Bệnh Alzheimer gây ra sự suy giảm dần dần về trí nhớ, tư duy và các chức năng nhận thức khác. Bệnh cũng có thể gây ra những thay đổi về tâm trạng và hành vi.
Những người mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer ngày càng không thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hàng ngày. Trong giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để được chăm sóc.
1. Thuốc trị bệnh Alzheimer
Trong số các loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị bệnh Alzheimer, ba loại thuốc, aducanumab (aduhelm), lecanemab (leqembi) và donanemab (kisunla), là những thuốc điều chỉnh bệnh. Chúng loại bỏ beta-amyloid (một loại protein gây ra một số tổn thương cuối cùng dẫn đến bệnh Alzheimer) khỏi não.
Thuốc aducanumab: Đây là loại thuốc điều trị bệnh đầu tiên được chấp thuận để điều trị suy giảm nhận thức nhẹ hoặc chứng mất trí nhớ Alzheimer nhẹ vào năm 2021. Thuốc được chứng minh là có thể loại bỏ các mảng bám beta-amyloid khỏi não. Tuy nhiên, thuốc không cải thiện chức năng nhận thức và nhiều người dùng thuốc đã gặp phải tác dụng phụ như phù não hoặc chảy máu.
Lecanemab là thuốc đã được FDA chấp nhận dùng để điều trị suy giảm nhận thức nhẹ do bệnh Alzheimer. Lecanemab cũng làm giảm beta-amyloid trong não giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở những người dùng thuốc.
Tuy nhiên, chỉ những người có bằng chứng tích tụ beta-amyloid trong não mới đủ điều kiện sử dụng lecanemab.
Một số tác dụng phụ của lecanemab bao gồm: Sưng não và chảy máu. Do đó, cần chụp MRI định kỳ trong quá trình điều trị để theo dõi tác dụng phụ này.
Donanemab có thể giúp làm chậm tình trạng suy giảm nhận thức ở những người mắc bệnh Alzheimer có triệu chứng giai đoạn đầu.
Giống như lecanemab, donanemab có khả năng gây ra các bất thường về hình ảnh liên quan đến amyloid (ARIA), bao gồm phù não tạm thời hoặc các đốm chảy máu nhỏ trong hoặc trên não.
2. Thuốc cải thiện nhận thức
Một số thuốc khác nhắm vào các triệu chứng suy giảm chức năng, hỗ trợ tư duy, trí nhớ. Tuy nhiên, chúng không làm chậm bệnh hoặc điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh.
Đây là 5 loại thuốc được FDA chấp thuận để điều trị các triệu chứng nhận thức của bệnh Alzheimer: Donepezil, galantamine, rivastigmine, memantine (namenda), donepezil và memantine (namzaric)
- Donepezil, galantamine, rivastigmine thuộc nhóm thuốc ức chế cholinesterase và được kê đơn để điều trị chứng mất trí nhớ Alzheimer ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Thuốc ức chế cholinesterase có tác dụng cải thiện các triệu chứng nhận thức bằng cách ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh trong não rất quan trọng đối với trí nhớ và tư duy. Tuy nhiên, vì não sản xuất ít acetylcholine hơn khi bệnh tiến triển nên thuốc có thể kém hiệu quả hơn theo thời gian.
Các thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, chán ăn, sụt cân và tiêu chảy.
- Memantine thường được dùng cho bệnh Alzheimer nặng. Đây là thuốc đối kháng N-methyl D-aspartate (NMDA) có tác dụng điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh glutamate, rất quan trọng cho việc học và trí nhớ.
Tác dụng phụ của memantine bao gồm nhức đầu, táo bón, tiêu chảy, lú lẫn và chóng mặt.
- Thuốc kết hợp memantine và donepezil (chất ức chế cholinesterase) được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer từ trung bình đến nặng.
3. Thuốc cải thiện hành vi
Nhiều loại thuốc khác có thể cải thiện các triệu chứng về hành vi của chứng mất trí nhớ Alzheimer, như trầm cảm và kích thích, mang lại sự thoải mái cho cả bệnh nhân và người chăm sóc.
Có thể dùng một số loại thuốc: Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc chống loạn thần, thuốc chống lo âu và thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
- Kích động là triệu chứng phổ biến của bệnh Alzheimer, gây đau khổ cho cả người chăm sóc và người bệnh. Người bệnh có thể thay đổi tâm trạng: Lo lắng, bồn chồn, buồn bã, nói nhiều hoặc dễ nổi nóng.
Năm 2023, FDA đã phê duyệt thuốc chống loạn thần brexpiprazole (rexulti) để điều trị chứng kích động ở bệnh Alzheimer, mặc dù thuốc này làm tăng nguy cơ tử vong sớm ở người cao tuổi mắc chứng mất trí.
- Mất ngủ cũng là vấn đề đối với một số người mắc bệnh Alzheimer và một loại thuốc, suvorexant (belsomra), được chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ ở bệnh nhân Alzheimer. Các tác dụng phụ tiềm ẩn của suvorexant bao gồm buồn ngủ vào ngày hôm sau và suy giảm khả năng lái xe.
Lưu ý: Có thể sử dụng các loại thuốc để điều chỉnh các vấn đề về hành vi ở bệnh nhân Alzheimer, nhưng do có khả năng gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nên cần hết sức thận trọng khi sử dụng.
- Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không được phê duyệt cụ thể cho bệnh Alzheimer. Thuốc có thể gây lú lẫn và dẫn đến té ngã.
- Thuốc chống loạn thần như risperidone (risperdal) có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở một số người lớn tuổi mắc chứng mất trí, do đó, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc này như một biện pháp cuối cùng để làm giảm các chứng ảo giác, hoang tưởng, kích động và hung hăng nghiêm trọng.
- Benzodiazepin (diazepam) cũng nên tránh dùng ở những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Thuốc làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi, cũng như nguy cơ phụ thuộc vào thuốc.
Để dùng thuốc an toàn, người bệnh cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Cần tái khám đúng định kỳ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần lưu ý gì?