưỡng cực để cùng nhau chia sẻ, động viên trong cuộc sống cũng là một phương pháp hữu ích để sống chung với bệnh rối loạn lưỡng cực.
  • Người mắc rối loạn lưỡng cực nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc bổ sung hoặc liệu pháp thay thế. Lý do là thuốc hoặc các chất bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc khác và chúng có thể có tác dụng phụ. 
  • Rối loạn lưỡng cực là căn bệnh cần điều trị suốt đời, vì thế ngay cả khi bệnh nhân mắc chứng này cảm thấy tốt hơn cũng không được tự ý bỏ điều trị. Bên cạnh thuốc men, một số điều chỉnh về lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh dễ dàng hơn cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Rối loạn lưỡng cực: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhRối loạn lưỡng cực: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Rối loạn lưỡng cực là một căn bệnh rối loạn tâm thần với nhiều triệu chứng phức tạp. Người mắc bệnh thường sẽ có những thay đổi về trạng thái tâm lý, cảm xúc hành vi. Bệnh tác động tiêu cực lên sức khỏe người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn lưỡng cựcCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn lưỡng cực

SKĐS - Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là hưng phấn - trầm cảm, là một tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra sự thay đổi tâm trạng cực độ bao gồm cảm xúc cao và trầm cảm. Những thay đổi tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng, hoạt động, hành vi và khả năng suy nghĩ.



BS. Nguyễn Văn Mạnh
Phó Giám đốc Bệnh viện Sức khoẻ Tâm thần Hà Tĩnh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn