1. Vitamin A tốt cho thị lực
Vitamin A có tác dụng tăng cường miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, tham gia vào chức năng phát triển và biệt hóa tế bào. Đặc biệt vitamin A có vai trò rất quan trọng tham gia vào chức năng thị giác. Theo đó sắc tố võng mạc rhodopsin được tạo nên từ hợp chất protein, carotenoid (dẫn chất của vitamin A), cho phép nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến tình trạng xerophthalmia - một bệnh về mắt tiến triển bắt đầu bằng chứng quáng gà do khô mắt. Từ đó dẫn đến khô kết mạc, loét giác mạc - một trong những nguyên nhân có thể gây mù lòa.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu vitamin A có thể làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng (AMD). Chính vì thế khi cơ thể có đầy đủ vitamin A giúp mắt sáng khỏe mỗi ngày.
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin A cho trẻ lớn, người trưởng thành là qua đường thực phẩm. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A như gan, trứng, sữa, dầu cá, đu đủ, xoài chín, gấc, cà rốt, khoai lang, các loại rau xanh đậm màu… cho học sinh là cách tốt nhất.
Ngoài ra trong khẩu phần ăn cũng cần cân đối các chất khác, đặc biệt là đủ chất đạm, dầu mỡ để giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.
Lưu ý: Thừa vitamin A cũng gây hại, nên không thể sử dụng tùy tiện, đặc biệt là bổ sung dưới dạng thuốc.
2. Vitamin E giúp bảo vệ mắt
Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào mắt, tránh tổn thương bởi các gốc tự do. Do võng mạc tập trung rất nhiều các acid béo, nên vitamin E rất cần thiết cho sức khỏe mắt. Một số nghiên cứu còn cho thấy chế độ ăn giàu vitamin E, giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể do tuổi tác. Thiếu hụt vitamin E có thể dẫn đến thoái hóa mạc và suy giảm thị lực.
Nhu cầu vitamin E tùy thuộc độ tuổi của trẻ:
- Từ 1-3 tuổi: 6mg/ngày
- Từ 4-8 tuổi: 7mg/ngày
- Từ 9-13 tuổi: 11mg/ngày
- Trẻ gái từ 14 tuổi trở lên: 15 mg/ngày
- Trẻ trai từ 14 tuổi trở lên: 15mg/ngày
Hàm lượng trên là mức bổ sung cao nhất an toàn, phụ huynh không nên tự ý tăng liều. Trường hợp liều cao hơn là do bác sĩ chỉ định khi đã đánh giá có sự thiếu hụt vitamin E.
Vitamin E có nhiều trong thức ăn hằng ngày. Vì vậy cách tốt nhất để bổ sung vitamin E là qua đường thực phẩm. Các thức ăn giàu vitamin E bao gồm các loại hạt, cá hồi, bơ, rau xanh, dầu thực vật…
3. Vitamin C bảo vệ mắt chống lại gốc tự do
Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa mạnh có thể bảo vệ đôi mắt chống lại các gốc tự do gây hại, có lợi cho những người bị thoái hóa điểm vàng.
Ngoài ra, vitamin C còn đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất pro-collagen - tiền chất của cơ thể để tạo ra collagen. Khi tình trạng collagen bị thiếu hụt nhiều đi sẽ khiến cho giác mạc của mắt hoạt động kém hơn, thủy tinh thể cũng bị mờ.
Một nghiên cứu cho thấy, khi lượng vitamin C hàng ngày trên 490mg có thể giảm 75% nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể.
Một số thực phẩm giàu vitamin C như cam quýt, ổi, ớt chuông, bông cải xanh và cải xoăn giàu dưỡng chất…
4. Lutein và zeaxanthin
Lutein, zeaxanthin là một phần của họ carotenoid, một nhóm hợp chất có lợi tổng hợp bởi thực vật. Cả hai loại carotenoid là thành phần chính cấu tạo nên điểm vàng của mắt, giúp mắt nhìn rõ được mọi vật.
Khi cung cấp đầy đủ lutein và zeaxanthin, giúp mắt không phải điều tiết nhiều, tránh nhức mỏi mắt, giảm nguy mắc các bệnh về mắt, cải thiện thị lực rõ rệt. Ở môi trường tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, lutein và zeaxanthin có chức năng ngăn chặn sự xâm nhập của ánh sáng xanh có hại cho mắt, gây tổn thương võng mạc
Hai chất này có nhiều nhất ở các loại rau lá xanh đậm và hoa quả màu vàng, đỏ. Trong đó, rau cải xoăn, rau bina và súp lơ chứa nhiều lutein còn cam, ngô, ớt chuông đỏ chứa nhiều zeaxanthin.
5. Acid béo omega-3
Acid béo omega-3 cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, cho sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Acid béo omega-3 cũng có thể có lợi cho những người bị bệnh khô mắt bằng cách giúp họ tiết nhiều nước mắt hơn. Thiếu nước mắt sẽ gây khô, khó chịu, đôi khi nhìn mờ. Chất béo có lợi này có lợi cho các trường hợp cận thị, viễn thị, loạn thị…
Cơ thể không tự tổng hợp được chất này mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. Các thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá béo, hạt lanh, hạt chia, đậu nành, các loại hạt. Dưỡng chất này cũng có thể được tìm thấy trong dầu ô liu…
Nếu bổ sung omega 3 dạng thuốc, thực phẩm chức năng cần lưu ý đúng liều lượng đúng cách. Nên uống sau bữa ăn vào buổi sáng. Vì dầu cá được hấp thụ tốt hơn cùng chất béo, sau 14h giờ sự hấp thụ omega-3 của cơ thể sẽ giảm dần.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhận biết và đề phòng say nắng do nắng nóng kéo dài | SKĐS