Hà Nội

Xót xa thai phụ đuối nước tử vong, tay vẫn cầm túi cà chua chưa kịp mang đi bán

01-10-2021 14:29 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Đã nhiều ngày từ khi chị D. Th. H. M. (30 tuổi), ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) bị đuối nước tử vong trên đường đi chợ khi đang mang thai, nhưng đến giờ hai đứa con nhỏ của chị vẫn ngơ ngác hỏi bà: "Bao giờ mẹ đi chợ về?"

Trong căn nhà cấp bốn đã cũ kỹ của chị M, không khi tang thương vẫn bao trùm. Bởi dịch bệnh nên hàng xóm, bạn bè đến thắp nén nhang tiếc thương, gửi lời động viên người thân của thai phụ xấu số rồi sớm ra về, không tụ tập đông người.

Xót xa thai phụ đuối nước tử vong, tay vẫn cầm túi cà chua chưa kịp mang đi bán - Ảnh 1.

Không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ nơi miền quê nghèo sau sự ra đi của người phụ nữ cùng đứa con chưa ra đời.

Hai đứa con của chị M. là cháu Nguyễn Thị Thảo Vy (5 tuổi) và Nguyễn Thanh Hữu (2 tuổi) còn quá nhỏ để nhận ra sự mất mát lớn mà số phận đã mang đến. Thảo Vy vẫn hồn nhiên hỏi bà "khi nào mẹ mới đi chợ về?".

Nhắc đến người con gái xấu số, trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà Nguyễn Thị Yên (60 tuổi, mẹ ruột chị M.) lại chảy dài những dòng lệ. Cố nén nỗi niềm rồi bà chia sẻ với PV câu chuyện cuộc đời của chị M.

Xót xa thai phụ đuối nước tử vong, tay vẫn cầm túi cà chua chưa kịp mang đi bán - Ảnh 2.

Hai đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu được nỗi mất mát mà mình đang mang, Thảo Vy vẫn ngây thơ hỏi bà "khi nào mẹ đi chợ về?".

Sinh ra trong gia đình thuần nông nơi vùng quê nghèo Tây Trạch, lớn lên trong gian khó nên chị M. luôn là người chịu thương, chịu khó. Đến tuổi cập kê, chị kết duyên cùng anh Nguyễn Văn Công (35 tuổi), rồi cả hai cùng dọn về nhà vợ sinh sống và dễ bề chăm sóc cha mẹ già.

Cuộc sống cơ cực nhưng êm đềm trôi qua, hạnh phúc với sự ra đời của cháu Thảo Vy và Thanh Hữu. Hai vợ chồng lại cố gắng hơn để cuộc sống được đủ đầy, con cái và mẹ được chăm sóc tốt. Rồi ngày hay tin trong bụng chị M. lại có thêm một sinh linh bé nhỏ, anh Công lại càng cố gắng làm lụng kiếm tiền nuôi vợ đẻ.

Ở quê làm lụng vất vả nhưng chẳng đủ chi tiêu nên anh Công phải đi vào các tỉnh Tây Nguyên để làm thuê. Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, công việc của anh gần như bị đình trệ nhưng cũng không thể về quê thì ngờ đâu số phận lại cướp đi người vợ cùng đứa con chưa ra đời của anh.

Mẹ chị M. cho biết, vì gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, nên dù bụng bầu đã ở tháng thứ 8, hằng ngày chị M. vẫn phải đi bộ sang xã bên để bán cà chua. Sáng hôm đó (ngày 25/9), chị M. đi chợ sớm hơn ngày thường, với mong muốn bán thêm được một ít hàng. Đến trưa cùng cùng ngày khi không thấy chị M. trở về nhà, liên lạc không được nên người thân tổ chức tìm kiếm và báo cáo chính quyền.

