Hà Nội

Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hòa dân số nhanh nhất thế giới

03-07-2018 15:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Báo chí với chính sách dân số và phát triển giai đoạn 2017 - 2030 vừa được Tổng cục Dân số -KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nam mới đây.

Theo đó, phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết. Trong giai đoạn hiện nay, công tác Dân số đã bước sang bước ngoặt mới so với hơn 50 năm trước. Nếu trước đây, công tác Dân số chỉ có mục đích duy nhất là giảm sinh.

Hướng tiếp cận chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, truyền thông cho người dân sinh ít con, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời là thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Và, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tích lớn thực hiện nhiệm vụ duy nhất đó khi đã đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 tuổi sinh 2,1 con) từ năm 2006 và duy trì thành tựu này trong suốt 12 năm qua. Đó là một mục tiêu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn. Trong khi đó, trước đây, có giai đoạn con số này lên tới 6,7 con/phụ nữ.

TS.Lê Cảnh Nhạc Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, Bộ Y tế

“Nhiệm vụ giảm sinh đã hoàn thành, giai đoạn tiếp theo của công tác Dân số phải triển khai đồng loạt các vấn đề khác. Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng cũng đã chỉ ra những vấn đề mới, thách thức mới cần giải quyết, trong đó nêu bật việc chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang Dân số & Phát triển. Ngay cả nội hàm KHHGĐ hiện nay cũng đã sang mục tiêu khác" - TS Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc dẫn chứng về vấn đề quy mô dân số, bức tranh về mức sinh ở các vùng trên cả nước đang không đồng đều. Ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ mức sinh còn cao, trung bình mỗi phụ nữ sinh 2,5 con, thậm chí 3 con. Nhưng có những vùng như ở miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, bình quân mỗi phụ nữ chỉ sinh 1,6 con, thậm chí tại TP Hồ Chí Minh mức sinh bình quân là 1,35 con. Vậy chúng ta phải làm sao để có mức sinh đồng đều toàn quốc? Về cơ cấu dân số có 2 vấn đề nổi lên. Đó là mất cân bằng giới tính khi sinh và tốc độ già hóa dân số nhanh. Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hòa dân số nhanh nhất thế giới. TS Lê Cảnh Nhạc  nói: “Chúng ta chuyển từ dân số đang già sang già chỉ 18 - 20 năm trong khi các nước phát triển lại có hàng trăm năm để chuẩn bị. Trong quản lý làm sao để có những đối sách chăm sóc người cao tuổi? Ứng phó với già hóa dân số ra sao?" –

Bên cạnh đó, vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, xung quanh đồng bằng Sông Hồng. TS Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh, những vấn đề thách thức đã nêu ở trên rất "nóng" và phải nhìn vào tương lai xa mới thấy được vai trò của báo chí vô cùng lớn trong truyền thông vận động xã hội. Công tác Dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của báo chí, không có sự vào cuộc của truyền thông thì sẽ thất bại.

Toàn cảnh Hội thảo Báo chí với công tác Dân số và Phát triển

Tại hội thảo, các đại biểu được truyền đạt nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nội dung truyền thông sẽ tập trung vào các vấn đề: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước. Các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực; kiện toàn tổ chức bộ máy,... Từ đó, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số...


H.Nguyên
Ý kiến của bạn