Việt Nam có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới

02-10-2018 10:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người.

Đây là thông tin được đưa ta trong tọa đàm "Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước" nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10/2018 nhằm kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi ở Việt Nam, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội.

Sự kiện do Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge) tổ chức.

9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. Xu hướng già hóa dân số là tất yếu, chính vì vậy Việt Nam cần có các can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội nhấn mạnh “Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Người cao tuổi cần được đảm bảo cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc, tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi".

Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Ảnh minh hoạ.


Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cũng cho rằng: "Thời kỳ già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, tăng cường sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ."

Trưởng đại diện UNFPA - bà Astrid Bant cho hay: "Vì chúng ta đang hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, nên thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau" có nghĩa là chúng ta cần phải tạo cơ hội cho những đóng góp của người cao tuổi. Chúng ta cần phải cùng nhau thúc đẩy hơn nữa quyền của người cao tuổi và đảm bảo người cao tuổi được tham gia một cách đầy đủ để có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người ở các lứa tuổi khác nhau."

“Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt phân biệt tuổi tác, đặc biệt xóa bỏ suy nghĩ cho rằng người cao tuổi là gánh nặng, thụ động và phụ thuộc, bởi điều đó hoàn toàn trái với những gì chúng ta đang nhìn thấy hàng ngày. Phân biệt tuổi tác chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ cản trở già hóa tích cực, cản trở việc đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững”- Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia tổ chức HelpAge International tại Việt Nam cho biết.

Nhiều ý kiến khẳng định rằng tuổi tác chỉ là những con số mà thôi, người cao tuổi và người trẻ tuổi đều có những giá trị như nhau trong cuộc sống. Bất chấp tuổi tác, phần lớn người cao tuổi vẫn tràn đầy nhiệt huyết, năng động, tích cực và mong muốn vẫn tiếp tục được đóng góp một cách ý nghĩa cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

7 kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn "già hoá dân số"

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã thảo luận về một số bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam bao gồm: - Thích ứng với già hoá dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.

Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm.

 

- Vấn đề người cao tuổi liên quan chặt chẽ tới 15/17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), do đó cần lồng ghép vấn đề này trong các chính sách, chỉ tiêu Phát triển Bền vững ở Việt Nam. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hoá dân số cho giai đoạn 2021-2030.

- Cần tiếp tục thực hiện, đồng thời rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi, như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng Giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số.

- Cần xóa bỏ các rào cản về tuổi tác trong các chính sách, lưu ý tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo người cao tuổi có thể tham gia vào hoạt động kinh tế và xã hội; phát triển dịch vụ cho người cao tuổi tại cộng đồng, các mô hình câu lạc bộ người cao tuổi, đặc biệt câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau theo Quyết định 1533/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; trung tâm chăm sóc ban ngày, ngắn ngày tại cộng đồng.

- Cần tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều người cao tuổi, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ, để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người cao tuổi.

- Cần có các nghiên cứu đánh giá, tăng cường thu thập số liệu, thông tin về người cao tuổi và tác động của già hóa dân số để phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách, chương trình.

- Đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp và tăng cường vai trò của các Bộ, ngành, đoàn thể, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan khác trong bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi.

Cần tiếp tục ủng hộ ban hành Công ước Quốc tế về Quyền của người cao tuổi nhằm có thêm một công cụ pháp lý để bảo vệ quyền của người cao tuổi;


D.Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn