Vitamin E có tác dụng gì?

20-06-2024 13:22 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Vitamin E (Alpha tocopherol) là một vitamin tan trong dầu mỡ, phân bố rộng rãi trong thực phẩm. Nguồn vitamin E giàu nhất là dầu thực vật, đặc biệt là dầu mầm lúa mì, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu hạt bông.

Ngoài ra, vitamin E cũng có ở thịt, sữa, rau xanh... Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản và nấu nướng có thể làm giảm lượng vitamin E trong thức ăn.

Theo Dược thư quốc gia Việt Nam, vitamin E là một thuật ngữ chung để chỉ một số các hợp chất thiên nhiên và tổng hợp. Nhóm chất quan trọng nhất là tocopherol, trong đó alpha tocopherol có hoạt tính mạnh nhất, được phân bố rộng rãi trong tự nhiên và chủ yếu được sử dụng trong điều trị. Các chất khác của nhóm tocopherol gồm beta, gamma và delta tocopherol, nhưng những chất này không dùng trong điều trị.

Vitamin E cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung qua đường uống ở dạng viên nang hoặc dạng giọt.

Quarter of urbanites are vitamin E deficient, α-tocopherol study finds

Vitamin E dùng điều trị và phòng thiếu vitamin E...

Lượng vitamin E được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 15 miligam mỗi ngày. Thiếu vitamin E rất hiếm, chỉ xảy ra ở những người không có khả năng hấp thu vitamin E hoặc mắc một số bệnh di truyền ngăn cản duy trì nồng độ bình thường vitamin E trong máu.

Vitamin E cũng có đặc tính chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là những chất có thể bảo vệ tế bào chống lại tác động của các gốc tự do - các phân tử được tạo ra khi cơ thể phân hủy thức ăn hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá và phóng xạ… Các gốc tự do có thể đóng một vai trò trong bệnh tim, ung thư và các bệnh khác. Nếu bạn dùng vitamin E vì đặc tính chống oxy hóa, hãy nhớ rằng chất bổ sung có thể không mang lại lợi ích tương tự như chất chống oxy hóa tự nhiên trong thực phẩm.

1. Vitamin E chữa bệnh gì?

Vitamin E dùng điều trị và phòng thiếu vitamin E, chủ yếu là do bệnh lý như trẻ em bị xơ nang tuyến tụy hoặc kém hấp thu mỡ do teo đường dẫn mật hoặc thiếu betalipoprotein huyết, trẻ sơ sinh thiếu tháng rất nhẹ cân khi đẻ hoặc do chế độ ăn thiếu vitamin E...

Vitamin E nên dùng qua đường uống. Nếu không uống được, hoặc nghi ngờ hấp thu kém, có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Do tính chất chống oxy hóa của vitamin E, đã có nhiều công trình nghiên cứu dùng vitamin E để làm làm giảm nhẹ chứng mất trí nhớ của bệnh Alzheimer sớm hoặc do lão hoá, bệnh thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi tác, ung thư, xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành, đục thủy tinh thể… nhưng đến nay chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng.

Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy, vitamin E còn có tác dụng ngăn chống tan hồng cầu do các chất oxy hóa và làm tăng đáp ứng miễn dịch ở người cao tuổi khỏe mạnh, làm giảm kết tụ tiểu cầu.

Các nghiên cứu về việc sử dụng vitamin E cho các tình trạng cụ thể cho thấy:

- Bệnh Alzheimer: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin E liều cao có thể trì hoãn sự tiến triển của bệnh Alzheimer ở những người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình.

- Bệnh gan: Vitamin E có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy rằng uống vitamin E cho mục đích này trong hai năm có liên quan đến tình trạng kháng insulin.

- Tiền sản giật: Việc tăng lượng vitamin E hấp thụ chưa được chứng minh là có thể ngăn ngừa tình trạng mang thai ảnh hưởng đến huyết áp.

- Làm đẹp: Vitamin E được mệnh danh là một trong những vitamin giúp trẻ lâu do đặc tính chống oxy hoá

Vitamin E có tác dụng gì?- Ảnh 2.

Nguồn vitamin E giàu nhất là dầu thực vật

2. Một số lưu ý khi dùng vitamin E

- Thận trọng: Theo Dược thư Quốc gia Việt nam, liều cao vitamin E được báo cáo là có khuynh hướng gây chảy máu ở bệnh nhân thiếu hụt vitamin K hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu. Cần thận trọng khi điều trị và lưu ý liều cao vitamin E trên 400 IU/ngày hoặc cao hơn ở những người bị bệnh mạn tính có liên quan đến sự tăng lên của tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

- Tác dụng không mong muốn: Vitamin E thường dung nạp tốt. Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng liều cao, kéo dài, tiêm tĩnh mạch, nhất là khi dùng cho trẻ đẻ non, nhẹ cân lúc mới sinh.

Một số tác dụng phụ thường gặp như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa…

- Tương tác thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến mức vitamin E. Các tương tác có thể xảy ra bao gồm:

+ Vitamin E làm giảm hiệu quả của vitamin K và làm tăng hiệu quả của thuốc chống đông máu. Dùng đồng thời vitamin E và acid acetylsalicylic có nguy cơ gây chảy máu.

+ Vitamin E có thể làm tăng hấp thu, sử dụng và dự trữ vitamin A. Vitamin E bảo vệ vitamin A khỏi bị thoái hóa do oxy hóa làm cho nồng độ vitamin A trong tế bào tăng lên; vitamin E cũng bảo vệ chống lại tác dụng của chứng thừa vitamin A. Tuy nhiên, các tác dụng này còn đang tranh luận.

+ Các chất kiềm hóa và kháng sinh chống khối u: Có lo ngại rằng vitamin E liều cao có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng các loại thuốc hóa trị này.

+ Chất nền Cytochrom P450 3A4 (CYP3A4): Hãy thận trọng khi dùng vitamin E và các loại thuốc khác bị ảnh hưởng bởi các enzyme này, chẳng hạn như omeprazole (prilosec, zegerid).

+ Không dùng vitamin E cho người mẫn cảm với vitamin E hoặc với các thành phần khác của thuốc.

- Sử dụng vitamin E có thể tương tác với nhiều tình trạng sức khỏe: Cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng vitamin E nếu bạn có các tình trạng:

  • Viêm võng mạc sắc tố
  • Rối loạn chảy máu
  • Bệnh đái tháo đường
  • Tiền sử bị đau tim hoặc đột quỵ trước đó
  • Ung thư đầu và cổ
  • Bệnh gan…

Đối với người dự định phẫu thuật, hãy ngừng dùng vitamin E trước hai tuần. Ngoài ra, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng vitamin E nếu bạn sắp hoặc vừa thực hiện thủ thuật thông các động mạch bị tắc và khôi phục lưu lượng máu bình thường đến cơ tim.

Khi dùng với liều lượng thích hợp, việc sử dụng vitamin E qua đường uống thường được coi là an toàn. Tuy nhiên, nếu dùng vitamin E liều cao hơn khuyến cáo có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy…

Mời độc giả xem thêm:

Có nên thường xuyên dùng vitamin E làm đẹp?Có nên thường xuyên dùng vitamin E làm đẹp?

SKĐS - Vitamin E có công dụng dưỡng da nhưng không phải là "thần dược". Nếu lạm dụng để làm đẹp có thể gây ra hiệu ứng ngược.

DS. Nguyễn Thu Giang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn