1. Nguyên nhân gây nên táo bón
Thức ăn, nước uống vào đường tiêu hóa, sau khi được hấp thu tại ruột non, sẽ dồn tụ tại đại tràng. Ở đây một số chất dinh dưỡng còn lại và nước sẽ được đại tràng hấp thu tiếp, còn chất cặn bã tạo thành phân thải ra ngoài. Khi thời gian lưu đọng trong đại tràng kéo dài sẽ làm cho nước được hấp thu nhiều hơn bình thường, chất thải dần vón cục lại tạo nên tình trạng táo bón, phân khô cứng khó đi.
Theo y học cổ truyền, bệnh táo bón mạn tính có thể do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý, tinh thần không thoải mái dẫn đến khí uất, nhiệt thịnh, tổn thương tân dịch gây nên táo kết đại tràng. Bệnh lâu dần có thể làm tổn thương khí huyết gây khí hư, huyết hư.
Khoai lang nhuận tràng, trị táo bón
Bệnh táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng với người cao tuổi, bệnh thường mang tính chất kéo dài mạn tính, do người cao tuổi hạn chế vận động, nhu động của đại tràng giảm, chế độ ăn ít chất xơ, uống ít nước, thói quen nhịn đại tiện, do rối loạn cơ năng đại tràng...
Táo bón kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng như trĩ nội, trĩ ngoại, viêm đại tràng, ung thư đại tràng... Những người cao huyết áp bị táo bón khi đi đại tiện phải rặn nhiều cũng có thể gây tăng huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm.
2. Món ăn bài thuốc điều trị táo bón mạn tính
Bài 1: Củ khoai lang đem rửa sạch, luộc chín, ăn củ và uống cả nước luộc khoai; hoặc dùng lá khoai lang luộc hoặc xào chín, ăn với cơm hàng ngày.
Bài 2: Củ khoai tây rửa sạch, thái nhỏ, thêm chút nước đã đun sôi vào giã nát, vắt lấy nước cốt, sau đó thêm mật ong vào trộn đều (lượng mật ong bằng lượng nước khoai tây); mỗi ngày uống 2 lần (buổi sáng và buổi tối lúc đói bụng).
Bài 3: Hàng ngày trước bữa cơm ăn 1-2 quả chuối tiêu; hoặc dùng 500g chuối tiêu, bóc vỏ, thêm đường vào nấu thành chè, ăn ngày 1-2 lần.
Hạt cau khô chữa táo bón
Bài 4: Vừng đen 60g, hoàng kỳ 20g, mật ong lượng vừa đủ. Vừng đen giã nhuyễn thành hồ nhão, nhào với mật ong. Hoàng kỳ sắc đặc, bỏ bã lấy nước trộn với hỗn hợp trên, chia uống trong ngày.
Bài 5: Hạt cau15g (khô), gạo tẻ 60g. Đem hạt cau sắc đặc lấy nước, dùng nước đó cùng gạo tẻ nấu cháo. Ăn khi bụng đói, ngày 1-2 lần.
3. Phòng bệnh táo bón như thế nào?
- Người bệnh cần có một chế độ ăn uống điều độ, tạo cho mình thói quen đại tiện vào một giờ thích hợp trong ngày.
- Nên có chế độ ăn uống hợp lý, uống nước đều đặn và đầy đủ vào buổi sáng. Mỗi ngày cần khoảng từ 1,5 đến 2 lít nước bao gồm cả nước có trong thức ăn, canh, rau, quả.
- Ăn nhiều rau cũng là một hình thức cung cấp một lượng nước đáng kể, chất xơ để hạn chế táo bón…
- Tích cực vận động, thường xuyên tập luyện một môn thể thao, tập các bài xoa bóp bụng để tăng nhu động đại tràng.
- Tự tạo cho mình một cuộc sống tinh thần thoải mái, tránh những căng thẳng, uất ức không đáng có.
Mời bạn xem thêm video:
Nghỉ hè: Trẻ ăn gì đảm bảo sức khỏe và phòng bệnh mùa hè | SKĐS