1. Vì sao người già hay bị táo bón?
Lão hóa là một quá trình tự nhiên liên quan đến những thay đổi trong các cơ quan, bao gồm cả những cơ quan của đường tiêu hóa.
Táo bón là một vấn đề lâm sàng phổ biến đặc biệt ở người cao tuổi. Điều này là do các yếu tố như mắc nhiều bệnh, dùng nhiều thuốc, suy nhược, mất nước, lười vận động và chế độ ăn uống kém. Việc sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị các vấn đề sức khỏe phổ biến ở người già như đau nhức, viêm khớp, tiểu đường và bệnh tim có thể gây ra táo bón. Người già nên thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết cách quản lý các loại thuốc của mình.
Táo bón không được phát hiện và điều trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng ở người cao tuổi. Táo bón có thể gây ra những thay đổi trong nhu động đường tiêu hóa, ví dụ như chậm làm rỗng dạ dày, dẫn đến các triệu chứng của đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi.
Rặn nhiều lần trong khi đại tiện có thể dẫn đến bệnh trĩ, nứt hậu môn và chảy máu trực tràng. Trong trường hợp táo bón nặng, phân vón cục, nứt hậu môn, phình đại tràng hoặc thủng đại tràng là những biến chứng hiếm gặp nhưng tiềm ẩn.
2. Sử dụng thuốc làm mềm phân trị táo bón
Để điều trị táo bón, đầu tiên người già cần thay đổi chế độ ăn, uống đủ nước, tiêu thụ nhiều chất xơ từ các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu. Ngoài ra, việc tăng cường hoạt động thể chất như đi bộ, tập thể dục và yoga cũng có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón. Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện có thể sử dụng thuốc để điều trị táo bón.
Có nhiều loại thuốc nhuận tràng điều trị táo bón thông qua các cơ chế khác nhau như thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích, thuốc làm mềm phân…
Thuốc làm mềm phân có thể được đề xuất để giúp làm giảm độ cứng của phân và giúp người già dễ dàng đi tiêu hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc làm mềm phân cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, vì người già có thể có nhiều vấn đề sức khỏe khác cần được xem xét. Nếu xuất hiện các triệu chứng khác như đau bụng, nôn hoặc khó thở, cần được đưa đến bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán rõ nguyên nhân của tình trạng táo bón và chỉ định điều trị phù hợp.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc làm mềm phân ở người già
Khi sử dụng thuốc làm mềm phân ở người già, cần lưu ý những điểm sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế và không sử dụng quá liều.
- Sử dụng thuốc làm mềm phân cùng với các biện pháp khác như thay đổi chế độ ăn uống, ăn nhiều rau xanh, tăng cường hoạt động thể chất.
- Theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc làm mềm phân, bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn...
- Thận trọng khi sử dụng thuốc làm mềm phân nếu có các vấn đề sức khỏe khác như suy tim, suy thận hoặc rối loạn thần kinh. Nếu đang sử dụng các loại thuốc khác, cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc làm mềm phân để tránh tác dụng phụ và tương tác thuốc gây bất lợi.
- Người già nên uống đủ nước trong khi sử dụng thuốc làm mềm phân để tránh mất nước và điện giải.
- Không lạm dụng hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài vì có thể khiến ruột trở nên phụ thuộc vào thuốc. Trừ khi được bác sĩ khuyên dùng, không sử dụng thuốc này lâu hơn một tuần.
- Nếu tình trạng táo bón không được cải thiện sau khi sử dụng thuốc làm mềm phân hoặc xuất hiện các triệu chứng khác như đau bụng, nôn, hoặc khó thở, cần được đưa đến bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán rõ nguyên nhân của tình trạng táo bón và chỉ định điều trị phù hợp.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Uốn ván nguy kịch sau vết thương nhỏ ở bàn chân I SKĐS