Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn lưỡng cực

18-06-2024 13:53 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là hưng phấn - trầm cảm, là một tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra sự thay đổi tâm trạng cực độ bao gồm cảm xúc cao và trầm cảm. Những thay đổi tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng, hoạt động, hành vi và khả năng suy nghĩ.

1. Làm sao chẩn đoán hội chứng rối loạn lưỡng cực?

  • Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực được dựa trên việc xác định các triệu chứng của chứng hưng cảm hay trầm cảm như được mô tả ở trên. Tuy nhiên, đây là bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh tâm lý khác nên người bệnh cần đến những cơ sở y tế có chuyên khoa liên quan đến sức khỏe tâm thần để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
  • Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng bệnh thông qua trò chuyện thăm khám lâm sàng, các bài trắc nghiệm, kết hợp khai thác tiền sử bệnh sử hoặc thông tin từ chính bệnh nhân hoặc người nhà. Ngoài ra, bác sĩ sẽ loại trừ rối loạn do việc sử dụng các chất kích thần kinh như rượu bia ma tuý….

Tiền sử bệnh

Người bệnh được bác sĩ hỏi để kiểm tra xem có sự xuất hiện của các triệu chứng mệt mỏi, cảm giác buồn ngủ hoặc rối loạn vận động hay không. Xác định chính xác triệu chứng của giai đoạn bệnh trầm cảm hay hưng cảm.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn lưỡng cực- Ảnh 1.

Triệu chứng rối loạn hưng cảm ở mỗi giai đoạn là khác nhau.

Khám lâm sàng

  • Đánh giá trạng thái tâm thần: người bệnh trò chuyện với bác sĩ tâm thần về suy nghĩ, cảm xúc và thói quen. Ngoài ra bác sĩ sẽ hỏi người thân trong gia đình và những bạn bè thân thiết với người bệnh về những triệu chứng của người bệnh để bỏ sung thêm thông tin cho việc chẩn đoán.
  • Biểu đồ tâm trạng: Bác sĩ cho bệnh nhân ghi lại tâm trạng mỗi ngày với các tình tiết như tâm trạng, giấc ngủ, phản ứng cảm xúc cơ thể để giúp chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh rối loạn lưỡng cực.

Chẩn đoán đối với trẻ em

Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em là có thể, dù hiếm khi xảy ra. Rối loạn thường được chẩn đoán ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, nhưng rối loạn lưỡng cực có thể xảy ra ở trẻ em ở mọi lứa tuổi. Cũng giống như ở người lớn, rối loạn lưỡng cực ở trẻ em có thể gây ra sự thay đổi tâm trạng từ mức độ tăng động ở trẻ hoặc hưng phấn (hưng cảm) sang trầm cảm ức chế.

2. Rối loạn lưỡng cực có di truyền không?

Theo thống kê, tỷ lệ người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1% dân số toàn thế giới. Bệnh xảy ra ở cả 2 giới và tỷ lệ mắc bệnh không có sự khác biệt giữa 2 giới tính. Đặc biệt, rối loạn lưỡng cực có yếu tố di truyền. Cá nhân có nguy cơ cao mắc rối loạn khi cha/mẹ ruột của họ bị rối loạn lưỡng cực.

3. Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?

  • Người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ có nhiều triệu chứng phức tạp, và việc tâm trạng dao động lên xuống ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc cũng như động lực điều trị của bệnh nhân. Đây là rối loạn khiến tâm lý người bệnh thay đổi, ảnh hưởng đến sức khỏe, các sinh hoạt thường ngày trong đời sống, các mối quan hệ cũng như hiệu suất học tập, công việc.
  • Đối với một số cá nhân có thể xuất hiện kèm theo hoang tưởng, ảo giác, dễ gây nguy hiểm cho cá nhân người bệnh và những người xung quanh, thế nên việc điều trị là cần thiết và cần được hỗ trợ kịp thời theo đúng chuyên khoa.

4. Có thể chữa khỏi chứng rối loạn lưỡng cực không?

  • So với các bệnh lý thực thể, các bệnh lý tâm lý nói chung phức tạp hơn, nhiều căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể giảm nhẹ và kiểm soát sự phát triển. Với chứng rối loạn lưỡng cực cũng vậy, không thể chữa khỏi căn bệnh hoàn toàn, người bệnh sẽ được điều trị để cân bằng cảm xúc, quản lý tâm trạng của bản thân tốt hơn. Khi có các dấu hiệu bệnh nghi ngờ do bệnh rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm chẩn đoán khác để loại bỏ nguyên nhân do bệnh lý khác gây ra. Khi đã xác định mắc bệnh rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định thuốc chứa lithium để giúp cân bằng cảm xúc.
  • Khi bệnh đã thuyên giảm, người bệnh vẫn cần được theo dõi trong thời gian dài để ngăn ngừa tái phát. Trong trường hợp bệnh nặng, có thể người bệnh phải uống lithium suốt đời.
  • Bên cạnh điều trị bằng thuốc, chứng rối loạn lưỡng cực thường được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý với mục tiêu kiểm soát các rối loạn hành vi, suy nghĩ của người bệnh. Để kiểm soát bệnh tốt hơn, người bệnh rối loạn lưỡng cực cần có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý như: ngủ đủ giấc, thể dục thể thao hợp lý, giao tiếp với xung quanh, tránh xa các chất kích thích như cà phê, bia rượu, thuốc lá,...

5. Đông y có chữa được bệnh rối loạn lưỡng cực không?

Cho đến nay chưa có bằng chứng hay nghiên cứu nào cho thấy Đông y có thể chữa được căn bệnh này. 

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn lưỡng cực- Ảnh 3.

Trên thực tế, rối loạn tâm lý lưỡng cực không phải là một rối loạn não hiếm gặp

6. Lời khuyên để sống chung với chứng rối loạn lưỡng cực

  • Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh tâm thần mãn tính. Điều đó có nghĩa là các bệnh nhân mắc bệnh sẽ phải sống chung với nó trong suốt phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thể sống một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh.
  • Điều trị đúng cách có thể giúp bệnh nhân kiểm soát những thay đổi trong tâm trạng và đối phó với các triệu chứng của bệnh. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều trị, nên hình thành một nhóm để có thể chăm sóc cũng như động viên tinh thần bệnh nhân những lúc cần thiết. Ngoài bác sĩ chính của bệnh nhân cũng có thể tìm một bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Thông qua liệu pháp trò chuyện, các bác sĩ có thể giúp bệnh nhân đối phó với các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực mà thuốc không thể giúp được.
  • Ngoài ra người bệnh cũng có thể tìm thấy một cộng đồng những người cùng mắc rối loạn lưỡng cực để trao đổi, chia sẻ với nhau về những khó khăn gặp phải và cùng tìm các giải quyết. Tìm những người khác cũng đang sống chung với chứng rối loạn này có thể sẽ cung cấp cho bạn một nhóm người mà bạn có thể dựa vào và tìm đến để được giúp đỡ.
  • Việc tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân đòi hỏi sự kiên trì. Tương tự như vậy, họ cũng cần phải kiên nhẫn với bản thân khi học cách quản lý chứng rối loạn lưỡng cực và dự đoán những thay đổi trong tâm trạng của mình. Cùng với nhóm chăm sóc của mình, bệnh nhân sẽ tìm cách duy trì một cuộc sống bình thường, hạnh phúc và khỏe mạnh. Mặc dù sống chung với chứng rối loạn lưỡng cực có thể là một thách thức thực sự, nhưng nó có thể giúp duy trì cảm vui vẻ và lạc quan với cuộc sống.
  • Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý liên quan đến tâm thần kinh và là bệnh mạn tính. Hiện nay chưa có thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên bằng cách thay đổi lối sống, kết hợp tìm kiếm những sự trợ giúp từ các bác sĩ, chuyên gia tâm thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể duy trì một cuộc sống lạc quan, vui vẻ. Việc tìm kiếm một cộng đồng những người cùng mắc rối loạn lưỡng cực để cùng nhau chia sẻ, động viên trong cuộc sống cũng là một phương pháp hữu ích để sống chung với bệnh rối loạn lưỡng cực.

7. Chi phí khám và điều trị rối loạn lưỡng cực

Hiện nay, mức chi phí khám rối loạn lưỡng cực phụ thuộc vào chuyên môn của chuyên gia, thời gian và hình thức tư vấn mà khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, chi phí cho lộ trình điều trị còn tùy vào bệnh lý, mức độ nghiêm trọng, kế hoạch điều trị mà chuyên gia tư vấn cho khách hàng. Thông thường chi phí khám rối loạn lưỡng cực tại các bệnh viện phụ thuộc vào mức độ bảo hiểm được hưởng.

Điều trị rối loạn lưỡng cực tùy vào mức độ bảo hiểm được hưởng. Nếu những người không có chế độ bảo hiểm điều trị nội trú tại bệnh viện trung bình chi phí mỗi ngày 200.000 - 250.000 đồng. Mỗi đợt điều trị khoảng 15-20 ngày.

Bạn có thể đến các bệnh viện khoa tâm thần kinh để khám và được hướng dẫn theo dõi điều trị. 

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn lưỡng cực- Ảnh 4.

Bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.


Rối loạn lưỡng cực: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhRối loạn lưỡng cực: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Rối loạn lưỡng cực là một căn bệnh rối loạn tâm thần với nhiều triệu chứng phức tạp. Người mắc bệnh thường sẽ có những thay đổi về trạng thái tâm lý, cảm xúc hành vi. Bệnh tác động tiêu cực lên sức khỏe người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.


BS. Nguyễn Văn Mạnh
Phó Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Hà Tĩnh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn