Hà Nội

Từ chuyện chi 'chăm cô' đến việc có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?

10-10-2022 10:05 | Thời sự

SKĐS - Ban đại diện cha mẹ học sinh với chức năng chính là phối hợp với nhà trường chăm lo đời sống sinh hoạt, nâng cao chất lượng học tập của học sinh nhưng thực tế tại nhiều trường, lợi dụng tinh thần "tự nguyện", ban này đưa ra các khoản thu "trên trời" gây bức xúc.

Chuẩn bị năm học mới, những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng ‘gánh’?Chuẩn bị năm học mới, những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng ‘gánh’?

SKĐS - Năm học 2022 - 2023 sẽ chính thức bắt đầu trong vài ngày tới nhưng không ít phụ huynh học sinh phải đối diện với những khoản thu "trời ơi" mà các nhà trường tự ý "đẻ" thêm ra.

Nhiều khoản thu trái quy định vẫn ngang nhiên tồn tại

Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc trước tình trạng lạm thu tại nhiều trường học trên khắp cả nước. Mới đây nhất, trong bản dự trù kinh phí hoạt động hội phụ huynh tại một trường tiểu học ở TP.HCM, phần chi "chăm cô" được liệt kê 27 triệu đồng/năm đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu bằng hình thức chuyển khoản hằng tháng, mỗi tháng một người 3 triệu đồng. Ngoài ra còn tiền 20/11, tiền Tết Nguyên đán cho hiệu trưởng, tiền chi cho ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế phụ nữ cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu… Tổng cộng những khoản dành cho giáo viên là hơn 102 triệu đồng, còn khoảng 30 triệu đồng để chăm lo các hoạt động cho học sinh.

Hay ở một lớp 9 của trường THCS tại TP.HCM, bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động học tập năm học này có tổng trị giá khoảng 270 triệu đồng bao gồm các khoản cơ bản như: tiền bổ sung cơ sở vật chất đầu năm, chụp ảnh thẻ, phong trào báo Đội, phong trào hội khỏe Phù Đổng, thuê áo tốt nghiệp, quà 8/3 và 20/10 cho học sinh nữ, tổ chức lễ tri ân, tốt nghiệp...

Thực tế đã từ lâu, các khoản thu đầu năm học luôn là vấn đề nóng, gây tranh cãi. Vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) cũng từng được nhắc đến nhiều. Không ít ý kiến cho rằng đa số các khoản thu vô lý đều là do BĐDCMHS tự "vẽ" ra. Trước thực trạng này, việc có nên bỏ BĐDCMHS hay không lại được đặt ra.

Anh H. Phương Đông (quận Tân Phú, TP.HCM) nêu quan điểm: "Tôi nghĩ đã đến lúc cần bỏ BĐDCMHS ở các cấp học phổ thông bởi thời buổi công nghệ, có rất nhiều cách kết nối với phụ huynh. Nếu cần thống nhất, lấy ý kiến của phụ huynh thì đã có các hội nhóm của lớp như zalo, viber, facebook, telegram… một cách nhanh chóng và thuận tiện".

"Liều thuốc" nào hiệu quả nhất cho vấn đề lạm thu tại trường học hiện nay? - Ảnh 2.

"Liều thuốc" nào hiệu quả nhất cho vấn đề lạm thu tại trường học hiện nay? - Ảnh 3.

Hai bản dự trù kinh phí hoạt động hội phụ huynh tại một trường tiểu học và một trường THCS ở TP.HCM mới đây.

Khi được hỏi có nên bỏ BĐDCMHS không, chị Lương Minh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - phụ huynh có 2 con đang theo học ở trường cấp I nêu quan điểm chỉ nên thay đổi cách thức hoạt động cho hợp lý và hiệu quả hơn chứ không nên bỏ. Chị Minh cho biết, vẫn biết ở đâu đó, một số BĐDCMHS được lập ra chỉ với mục đích cho đủ ban bệ; một số khác lập ra chỉ để thu các khoản tiền được gọi là "tự nguyện đóng góp". Thế nhưng, cũng có rất nhiều BĐDCMHS đã và đang đại diện cho tiếng nói của phụ huynh, phát huy rất tốt vai trò của mình, chăm lo, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của các con.

"Tôi cho rằng, chỉ cần một "liều thuốc" hiệu quả nhất cho vấn đề lạm thu đó là công khai và minh bạch. Đối với mỗi khoản đóng góp cần lấy ý kiến phụ huynh một cách dân chủ, nếu cần thiết thì tiến hành bỏ phiếu kín, tránh tình trạng đẩy phụ huynh vào tình thế không thể chối từ. Thêm nữa, nếu nơi nào làm sai thì phải lên án, rút kinh nghiệm. Nơi nào làm tốt, cũng phải ghi nhận".

Có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?

Theo chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất, hiện tượng BĐDCMHS lạm thu, không làm đúng vai trò của mình chỉ xảy ra ở những trường mà Ban giám hiệu không quán triệt đầy đủ các quy định của Bộ GD&ĐT. Trường học nào Ban giám hiệu sát sao, vì học sinh, thấu hiểu gia đình học sinh sẽ không xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc trong xã hội.

"Trong tam giác giáo dục (nhà trường - phụ huynh - học sinh) vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Việc giáo dục học sinh sẽ không thành công nếu thiếu đi vai trò của phụ huynh. Việc bỏ BĐDCMHS sẽ khiến tam giác giáo dục mất đi một góc, cầu nối giữa nhà trường với học sinh không còn. Do vậy, việc duy trì BĐDCMHS là cần thiết. Vấn đề đặt ra là phải có những quy định, chế tài cụ thể để BĐDCMHS làm tốt vai trò của mình, tránh tình trạng trở thành công cụ, là "cánh tay nối dài" của Ban giám hiệu".

Liệu có nên bỏ BĐDCMHS hay không, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, vai trò và trách nhiệm của BĐDCMHS đã được nêu rất rõ tại Luật Giáo dục. Theo đó, việc tồn tại BĐDCMHS là phải có. "Chúng ta phải thực hiện nguyên lý giáo dục là phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, trách nhiệm giáo dục con cái của cha mẹ là rất quan trọng. Bên cạnh việc giáo dục tại nhà, cha mẹ phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và tham gia hoạt động của BĐDCMHS. Do đó, không thể vì một vài trường hợp làm trái quy định mà nói cần bỏ hội cha mẹ học sinh", ông Thành cho biết.

Về vấn đề lạm thu, thu những khoản "không tên", ông Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ trong Thông tư 55. Cụ thể, tại điều 10 trong thông tư này ghi rõ: Kinh phí hoạt động của BĐDCMHS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho BĐDCMHS lớp. Ngoài ra, tại khoản 4 điều này cũng ghi BĐDCMHS không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS.

Nhiều tỉnh, thành cấm lợi dụng hội phụ huynh thu các khoản ngoài quy định

Trước thực trạng trên địa bàn thành phố ghi nhận một số phản ánh về các khoản thu đầu năm học 2022-2023 tại một vài đơn vị trường học, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đưa ra văn bản chấn chỉnh công tác quản lý thu chi đầu năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố. Sở yêu cầu các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản tất cả khoản thu đến phụ huynh, học sinh, sinh viên (trong đó, nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ). Đồng thời, các trường phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm. Đối với kinh phí hoạt động của BĐDCMHS, Sở GD&ĐT TP.HCM nghiêm cấm các đơn vị lợi dụng danh nghĩa BĐDCMHS để thu các khoản thu ngoài quy định.

Liên quan đến vấn đề "lạm thu", Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đầu năm học nào, cơ quan báo chí cũng phản ánh tình trạng thu chi sai quy định tại các đơn vị. Đây là vấn đề không mới nhưng năm nào cũng khiến dư luận xã hội quan tâm. "Tôi đề nghị hiệu trưởng các đơn vị không đổ hết trách nhiệm cho BĐDCMHS, không thể nói là không biết, không can thiệp hoạt động của BĐDCMHS. Thay vào đó, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn diện và quản lý chặt chẽ tất cả hoạt động trong trường".

Ngoài TP.HCM thì các tỉnh như: Cà Mau, Bình Phước, Nam Định cũng yêu cầu trường học cam kết không thu các khoản thu trái quy định, không tùy tiện đặt ra các khoản thu, các loại quỹ trái quy định trong trường học, tiết giảm chi phí hoạt động chưa cấp bách, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Nghiêm cấm trường học lợi dụng BĐDCMHS dưới hình thức "tự nguyện", thu tiền từ phụ huynh để mua sắm máy móc, trang thiết bị, quà tặng nhà trường và thầy cô giáo.

19% sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo19% sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo

SKĐS - Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT), năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số liên quan đến ngành đào tạo là 25%; 19% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo.

Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn