Hà Nội

Chất lượng dân số - Yếu tố then chốt để phát triển

19-01-2023 11:00 | Y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng". Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Các thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số có thể kể đến như: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Chất lượng dân số - Yếu tố then chốt để phát triển - Ảnh 1.

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam ngày càng được cải thiện. Ảnh: TL.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%. Theo báo cáo phát triển con người, HDI của Việt Nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay, các kết quả công tác dân số đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thành công của Chương trình DS-KHHGĐ đã hạn chế việc tăng thêm trên 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Chất lượng dân số - Yếu tố then chốt để phát triển - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, đạt được những kết quả này trước hết nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... cùng với sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số, y tế trong cả nước, có công sức của hàng trăm nghìn cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số tại các thôn xóm, bản làng; sự hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách dân số của mỗi cộng đồng và từng người dân.

Thách thức lớn cần được quan tâm, chia sẻ, đồng hành

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề KHHGĐ để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, tận dụng cơ hội dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Chất lượng dân số - Yếu tố then chốt để phát triển - Ảnh 3.

Người cao tuổi tham gia cuộc thi Sống vui – Sống khỏe.

Các thách thức mới đang đặt ra với ngành Dân số là rất lớn, đó là: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao, chậm được cải thiện. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều nhưng còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp chỉ đạt 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số". Chất lượng dân số còn thấp. Phân bố dân số, quản lý di cư vẫn còn nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới...

Trong khi đó tổ chức bộ máy của ngành Dân số nước ta liên tục biến động. Chỉ trong 15 năm (2008-2022) đã có tới 3 lần thay đổi tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Điều này đã tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm, tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trong cả nước (hiện có gần 160.000 người). Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ dân số còn thấp, nhất là đội ngũ cán bộ dân số cơ sở - những người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng - thì đến nay nhiều người trong số họ đã nghỉ việc.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Đảng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan là: "Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình". Song, với sự thay đổi tổ chức bộ máy nói trên, nguyên nhân chủ quan này có nguy cơ dẫn đến khả năng không thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu dân số mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao.

Chất lượng dân số - Yếu tố then chốt để phát triển - Ảnh 4.

Tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ ở vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Lương Thanh.

"Tổng cục Dân số trân trọng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số; đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra", ông Nguyễn Doãn Tú chia sẻ.

Ông Nguyễn Doãn Tú cũng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành Dân số cả nước đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế; sự hỗ trợ của các cấp, các ngành… đội ngũ cán bộ dân số sẽ yên tâm gắn bó, vượt khó và sáng tạo để giành nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới", ông Nguyễn Doãn Tú nói.


Hà Thư
Ý kiến của bạn