Hà Nội

Bài tập tốt cho người mắc bệnh Alzheimer

03-05-2024 10:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hiện tại điều trị Alzheimer tập trung giúp người bệnh duy trì chức năng tâm thần, quản lý các triệu chứng hành vi… Trong đó việc hướng dẫn người bệnh thực hiện bài tập vận động giúp cải thiện triệu chứng và trì hoãn bệnh phát triển.

1. Vai trò của tập luyện, xoa bóp với người bệnh Alzheimer

Tập luyện và xoa bóp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh Alzheimer.

Dưới đây là những lợi ích cụ thể:

- Vai trò của tập luyện

Cải thiện chức năng nhận thức: Các hoạt động thể chất kích thích lưu thông máu lên não, giúp tăng cường cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho các tế bào não, từ đó cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và tư duy.

Giảm các triệu chứng hành vi: Tập luyện giúp cải thiện cảm xúc, giảm lo âu, bồn chồn và khó ngủ, những triệu chứng hành vi thường gặp ở bệnh nhân Alzheimer.

Tăng cường sức khỏe thể chất: Tập luyện giúp duy trì sức khỏe cơ bắp, xương khớp và hệ tim mạch, giảm nguy cơ té ngã và các vấn đề sức khỏe khác.

Nâng cao chất lượng cuộc sống: Tập luyện giúp người bệnh Alzheimer cảm thấy năng động, tự tin và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Vai trò của xoa bóp

Giảm căng thẳng và lo âu: Xoa bóp giúp thư giãn cơ bắp, giải phóng endorphin, từ đó giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện tâm trạng.

Cải thiện lưu thông tuần hoàn: Xoa bóp giúp tăng cường lưu thông máu đến các cơ và mô, từ đó cung cấp oxy và chất dinh dưỡng tốt hơn, hỗ trợ quá trình phục hồi.

Giảm co cứng cơ bắp: Xoa bóp giúp thư giãn các cơ bị co cứng, cải thiện khả năng vận động.

2. Những bài tập, động tác massage, xoa bóp tốt cho người bệnh

- Bài tập Thở 4 thời có kê mông và giơ chân

Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.

Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng 3 - 6 giây (Hít ngực bụng nở).

Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 (hoặc 6) cái, rồi hạ chân 3 -6 giây (Giữ hơi hít thêm).

Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc -6 giây (Thở không kềm thúc)

Thời 4: Thư giãn chân tay mềm giãn -6 giây (nghỉ nặng ấm thân) chuẩn bị trở lại thời một, hít vào.

Mỗi lần tập mười hơi thở. Một ngày tập một đến hai lần.

- Bài tập thư giãn

Tư thế: Nằm che mắt, nơi yên tĩnh

Bước 1: Ức chế ngũ quan

Bước 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Toàn thân nặng xuống ấm lên.

Bước 3: Theo dõi hơi thở 10 lần, thở thật êm, nhẹ, đều, nông.

thư giãn

Thư giãn giúp giảm lo âu cho người bệnh Alzheimer.

- Động tác ngồi hoa sen

Tư thế: Xếp bằng kép hai bàn chân bắt chéo, lòng bàn chân ngửa lên trên. Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn).

- Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời giao động qua thân lại 2-6 lần, thở ra triệt để và quay mặt nhìn ra phía sau bên trái, rồi đổi bên; làm từ 2-4 lần.

- Động tác xoa ngũ quan

Tư thế: Ngồi hoa sen

+ Xoa đầu mặt: Hai tay để dưới cằm, đầu ngước lên, xoa từ dưới cằm lên đỉnh đầu, đầu cúi xuống, tay từ đỉnh đầu xoa xuống ót, ra trước cổ, trở về tư thế ban đầu, tiếp tục làm 10- 20 lần. Thở tự nhiên.

+ Xoa hai loa tai: Để hai bàn tay áp vào hai loa tai, xoa lên xoa xuống, khi bàn tay qua tai xuống má thì kéo hai vành tai cúp lại; xoa từ 10-20 lần cho ấm cả loa tai - thở tự nhiên.

+ Áp tai vào màng nhĩ: Hai tay áp vào hai loa tai. Ấn mạnh lòng bàn tay vào lỗ tai để tăng áp suất trong lỗ tai, có thể phát ra tiếng kêu "chít chít", làm rung màng nhĩ, rồi buông hai tay cùng lúc cho màng nhĩ về chỗ cũ, làm từ 10-20 lần.

áp tai vào màng nhĩ

Áp tai vào màng nhĩ.

+ Đánh trống trời: Hai lòng bàn tay áp vào hai lỗ tai cho kín, các ngón tay để lên xương chẩm; lấy ngón tay trỏ để lên ngón tay giữa, rồi dùng sức bật xuống cho ngón tay trỏ đánh mạnh vào xương chẩm. Như "đánh trống trời", tiếng vang rất lớn; bật độ 10-20 lần.

+ Xoa xoang và mắt

Xoa xoang: Dùng hai ngón tay trỏ và giữa của hai bàn tay đặt lên phía ngoài lông mày, xoa vòng tròn từ phía ngoài lông mày đi lên trên và vào phía trong, vòng xuống dưới mũi, qua gò má rồi đi ra phía ngoài lông mày, xoa 10 -20 lần.

Vuốt nhãn cầu: Nhắm mắt lại và đặt hai ngón tay giữa và trỏ lên 2 con mắt, vuốt từ trong ra ngoài vừa sức chịu đựng của mắt, vuốt từ 10-20 lần.

Bấm huyệt dọc cung lông mày: từ trong ra ngoài, 3-5 lần.

+ Xoa mũi

  • Dùng hai ngón trỏ và giữa xoa thân mũi từ dưới lên và từ trên xuống. Đồng thời thở ra vô cho mạnh, 5-10 lần.
  • Để ngón tay trỏ ấn vào chỗ giáp giới giữa xương và sụn ở thân mũi, day 10 lần.
  • Day huyệt nghinh hương 10 lần.
  • Dùng ngón tay trỏ bên này xoa chân cánh mũi bên kia 10 lần. (dùng chiều dài ngón trỏ).
  • Bẻ rồi vuốt đầu mũi qua lại 5-10 lần.
xoa mũi

Xoa mũi giúp tăng cường lưu thông máu vùng mặt cho người bệnh Alzheimer.

+ Xoa miệng: Dùng bàn tay phải xoa miệng và má bên trái, từ miệng đến tai, rồi cúp tai xoa từ tai đến miệng; chú ý gương mặt phải tươi lên, tránh căng thẳng cau có. Làm từ năm đến mười lần.

+ Xoa cổ: Ngửa cổ mặt nhìn lên trên, một bàn tay xòe ra, ngón cái một bên, 4 ngón kia một bên; Dùng hai bàn tay luân phiên xoa từ dưới cằm đến trên xương ức 10-20 lần; Day ấn huyệt Thiên đột 10-20 lần.

+ Đảo mắt đảo lưỡi: Đảo mắt và lưỡi theo vòng tròn cùng chiều nhau, từ 5-10 lần, rồi đảo ngược lại. Đồng thời dao động thân qua lại 5-10 lần.

+ Súc miệng, đảo mắt, đánh răng: Lấy một ngụm hơi vào miệng, làm cho má bên trái phình lên, cắn chặt răng lại, đảo mắt cùng bên sau đó chuyển sang má bên phải, cũng cắn mạnh răng vào nhau. Đảo từ 10-20 lần.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Thời gian tập luyện: Đối với người trưởng thành từ 18 – 64 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên tập tối thiểu 30 phút tập luyện cường độ trung bình hoặc 15 phút cường độ cao mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày/ tuần.

Cần duy trì khung thời gian tập luyện trong ngày để dần dần hình thành thói quen tốt, chọn buổi nào tập luyện là phù hợp với nhu cầu người bệnh, quan trọng là tập đúng, tập đều.

- Lựa chọn bài tập phù hợp: Cần lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng và khả năng của người bệnh. Nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo thời gian.

- Tạo môi trường an toàn: Cần đảm bảo môi trường tập luyện an toàn, tránh xa nơi tập ồn ào và có người hỗ trợ khi cần thiết.

- Trang phục tập luyện: Trang phục cần phù hợp với thời tiết. Khi hoạt động ngoài trời cần giày dép phù hợp, mũ... Nên mạng giày, mặc quần áo vừa người.

- Chống mất nước: Uống đủ nước. Cần đảm bảo nhu cầu nước trong quá trình tập luyện, khi cần nên uống chậm từng ngụm nhỏ.

- Khi nào thì nên tạm dừng tập luyện để bảo vệ sức khỏe người bệnh Alzheimer: Trong những trường hợp sau người bệnh Alzheimer cần dừng tập luyện, nghỉ ngơi và thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh bài tập cho phù hợp như:

+ Mệt mỏi quá mức: Nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi sau khi tập luyện hoặc mệt mỏi kéo dài, đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ cần phải nghỉ ngơi.

+ Khó thở: Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc thở khi tập luyện, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

+ Đau nhức: Nếu người bệnh cảm thấy đau nhức khi tập luyện, đây có thể là dấu hiệu của chấn thương hoặc một vấn đề sức khỏe khác.

+ Mất thăng bằng: Nếu người bệnh thường xuyên bị ngã hoặc mất thăng bằng khi tập luyện, đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ cần phải giảm cường độ hoặc thời gian tập luyện.

- Để tập luyện không gây hại sức khỏe cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Mức độ nghiêm trọng của bệnh: Ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh Alzheimer vẫn có thể tham gia các hoạt động thể chất với cường độ vừa phải. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp khó khăn hơn trong việc tập luyện và có thể cần phải giảm dần cường độ hoặc thời gian tập luyện.

+ Sức khỏe thể chất: Người bệnh Alzheimer có thể có các vấn đề sức khỏe khác khiến họ không thể tập luyện an toàn. Ví dụ, người bệnh có thể bị loãng xương, các vấn đề về hô hấp. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ cần đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh và đưa ra khuyến cáo phù hợp.

+ Khả năng nhận thức: Khi bệnh Alzheimer tiến triển, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tuân theo hướng dẫn và ghi nhớ các bài tập. Điều này có thể khiến việc tập luyện trở nên nguy hiểm hoặc không hiệu quả.

+ Nguyện vọng của người bệnh: Điều quan trọng là phải tôn trọng nguyện vọng của người bệnh Alzheimer. Nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi hoặc không muốn tập luyện, không nên ép buộc.

Tập luyện và xoa bóp là những phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả cho người bệnh Alzheimer. Việc kết hợp tập luyện và xoa bóp hợp lý sẽ giúp cải thiện chức năng nhận thức, giảm các triệu chứng hành vi, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp người bệnh Alzheimer cảm thấy hạnh phúc hơn.

Mời bạn xem tiếp video:

Có thể cải thiện triệu chứng của Alzheimer bằng thuốc tăng động không? | SKĐS


ThS BS. Nguyễn Thị Anh Đào
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn