Hà Nội

Ngày Dân số Thế giới 11/7: “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho sự phát triển”

11-07-2018 15:02 | Thời sự
google news

SKĐS - KHHGĐ là một vấn đề liên quan mật thiết tới thanh niên vì đối tượng này đang bước vào giai đoạn trưởng thành và rất nhiều người trong số đó sẽ kết hôn và sinh con.

Kỷ niệm ngày “Dân số Thế giới” hàng năm nhằm mục đích làm cho mọi người nhận thức đúng tình hình dân số thế giới để có suy nghĩ, hành động đúng, tìm tòi, sáng tạo nhiều phương thức và biện pháp nhằm giảm nhanh tỷ lệ tăng dân số nâng cao chất lượng cuộc sống. Vấn đề dân số thế giới đang là mối quan tâm của mọi người, mọi gia đình, mọi quốc gia và cộng đồng nhân loại.

Vì thế mỗi năm có một chủ đề. Chủ đề ngày Dân số thế giới năm 2018 là Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho sự phát triển” nhằm vận động tuyên truyền cho mọi người dân hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng của việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình  tốt sẽ đem lại sức khoẻ, hạnh phúc để nâng cao vị thế con người và là tiền đề cho sự phát triển vững mạnh của mỗi quốc gia.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh: "Các kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Đầu tư vào các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội và tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.”

Theo đó, KHHGĐ là một vấn đề liên quan mật thiết tới thanh niên vì đối tượng này đang bước vào giai đoạn trưởng thành và rất nhiều người trong số đó sẽ kết hôn và sinh con. Các biện pháp tránh thai hiện đại là phương tiện tốt nhất giúp họ thực hiện quyền được tự đưa ra quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh con mà họ mong muốn.


Các đại biểu dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày "Dân số thế giới"  diễn ra sáng nay 11/7

Cũng tại buổi lễ sáng nay, Ông Bjorn Andersson, Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định:  “Rõ ràng việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện, bao gồm thông tin, tư vấn và cung cấp các phương tiện tránh thai chính là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng mang lại hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Công tác này sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp trong việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người mẹ đồng thời góp phần đảm bảo rằng mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia có thể tự tạo ra những lợi ích tốt nhất cho chính mình”.

Ông Bjorn Andersson cũng cho biết, hiện nay hơn 140 triệu phụ nữ tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), đặc biệt khu vực Nam Á có hơn 70 triệu người vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương hiện vẫn có tới 140 triệu phụ nữ vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ. Ở Việt Nam, trong một vài năm gần đây, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% (năm 1988) lên 67% năm 2016. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc giảm từ 233/100.000 ca sinh sống xuống còn 58/100.000 ca. Tổng tỷ suất sinh giảm hơn một nửa.

Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Thậm chí còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm cả chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng. Chính vì vậy, xóa bỏ những khoảng trống này để có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa.

Nhân ngày Dân số thế giới (11/7), lãnh đạo Bộ Y tế đã tái khẳng định sự cam kết và tiếp tục hỗ trợ để đạt được tiếp cận phổ cập các dịch vụ KHHGĐ nhằm bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ. Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% vào năm 1988 lên 67% vào năm 2016. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tổng tỷ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2.09 vào năm 2016. Những thành tựu đó không chỉ giúp cho người dân được hưởng lợi từ KHHGĐ mà còn có sự góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

H.Nguyên
Ý kiến của bạn