Công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Tỉnh cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, điều chỉnh mức sinh theo hướng giảm nhanh trên địa bàn toàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các vùng, các đối tượng góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030 tại tỉnh Yên Bái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Trong đó, mục tiêu cụ thể gồm: Giai đoạn 2021-2025 tổng tỷ suất sinh hàng năm trung bình giảm 0,12 con/phụ nữ; Giai đoạn 2026 – 2030 duy trì mức sinh thay thế tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 2,15 con/phụ nữ, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 900.000 người. Để đạt được mục tiêu đặt ra, tỉnh Yên Bái đã đặt ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền
Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần chuyển hướng chiến lược từ công tác DS - KHHGĐ sang dân số và phát triển theo tinh thần chỉ đạo tại Kế hoạch hành động số 74-KH/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục tiêu giảm nhanh mức sinh chung của toàn tỉnh, sớm đưa về mức sinh thay thế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các vùng, các đối tượng vẫn là mục tiêu trọng tâm của công tác dân số và phát triển tại tỉnh Yên Bái.
Tiếp tục đề nghị HĐND tỉnh đưa chỉ tiêu về giảm mức sinh vào các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết HĐND tỉnh khoá XIX nhiệm kỳ 2021 – 2025, Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của HĐND tỉnh, ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác DS - KHHGĐ trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề giảm sinh tại 80 xã vùng III của tỉnh. Đẩy mạnh lồng ghép có hiệu quả vấn đề giảm mức sinh vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do các sở, ngành, địa phương chủ trì xây dựng và thực hiện.
Tăng cường phối hợp và nâng cao trách nhiệm liên ngành, phát huy vai trò của MTTQVN các cấp, các đoàn thể và cả cộng đồng tham gia thực hiện Kế hoạch này. Nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo DS - KHHGĐ các cấp.
Thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong cuộc vận động giảm mức sinh. Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân số, đặc biệt là cuộc vận động sinh ít con tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng các nội dung của Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030".
Tiếp tục thực hiện tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con; nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Đối tượng tuyên truyền, vận động tập trung vào các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là "Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt".
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục. Nâng cao hiệu quả của truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội.
Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong nhà trường; Thí điểm triển khai, mở rộng thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc trước khi kết hôn đối với thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn theo hướng dẫn của trung ương; Thực hiện thông điệp "Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt" và xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích
Triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về điều chỉnh mức sinh; thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung các chính sách theo quy định của trung ương phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Căn cứ hiện trạng mức sinh của tỉnh, tham mưu với cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời ban hành chính sách giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với công tác dân số trên địa bàn toàn tỉnh.
Mở rộng tiếp cận các dịch vụ SKSS/KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan
Phổ cập dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn. Nâng cấp cơ sở vật chất, rà soát, bổ sung trang thiết bị, phương tiện tránh thai và hàng hoá sức khoẻ sinh sản để đảm bảo các cơ sở y tế tuyến huyện, xã đủ năng lực thực hiện dịch vụ kế hoạch hoá gia đình theo quy định. Tăng cường xã hội hóa dịch vụ cung cấp các phương tiện tránh thai và tiếp thị xã hội, đảm bảo tính sẵn có phục vụ nhu cầu tránh thai tiện lợi cho tất cả các đối tượng. Lồng ghép các hoạt động này với Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đến năm 2030.
Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số: Tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình phù hợp, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ; tiếp tục tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; thực hiện phân phối phương tiện tránh thai dựa vào cộng đồng qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số.
Các nhiệm vụ và giải pháp khác
Về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng: Thường xuyên cung cấp kiến thức chuyên môn và thông tin về dân số, cập nhật kiến thức mới, cung cấp kỹ năng truyền thông bảo đảm đội ngũ nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội (trú trọng đội ngũ làm công tác dân số tại cấp xã) về kỹ năng, kiến thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ dân số, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung giảm mức sinh vào nhiệm vụ, hoạt động của các ngành, đơn vị; Đưa nội dung về điều chỉnh mức sinh vào chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng dẫn của trung ương.
Nghiên cứu khoa học và hệ thông tin quản lý: Nghiên cứu khảo sát về thực trạng, các yếu tố tác động đến quy mô dân số, mức sinh giữa các địa phương, đối tượng trong tỉnh; các nghiên cứu tác nghiệp về những giải pháp, can thiệp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp cho từng giai đoạn và từng địa phương.
Về hợp tác quốc tế: Tiếp tục huy động, tranh thủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ các chương trình dự án ODA, NGO của các tổ chức quốc tế, các quốc gia để thực hiện chương trình về giảm mức sinh trên địa bàn tỉnh.
Về kiểm tra, giám sát, đánh giá: Định kỳ kiểm tra, giám sát hỗ trợ, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; Sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch, nhất là đánh giá giai đoạn 2021-2025 để điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo.