Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam ngày một tăng nhanh
Ông Nguyễn Văn Tân- Nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2011 khi người cao tuổi (từ 60 trở lên) chiếm 10% tổng số dân. Kể từ đó đến nay, tốc độ già hóa dân số ngày một tăng nhanh. Theo dự báo, đến năm 2038, tỷ lệ người già ở nước ta sẽ tăng lên 20%, gấp đôi năm 2011, đưa nước ta thành nước có dân số già.
Trong khi đó, để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi như của Việt Nam, các nước trên thế giới phải trải qua một quá trình nhiều năm liền. Ở Mỹ là 69 năm, còn ở Australia 73 năm, Thụy Ðiển là 85 năm và Pháp là 115 năm... Ðiều này cho thấy, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển. Cũng vì thế, chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già.
Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam ngày một tăng nhanh
Theo các chuyên gia, tuổi thọ tăng kéo theo gánh nặng bệnh tật. Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương chỉ ra rằng, một người cao tuổi trung bình mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ…, cần nhiều thời gian, kinh phí điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời.
GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, trở ngại lớn đối với công tác chăm sóc người cao tuổi là hệ thống cơ sở y tế chuyên ngành lão khoa thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, hầu hết địa phương đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành lão khoa. Kết quả khảo sát thực trạng nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội (giai đoạn 2016-2017) cho thấy, cả thành phố hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội.
Sẽ có bệnh viện Lão khoa và các Khoa Lão trong bệnh viện của Hà Nội?
Vậy làm thế nào để Hà Nội có thể thích ứng với già hóa dân số, nhất là để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng cao như hiện nay? Về vấn đề này, ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, đúng là hiện nay, dân số của Hà Nội đông thứ hai cả nước, địa bàn nông thôn lại rộng lớn, giáp ranh rất nhiều tỉnh, thành phố lân cận nên một số chương trình, đề án, nhất là chương trình nâng cao chất lượng dân số gặp không ít khó khăn.
Để thích ứng với già hóa dân số, thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong thời kỳ mới và Kế hoạch số 74 của Thành ủy Hà Nội, Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế Hà Nội đã trình thành phố ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ngày 26/3/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.
Theo đó, thành phố đã ra kế hoạch thành lập Bệnh viện Lão khoa TP Hà Nội trên cơ sở điều chỉnh chức năng và phát triển từ Bệnh viện Đống Đa hiện nay. Với các bệnh viện của thành phố và khu vực gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Bắc Thăng Long, Vân Đình, Sơn Tây…, thành phố yêu cầu phải thành lập một khoa Lão khoa/bệnh viện để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Khám mắt cho người cao tuổi
“Tất cả các bệnh viện tuyến huyện còn lại của thành phố sẽ phải dành một tỷ trọng nhất định số giường bệnh để điều trị riêng cho người cao tuổi. Thành phố cũng đã giao trách nhiệm cho tất cả các quận, huyện, thị xã phải thành lập mỗi quận, huyện, thị xã ít nhất một trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi theo hình thức xã hội hóa”- ông Tạ Quang Huy cho biết.
Một giải pháp nữa mà Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới là triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, bởi theo ông Tạ Quang Huy ứng phó với già hóa dân số là những việc cần làm ngay, làm sớm chứ không thể chủ quan, cho rằng đó là “việc của ngày mai”.
Đặc biệt Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Với 6 chương, 31 điều, Luật đã thể chế hoá chính sách của Việt Nam về người cao tuổi một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện, đảm bảo cho sự tham gia vào hoạt động xã hội của người cao tuổi đồng thời khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức xã hội, cá nhân đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi .