1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi biểu hiện bởi các triệu chứng chảy mũi, hắt hơi, ngạt mũi, ngứa mũi do phản ứng viêm qua trung gian IgE gây ra khi tiếp xúc với dị nguyên. Các triệu chứng có thể mất đi tự nhiên hay do điều trị.
Bệnh thường kèm theo tình trạng viêm kết mạc dị ứng. Đặc trưng bởi ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt thậm chí sưng nề mắt. Viêm mũi dị ứng là bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại viêm mũi. Đây cũng là một trong những dạng dị ứng phổ biến nhất.
Theo tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng ở trẻ em, tỷ lệ viêm mũi dị ứng ở Việt Nam khoảng 20% dân số cả nước. Chiếm 39-52% học sinh tại TPHCM và 28% học sinh tại Hà Nội. Bệnh có xu hướng gia tăng do ô nhiễm môi trường sống. Bệnh thường gia tăng vào những thời điểm thời tiết giao mùa, nhiệt độ độ ẩm biến đổi thất thường.
Theo thống kê năm 2023, tại BV Tai Mũi Họng Trung ương tỷ lệ bệnh nhân đến khám vì bệnh lý mũi xoang là khoảng 48.000, chiếm trên 18%. Trong đó viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 11,7% tổng số bệnh nhân đến khám tại BV.
Viêm mũi dị ứng là bệnh tái diễn, không phải nhóm bệnh nặng cần nhập viện điều trị. Nhiều bệnh nhân sẽ đến khám tại các cơ sở y tế khác hoặc tại các phòng khám tư nhân khi có triệu chứng của bệnh. Do vậy, số liệu nêu trên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng bệnh viêm mũi dị ứng trong cộng đồng.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
Có nhiều nguyên nhân gây khởi phát bệnh viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân được chia thành 2 nhóm: Các loại dị nguyên và các yếu tố ảnh hưởng.
2.1 Các loại dị nguyên:
Bao gồm dị nguyên đường thở, dị nguyên đường ăn và dị nguyên thuốc. Trong đó dị nguyên đường thở là nhóm nguyên nhân hay gặp nhất. Ở Việt Nam các dị nguyên này thường là:
- Mạt bụi nhà: Đây là loại phổ biến gây các triệu chứng dị ứng quanh năm. Chúng tập trung nhiều ở thảm trải sàn, đệm giường, chăn, gối… và thích hợp ở môi trường có độ ẩm cao từ 75-80%, nhiệt độ từ 25-30 độ.
- Gián: Không những gây ô nhiễm thực phẩm mà còn là tác nhân gây dị ứng quanh năm. Tất cả các bộ phận của gián đều gây dị ứng kể cả phân và nước bọt.
- Lông súc vật: Mèo là vật nuôi gây dị ứng nhiều nhất, ngoài ra còn có lông chó, chuột, ngựa… Tác nhân gây dị ứng là lông, vảy da, nước bọt…
- Phấn hoa: Là nguyên nhân gây dị ứng theo mùa. Hay gây viêm mũi dị ứng kèm theo hen phế quản.
- Nấm mốc: Phát triển ở nơi ẩm ướt, tối tăm. Bào tử nấm phát tán khắp nơi và gây triệu chứng dị ứng quanh năm.
- Các dị nguyên nơi làm việc: Bụi gỗ, bụi bông, bột mì… Có trường hợp khi xác định rõ nguyên nhân dị ứng thì phải thay đổi công việc.
2.2.Các yếu tố ảnh hưởng:
- Yếu tố gen và gia đình: Bệnh viêm mũi dị ứng có chung yếu tố gia đình. Gần đây người ta đã xác định được một số vị trí của gen liên quan đến bệnh lý dị ứng. Những người mang gen này có xác suất phát triển thành viêm mũi dị ứng lên tới 90%.
- Yếu tố tại chỗ: Dị hình vách ngăn; Dị hình khe giữa; Quá phát cuốn dưới; Polyp mũi; VA quá phát.
- Yếu tố ngoại lai khác: Thay đổi thời tiết đột ngột, ô nhiễm môi trường
3.Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng có các biểu hiện như: hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi hoặc ngứa mũi. Ngoài ra, có thể kèm theo tình trạng viêm kết mạc mắt dị ứng. Các biểu hiện là ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, thậm chí sưng nề mắt (theo ARIA).
Viêm mũi dị ứng xảy ra theo 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn mẫn cảm: Đó là lần đầu tiên dị nguyên xâm nhập vào cơ thể mẫn cảm, tạo ra các IgE đặc hiệu với dị nguyên. Giai đoạn này chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
- Giai đoạn tức thì: Xảy ra trong 10-15 phút khi cơ thể tiếp xúc lại với dị nguyên đã mẫn cảm. Dị nguyên sẽ kết hợp với IgE đặc hiệu ở trên bề mặt các tế bào Mast. Từ đó kích hoạt tế bào này làm nó bị vỡ ra giải phóng một loạt các chất trung gian hóa học gây nên các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
- Giai đoạn muộn: Xảy ra sau 2-48 giờ. Đáp ứng miễn dịch tế bào chiếm ưu thế do sự tương tác giữa các tế bào, dưới sự ảnh hưởng của các cytokin. Tính chất đặc trưng của viêm mũi dị ứng là sự tích tụ tại chỗ các tế bào viêm như lympho TCD4, eosinophil, basophil, neutrophil. Trong đó, eosinophil giải phóng ra một số chất gây độc tế bào biểu mô đường hô hấp.
4. Bệnh viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không?
Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh lý trầm trọng. Hiếm khi bệnh nhân phải nhập viện điều trị, song nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Người bệnh thường xuyên bị nhức đầu, ngạt mũi, mất ngủ, giảm khả năng tập trung khi lao động cũng như học tập. 61% trẻ giảm hiệu xuất học tập và 50% trẻ thức giấc vào ban đêm và khó ngủ. Tình trạng hắt hơi, chảy mũi làm cho quá trình giao tiếp hàng ngày bị hạn chế. Bệnh nhân mặc cảm, có thể dẫn tới thay đổi hành vi, tính tình, có trường hợp trở nên trầm cảm.
Viêm mũi dị ứng nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến các biến chứng. Các biến chứng bao gồm: Viêm xoang mạn tính, polyp mũi, viêm họng mạn tính, viêm tai giữa ứ dịch... Ngoài ra còn có các bệnh đường hô hấp dưới như hen phế quản.
Giữa viêm mũi dị ứng và hen phế quản có mối liên quan đã được nghiên cứu từ lâu. Gần đây các tác giả đã đưa ra các bằng chứng cho thấy viêm mũi dị ứng và hen phế quản là chung một bệnh đường hô hấp.
Các nghiên cứu cho thấy: 70-90% bệnh nhân hen phế quản có viêm mũi dị ứng; 30-50% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có mắc hen phế quản kèm theo. Trong quá trình diễn tiến tự nhiên của bệnh thì trên 30% viêm mũi dị ứng sẽ xuất hiện thêm hen phế quản. Đây là điều chúng ta cần hết sức quan tâm, vì khi viêm mũi dị ứng có kèm hen phế quản thì chất lượng cuộc sống sẽ giảm ở cả thể chất và tâm thần.
5. Viêm mũi dị ứng có lây không?
Bệnh viêm mũi dị ứng không lây. Đây là bệnh lý có cơ chế dị ứng, không phải bệnh truyền nhiễm nên không có khả năng lây từ người sang người.
6. Cách phân loại và mức độ của bệnh viêm mũi dị ứng
Ngày nay người ta phân viêm mũi dị ứng theo ARIA thành 2 nhóm: Viêm mũi dị ứng gián đoạn (thỉnh thoảng) và viêm mũi dị ứng dai dẳng phụ thuộc vào thời gian biểu hiện các triệu chứng.
- Viêm mũi dị ứng gián đoạn: Các triệu chứng xuất hiện dưới 4 ngày mỗi tuần hoặc dưới 4 tuần trong năm.
- Viêm mũi dị ứng dai dẳng: Là các triệu chứng xuất hiện trên 4 ngày mỗi tuần và trên 4 tuần trong năm.
Bệnh viêm mũi dị ứng được chia làm 3 mức độ nhẹ, vừa, nặng. Chúng phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến người bệnh qua giấc ngủ hoặc các hoạt động hàng ngày:
- Mức độ nhẹ: Không ảnh hưởng đến giấc ngủ, đến lao động và học tập, cũng như các hoạt động thể dục, thể thao.
- Mức độ vừa và nặng: Có ảnh hưởng đến 1 hoặc nhiều triệu chứng sau: Bất thường giấc ngủ, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, thể thao, giải trí; Ảnh hưởng đến học tập, lao động, có những triệu chứng gây khó chịu.
7. Điều trị viêm mũi dị ứng
Có nhiều phương pháp để điều trị viêm mũi dị ứng.
Chiến lược điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Các nguyên tắc đó là: Vệ sinh môi trường; phòng tránh tiếp xúc với dị nguyên; dùng thuốc và miễn dịch liệu pháp.
7.1 Vệ sinh môi trường
Giúp làm giảm và mất yếu tố dị nguyên. Góp phần đáng kể đến việc phòng ngừa và giải quyết nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên có những dị nguyên rất khó bị loại bỏ.
7.2 Sử dụng thuốc
Vẫn là cách phổ biển để cắt cơn dị ứng cũng như là dự phòng viêm mũi dị ứng. Có rất nhiều loại thuốc được áp dụng điều trị. Về cơ bản thường xuyên nhất vẫn là 2 nhóm thuốc kháng histamine uống và steroid xịt mũi.
Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá, so sánh hiệu quả điều trị viêm mũi dị ứng của các nhóm kháng histamine, của các nhóm Steroid xịt mũi và của cả sự kết hợp kháng histamine và xịt steroid đem lại kết quả khả quan.
7.3 Can thiệp phẫu thuật
Là phương pháp hỗ trợ để điều trị viêm mũi dị ứng. Mục đích phẫu thuật là cải thiện triệu chứng ngạt mũi và lấy bỏ các yếu tố kích thích. Bao gồm các phẫu thuật chỉnh hình cuốn và chỉnh hình vách ngăn.
7.4 Điều trị bằng miễn dịch liệu pháp
Tuy được coi là phương pháp điều trị tận gốc, theo đúng cơ chế bệnh sinh, xong vẫn còn nhiều hạn chế và khó khả thi trên thực tế lâm sàng.
Phương pháp này dựa trên nguyên tắc đưa một lượng nhỏ dị nguyên vào cơ thể và tăng dần liều theo thời gian. Với liều nhỏ này không đủ gây ra các triệu chứng dị ứng. Việc tăng dần liều theo thời gian kích thích cơ thể sinh ra kháng thể IgG4. Kháng thể này có khả năng ngăn chặn dị nguyên trước khi chúng kết hợp với IgE và do đó không xảy ra tình trạng dị ứng nữa.
Phương pháp này chỉ đạt hiệu quả khi chẩn đoán đúng dị ứng và xác định đúng dị nguyên đặc hiệu. Hiệu quả điều trị còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dị nguyên, liều sử dụng thích hợp và sự tuân thủ liệu trình điều trị của bệnh nhân. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 2-5 năm.
Xem thêm bài viết được quan tâm: