GDP quý I năm 2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước

29-03-2023 09:36 | Thời sự

SKĐS - Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ số về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023. Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế – xã hội quý I năm 2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

Đáng chú ý, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

GDP quý I năm 2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

GDP quý I năm 2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. 

Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý I năm 2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).

Về sử dụng GDP quý I năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

Về sản xuất nông nghiệp quý I năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.

Về sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%.

Về hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động trong quý I năm 2023. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.

Trong quý I năm 2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của kinh tế toàn cầu…

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 3/2023Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 3/2023

SKĐS - Nhiều chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 như: Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong AJCEP, quản lý tài chính đối với VCCI…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư khoang miệng.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn