Lithium - một thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn cảm xúc (rối loạn hưng cảm). Bệnh nhân có tình trạng tâm thần thay đổi bất thường, có thể phấn kích quá mức (hưng cảm) hoặc trầm cảm…
Lithium là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất cho bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, một tình trạng bệnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ tự tử. Chất hóa học này hoạt động như một chất ổn định tâm trạng và làm giảm các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm.
Liều lượng cần thiết rất khác nhau giữa các cá nhân và việc tìm ra liều lượng phù hợp cho từng bệnh nhân là chìa khóa quan trọng để điều trị bệnh vì sử dụng quá nhiều có thể gây độc trong khi quá ít sẽ không hiệu quả.
Để giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ, các bác sĩ lâm sàng có xu hướng bắt đầu điều trị với liều lượng thấp và tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, phương pháp này có thể mất vài tháng trước khi điều trị có hiệu lực.
Nhằm khắc phục điều này, các nhà nghiên cứu từ lâu đã cố gắng tìm ra một mô hình có thể dự đoán phản ứng với liều lượng ở từng bệnh nhân.
Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn cảm xúc
6 yếu tố dự báo xác định liều lượng thuốc
Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu đăng ký từ tổng số 2.357 bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, đây là kích thước mẫu lớn nhất cho loại nghiên cứu này từ trước đến nay. Nghiên cứu bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi từ 17 đến 89, chủ yếu là người gốc Âu.
Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy 6 yếu tố có liên quan đến tốc độ thanh thải thuốc lithium gồm:
- Tuổi;
- Giới tính;
- Chức năng thận (được đo bằng eGFR);
- Nồng độ lithium huyết thanh;
- Thuốc có tác dụng lợi tiểu;
- Các chất nhắm vào hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS).
Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân lớn tuổi, phụ nữ, bệnh nhân suy giảm chức năng thận và những người đang dùng một số loại thuốc, cần liều lượng lithium thấp hơn. Điều đặc biệt là lượng lithium uống vào và nồng độ lithium trong máu dường như không hoàn toàn tương ứng, điều này phần nào đi ngược lại với suy nghĩ hiện tại.
Các chuyên gia đánh giá, mô hình nghiên cứu dựa trên 6 yếu tố dự đoán này tốt hơn so với các mô hình trước đó và có thể được sử dụng để đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.
GS. Martin Schalling, Khoa Y học và Phẫu thuật Phân tử (Viện Karolinska), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: Mô hình nghiên cứu hiện đã có thể được sử dụng để dự đoán một bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực sẽ cần bao nhiêu lithium.
Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra kỹ hơn để xem liệu mô hình này có thể giảm thời gian tìm ra lượng lithium phù hợp cho mỗi bệnh nhân hay không. Nếu kết quả khả quan, họ sẽ phát triển một ứng dụng kỹ thuật số dành cho các bác sĩ thần kinh sử dụng trong tương lai để giúp đánh giá liều lượng lithium phù hợp cho từng bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mũi vaccine COVID-19 thứ 4 tạo ra miễn dịch cao hơn so với mũi thứ 3