Nắm thông tin chị M. có đi qua ngầm tràn Song Chứa thuộc địa bàn thôn Hòa Đồng, xã Hòa Trạch, nguy cơ cao bị lũ cuốn trôi. Người dân và chính quyền đã nhanh chóng tổ chức tìm kiếm. Sau nỗ lực tìm kiếm, đến 21h cùng ngày, thi thể của chị M. được tìm thấy tại cánh đồng thuộc thôn Hòa Đồng, xã Hòa Trạch. Khi đó tay chị M. vẫn nắm chặt túi cà chua là nguồn thu nhập để chi tiêu của gia đình.

"Cứ nghĩ M. đi bán như mọi ngày, nhưng đến 10h chưa thấy về, gia đình gọi điện thì không liên lạc được. Hoảng quá nên tôi với mấy người mới chạy đi tìm, còn ba của M. thì lên báo xã. Tìm kiếm mãi, đến 9h tối thì tìm thấy thi thể em nó cùng với bao đựng cà chua chưa bán được", bà Yên lại khóc vì xót thương con gái.

Vẫn chưa thể bình tâm được bởi hình ảnh người con gái cứ hiện lên mãi trong đầu bà. Bà Yên lại trách số phận sao nỡ cướp đi người con gái tội nghiệp cùng đứa cháu còn chưa ra đời.

Xót xa thai phụ đuối nước tử vong, tay vẫn cầm túi cà chua chưa kịp mang đi bán - Ảnh 3.

Anh Công (chồng chị M.) không kịp về lo hậu sự cho vợ do dịch bệnh. Mọi việc đều nhờ vào người thân và xóm giềng.

Trước biến cố khi chị M. ra đi mãi mãi, anh Công dường như bất lực khi không thể về kịp lo hậu sự cho vợ bởi dịch bệnh. Mọi việc đành nhờ người thân và xóm giềng. "Mấy ngày nay, con trai tôi như người mất hồn, mỗi cuộc gọi về kéo dài vài chục phút nhưng chả nói năng gì nhiều. Nó thương vợ nhiều lắm nhưng đành bất lực vì đại dịch nên phải đành một mình chịu đựng thôi", bà Trần Thị Hòa (60 tuổi, mẹ anh Công) cho biết.

Bà Hòa buồn tủi cho số phận không may của người con dâu ngoan hiền, chịu khó và đứa cháu nhỏ còn chưa ra đời. Bà cũng lo lắng cho cuộc sống của con trai khi không còn vợ đỡ đần, hai cháu nhỏ không còn mẹ chăm lo. Từ nay, anh Công sẽ phải nỗ lực hơn để vừa làm ba, vừa làm mẹ, để chăm lo cho các con.

Trao đổi cùng PV, ông Dương Thanh Luyện, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch cho biết, gia đình anh Công là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn của xã. “Khi biết chị M. không may đuối nước tử vong khi đang mang thai, trong những ngày qua chính quyền địa phương đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên để gia đình sớm vượt qua nỗi đau. Cũng mong sao, hoàn cảnh của anh Công nhận được sự giúp đỡ để có thể nuôi dạy tốt hai con nhỏ và chăm lo cho ba mẹ già hai bên", ông Luyện cho biết.

Mọi sự giúp đỡ anh Công và 2 cháu - Mã số 697 xin gửi về:

1. Anh Nguyễn Văn Công ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình)

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 697

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 697

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0343245305

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã Số 697

Xót xa mẹ nguy kịch vì bỏng nặng, hai con nhỏ không người chăm sóc phải gửi hàng xómXót xa mẹ nguy kịch vì bỏng nặng, hai con nhỏ không người chăm sóc phải gửi hàng xóm

SKĐS - Bị bỏng nặng, chị Lê Thị Tâm (SN 1986) vẫn đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợ tóc". Mẹ nằm viện, hai con nhỏ ở nhà không người chăm sóc đành phải gửi hàng xóm chăm hộ.

Xem thêm video đang được quan tâm

Tư liệu đặc biệt- Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến.


Hùng Trần
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn