Củ gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Roscoe, được sử dụng rộng rãi làm gia vị và dùng trong y học dân gian. Hợp chất hoạt tính sinh học chính gừng là gingerol, chịu trách nhiệm về nhiều đặc tính chữa bệnh của loại thảo mộc này.
Ngoài hương vị tuyệt vời, dùng gừng còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe mà bạn có thể tận hưởng dưới nhiều hình thức.
1. Một số lợi ích của củ gừng
- Gừng giúp giảm viêm
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng, nhưng viêm mạn tính có thể dẫn đến nhiều bệnh khác nhau. Gừng có đặc tính chống viêm mạnh, giúp giảm bớt các triệu chứng liên quan đến các tình trạng như viêm khớp và viêm xương khớp.
Gừng giúp giảm viêm khớp.
- Gừng giúp giảm buồn nôn
Trong nhiều thế kỷ, gừng đã được sử dụng như một phương thuốc chữa buồn nôn và say tàu xe. Theo các chuyên gia y tế ở John Hopkins Medicine, dùng gừng rất hiệu quả trong việc giảm bớt cơn buồn nôn sau điều trị ở bệnh nhân ung thư, mà thường không có tác dụng phụ như các loại thuốc chống buồn nôn thông thường.
Gừng giúp giảm buồn nôn.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên tạp chí Nutrients cho thấy rằng, việc bổ sung gừng có thể làm giảm tỷ lệ nôn mửa cấp tính do hóa trị liệu và giảm thiểu sự khó chịu ở người bệnh.
- Gừng giúp giảm cân: Bạn đang đấu tranh để giảm số kg thừa, gừng có thể là thành phần mà bạn đang tìm kiếm. Nghiên cứu được công bố trên Taylor và Francis Online chỉ ra rằng việc bổ sung gừng có thể giúp giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, tỷ lệ eo-hông... ở những người thừa cân hoặc béo phì.
Gừng giúp giảm cân.
- Gừng giúp hạ đường huyết
Trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường type 2, gừng nổi lên như một đồng minh tốt. Các nghiên cứu từ Tạp chí Nghiên cứu Dược phẩm Iran đã chỉ ra rằng, tiêu thụ bột gừng hàng ngày có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói và HbA1c (xét nghiệm máu dùng để kiểm tra ước lượng glucose trong máu trong 3 tháng qua, là dấu hiệu để kiểm tra xác định bệnh tiểu đường hoặc kiểm tra xem bệnh tiểu đường có được kiểm soát tốt hay không).
Gừng giúp hạ đường huyết.
- Gừng giúp giảm đầy hơi
Ăn gừng có thể làm giảm quá trình lên men, táo bón và các nguyên nhân khác gây đầy hơi và chướng bụng.
2. Cách sử dụng gừng
Các chuyên gia khuyến nghị những ai muốn tận hưởng những lợi ích sức khỏe của gừng nên thưởng thức gừng trong thực phẩm và đồ uống thay vì uống các thực phẩm bổ sung gừng (có thể chứa các thành phần khác không được chú ý).
Ngoài trà gừng, rất nhiều công thức nấu ăn ngon bao gồm gừng ở dạng củ gừng tươi xay hoặc băm nhỏ, bột gừng hoặc bột gừng khô.
Gừng có thể cân bằng vị ngọt của trái cây và tạo nên hương vị tuyệt vời khi dùng với các món mặn như đậu lăng.
Gừng ngâm (những lát mỏng thường được dùng kèm với sushi) cũng là một lựa chọn khác. Loại gia vị ngọt - cay cay cung cấp các thành phần lành mạnh của gừng cùng với lợi ích sinh học của dưa chua. So với các món ngâm khác, gừng ngâm không có nhiều natri.
3. Tác dụng phụ của gừng
Nghiên cứu cho thấy gừng an toàn cho hầu hết mọi người khi ăn với lượng bình thường - chẳng hạn như gừng trong thực phẩm và công thức nấu ăn. Tuy nhiên, có một vài mối lo ngại như:
- Liều cao hơn, chẳng hạn như liều bổ sung (thực phẩm bổ sung), có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Những người đang điều trị bằng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu như warfarin, aspirin và các loại khác) có thể cần thận trọng.
- Những người mắc bệnh đái tháo đường đang dùng thuốc có thể thưởng thức lượng gừng bình thường trong thực phẩm, nhưng nên tránh bổ sung gừng liều lượng lớn.