Việt Nam 100 triệu người: "Cơ hội vàng" phát triển kinh tế

15-04-2023 08:10 | Xã hội

SKĐS - Việt Nam 100 triệu người là "cơ hội vàng" để thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong quá trình hội nhập và cải thiện năng suất lao động - Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Với sự kiện Việt Nam 100 triệu người, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định: "Đây nên được xem là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, và xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam bởi đây là minh chứng cho câu chuyện thành công".

UNFPA nhấn mạnh dân số 100 triệu người, bên cạnh thách thức thì cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.

Việt Nam đang có một thị trường đầy tiềm năng

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), con số 100 triệu dân mang tính biểu tượng rất cao. Về mặt kinh tế, cột mốc quan trọng này đem lại nhiều cơ sở, điều kiện mới tích cực.

Đầu tiên, trong khi một số nước trên thế giới đang lo ngại dân số giảm dần thì sự kiện này của Việt Nam đánh dấu một dấu mốc quan trọng mở ra nhiều cơ hội lớn.

Việt Nam cán mốc 100 triệu dân: Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Mặc dù tỷ suất sinh của Việt Nam chưa mang tính đảm bảo sự bền vững cho cấu trúc dân số. Thế nhưng trong sự tăng trưởng về dân số thể hiện được thế mạnh về lực lượng lao động của Việt Nam khá dồi dào. Việt Nam đạt cột mốc 100 triệu người trong thời kỳ "dân số vàng" của nước ta vẫn còn gần 70% dân số trong độ tuổi lao động.

Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội có một không hai để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Điều này càng cho thấy đây là giai đoạn rất tốt để có thể tận dụng một cách tối ưu nhất nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế.

Cùng với quy mô dân số, sức mua, thu nhập gắn liền với việc đòi hỏi chất lượng cuộc sống cao hơn. Qua các đánh giá về thị trường bán lẻ của Việt Nam đã thể hiện tiềm năng cũng như sức sống của thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang trở thành cơ hội lớn.

TS. Võ Trí Thành nhận định, với 100 triệu dân, Việt Nam có thị trường tiêu thụ tiềm năng lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đây chính là động lực rất lớn để phát triển kinh tế, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang có một thị trường đầy tiềm năng, chính thị trường này sẽ là sự bảo đảm vững chắc cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế một cách độc lập tự chủ.

Việt Nam cán mốc 100 triệu dân: Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế - Ảnh 2.

Dân số Việt Nam 100 triệu người mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho nền kinh tế.

Những thách thức phải đối mặt

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam 100 triệu người mở ra nhiều cơ hội đồng nghĩa Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề thách thức.

Thứ nhất, quy mô dân số tăng nhưng chất lượng lao động vẫn còn là một vấn đề khá nhức nhối. Điều này thể hiện qua tỉ lệ lao động được đào tạo có chứng chỉ còn thấp, tầng lớp lao động giỏi, chuyên nghiệp chiếm số ít.

Dân số đông nghĩa là việc làm sẽ phải cung cấp cho nhiều người. Điều này đòi hỏi phải có sự đa dạng trong cơ cấu của nền kinh tế, các ngành công nghiệp và dịch vụ tạo ra nhiều việc làm cần phải được coi trọng. Bên cạnh đó, cần phải phát triển nguồn nhân lực năng động và có những kỹ năng phù hợp với thị trường lao động.

100 triệu dân là tiềm năng to lớn cho đổi mới và sáng tạo. Nhiều công dân thì nhiều ý tưởng, nhiều cơ hội cho những thử nghiệm thấm đẫm tinh thần đổi mới và sáng tạo. Dân số đông đúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, y tế, năng lượng, nông nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.

Trong khi đó giai đoạn "dân số vàng" của Việt Nam không còn dài, chỉ trong khoảng 10 năm tới. Như vậy, việc tận dụng thời kỳ "dân số vàng" cũng chỉ trong khoảng trên dưới 10 năm. Cùng với đó, hiện tượng già hóa dân số cũng đang diễn ra song hành. Điều này đặt ra hai vấn đề đối với kinh tế Việt Nam, đó là làm sao tận dụng được nguồn lực vốn có cùng với khả năng lao động của họ và việc xây dựng chính sách cho xã hội bên cạnh chính sách vốn có đặc biệt là hỗ trợ người nghèo, người yếu thế. Vấn đề đặt ra là an sinh xã hội cho một xã hội có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Tuy hiện nay Việt Nam đã triển khai nhưng hiện tại vẫn là vấn đề thách thức.

Thách thức tiếp theo là nền kinh tế Việt Nam rất mở, làm sao để hài hòa được giữa việc tận dụng không gian sản xuất, kinh doanh có tính toàn cầu để Việt Nam có thể hội nhập và phát triển một cách có chọn lọc. Bên cạnh việc gắn với phát triển kinh tế bền vững, cũng cần tạo ra khả năng chống chịu với bối cảnh thị trường bất định, có thể có rất nhiều rủi ro như hiện nay.

Với dân số đạt 100 triệu người, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về quy mô dân số, đứng thứ 8 Châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trong lúc đó GDP của Việt Nam năm 2021 là 302,6 tỷ USD, đứng thứ 25 trên thế giới. Như vậy, so với nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế của nước ta còn thấp hơn nhiều. Điều này cho thấy, tiềm năng của nguồn nhân lực vẫn chưa được khai thác đầy đủ và vẫn còn rất dồi dào. Theo TS. Võ Trí Thành, điều này thể hiện rất rõ, với Việt Nam đó là một thách thức.

"Chúng ta cần có biện pháp để tận dụng và hỗ trợ được từ việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đến vấn đề tuyển dụng, xây dựng các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo… phù hợp với xã hội đang già hóa nhanh và xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu. Qua đây cũng cho thấy Việt Nam cần nỗ lực cải cách và cải thiện nguồn nhân lực này. Nếu không, thời gian tận dụng giai đoạn "dân số vàng" không còn dài, trong khi đó áp lực già hóa dân số cao.

Bên cạnh đó chưa kể những chương trình an sinh xã hội vẫn phải tiếp tục triển khai như hỗ trợ nhóm yếu thế. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam cần đặt ra vấn đề cải cách đặc biệt là cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo kỹ năng tạo ra một bứt phá, tăng trưởng cho nền kinh tế" - TS. Võ Trí Thành nhận định.

Xem thêm video được quan tâm:

Ăn Cá Hay Thịt Tốt Hơn | SKĐS


Kim Dung
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn