Kết hợp thuốc sắc, nhỏ và dinh dưỡng giảm viêm mũi dị ứng

SKĐS - Thay đổi thời tiết cũng là tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở nhiều người. Đây là tình trạng mũi bị kích thích và viêm do các tác nhân từ môi trường gây ra, với biểu hiện là hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi...

1. Nguyên nhân sinh bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng không do virus, vi khuẩn mà do nhiều yếu tố tiềm ẩn trong môi trường như: Khói, bụi, gió, không khí lạnh, mưa; nấm mốc, lông động vật, lông vải từ quần áo, mỹ phẩm, nước hoa; chất thải, hóa chất công nghiệp… Do đó, điều trị viêm mũi dị ứng chỉ có thể nhằm giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Người có sức đề kháng tốt thì ít mắc bệnh hơn hoặc các triệu chứng của bệnh thường giảm nhẹ hơn.

Theo Đông y, bệnh viêm mũi dị ứng là do phế khí và vệ khí hư không khống chế được phong hàn xâm nhập vào cơ thể mà sinh bệnh.

Bài thuốc kết hợp giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng - Ảnh 1.

Vị thuốc tân di giảm viêm mũi dị ứng.

2. Bài thuốc sắc giảm viêm mũi dị ứng

- Thành phần: Bạch chỉ 12g, tân di hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, hoài sơn 16g, rễ vú bò (sao vàng) 20g, cam thảo 6g, nhục quế 8g, tang bạch bì 10g, sinh khương 3 lát.

- Cách dùng: Các vị trên sắc với 600 ml nước còn 200ml. Uống trong ngày.

- Phương giải bài thuốc:

+ Bạch chỉ vị cay hơi đắng, tính tân ôn, lợi vào các kinh phế, vị, đại tràng. được dùng chữa cảm mạo nhức đầu, ra mồ hôi, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang.

+ Tân di hoa vị cay, tính ấm, lợi vào kinh phế và vị, có công dụng tán phong nhiệt, làm thông khiếu, được dùng chữa nhức đầu do phong, trị nghẹt mũi.

+ Ké đầu ngựa vị ngọt, tính ôn, lợi vào kinh phế có công dụng khu phong, trừ thấp, lợi tiểu, tiêu viêm, giảm đau, chủ trị có thể xếp vào nhóm các bệnh ngoài da, bệnh mũi xoang…

+ Hoài sơn vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế, tỳ vị và thận, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chỉ khát, bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch.

+ Nhục quế vị cay ngọt, tính ấm, lợi vào các kinh can, thận và tỳ; có tác dụng ôn trung tán hàn, ôn thông kinh mạch khí huyết.

+ Tang bạch bì vị ngọt, tính hàn, không có độc, có công dụng dịu hen, thanh nhiệt ở phế, chữa ho, tiêu phù và bình suyễn.

+ Rễ vú bò vị cay, ngọt, hơi ấm, có tác dụng kiện tỳ, bổ phế, hành khí lợi thấp.

+ Sinh khương (gừng tươi) vị cay, tính ấm, có tác dụng khu phong tán hàn, giải biểu, ôn thông kinh lạc.

+ Cam thảo vị ngọt, tính bình, lợi về các kinh tâm, phế, tì, thận; có công dụng thanh nhiệt giải độc, bổ tì ích khí (xúc tiến tiêu hóa), hóa đàm chỉ khái (tan đờm chống ho), hoãn cấp chỉ thống (giảm đau, giảm co thắt), thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.

photo-1695828898940

Tỏi giúp giảm viêm mũi dị ứng

3. Thuốc nhỏ mũi trị viêm mũi dị ứng

- Thành phần: Lá cây hoa cứt lợn tươi 8g, tỏi 4g.

- Cách dùng: Giã nhỏ, lọc lấy nước cốt, nhỏ vào mũi ngày 3-4 lần, chú ý đảm bảo vô khuẩn.

- Trong bài: Hoa cứt lợn vị cay, đắng, tính mát; lợi vào kinh phế. có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, tiêu thũng, trục ứ chủ trị viêm mũi xoang. Tỏi có allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Nước ép tỏi pha ức chế nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương. Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có tác dụng thông khiếu, trừ phong, sát khuẩn, giải độc, tiêu viêm.

Để làm phương pháp này bạn phải có sự hướng dẫn của bác sĩ không tự tiện thực hiện.

4. Món ăn hỗ trợ chữa viêm mũi dị ứng

- Thành phần: Thịt bò 90g, tỏi tươi 60g, rau thơm tươi 15g, gạo tẻ 60g, gia vị vừa đủ.

- Cách dùng: Thịt bò rửa sạch thái miếng, tỏi bóc vỏ đập giập, rau thơm thái nhỏ. Gạo tẻ vo sạch cho vào nồi ninh thành cháo. Sau khi cháo chín cho thịt bò và tỏi, bỏ rau thơm và chế đủ gia vị, ăn nóng trong ngày.

- Công dụng: Khu phong trừ hàn, dùng cho người bị viêm mũi dị ứng với triệu chứng như chảy nước mũi trong, hắt hơi nhiều,ngạt mũi…

Phòng bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?

Khi hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể rất dễ bị dị ứng. Do đó, tăng cường sức đề kháng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể tránh khỏi viêm mũi dị ứng. Người bị viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng; đeo khẩu trang nếu bị dị ứng với các tác nhân gây dị ứng ở nơi làm việc hoặc trong vùng có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng.

Khi các triệu chứng của viêm mũi có các biểu hiện ho và sốt, sưng và đau nhức hốc mũi, viêm họng... người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm.

Mời bạn xem thêm video:

Viêm mũi dị ứng khi giao mùa.

ThS. BS Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn