Ngăn chặn lạm thu trong trường học: Hàng loạt địa phương ra quy định 'nóng'

21-09-2022 10:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Dù năm học 2022-2023 mới bắt đầu chưa được 1 tháng nhưng các bậc phụ huynh đã "nín thở" chờ nhà trường công bố các khoản thu đầu năm - "gánh nặng" của không ít gia đình. Các địa phương đã có những biện pháp cụ thể ngăn chặn nạn lạm thu đầu năm học ra sao?

Chuẩn bị năm học mới, những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng ‘gánh’?Chuẩn bị năm học mới, những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng ‘gánh’?

SKĐS - Năm học 2022 - 2023 sẽ chính thức bắt đầu trong vài ngày tới nhưng không ít phụ huynh học sinh phải đối diện với những khoản thu "trời ơi" mà các nhà trường tự ý "đẻ" thêm ra.

Quy định chi tiết từng khoản thu và mức thu

Đầu năm học này, UBND TP. Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập. Các trường chỉ được phép thu các khoản trong danh mục.

Theo đó chỉ có một khoản thu theo định kỳ gồm: mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống. Các khoản thu theo tháng là: tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ bảy, dạy học 2 buổi/ngày… Địa phương này yêu cầu các trường công lập phải sử dụng chứng từ thu (phiếu thu tiền mặt có ký xác nhận của cha mẹ học sinh hoặc ký xác nhận nếu thanh toán trực tuyến).

Sở GD&ĐT Nam Định cũng có hướng dẫn chi tiết các khoản thu và mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023. Sở GD&ĐT Nam Định quy định các khoản thu dịch vụ như chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè, dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học. Dạy thêm, học thêm các môn văn hóa, tiền trả công thuê người nấu ăn bán trú dùng để thuê người nấu ăn, phục vụ nuôi ăn bán trú và các khoản đóng góp bảo hiểm theo quy định của pháp luật; tiền quản lý, chăm sóc trẻ buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học; tiền đóng góp lần đầu tiên phục vụ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo và các cấp học mua mới, mua bổ sung do cơ sở giáo dục thỏa thuận với cha mẹ học sinh để quy định…

Các địa phương ráo riết ngăn chặn lạm thu trong trường học thế nào? - Ảnh 2.

Một số địa phương quy định chi tiết các khoản được thu và không được thu, đồng thời nhấn mạnh sẽ "xử lý nghiêm" vi phạm về thu chi. Ảnh minh họa

Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu đối với mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh làm căn cứ triển khai thực hiện. Cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng nộp của học sinh và cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và học sinh toàn trường.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu quỹ hội phụ huynh trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai hình thành kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nghiêm cấm việc thu bình quân.

Không được sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để chi các nội dung: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...

Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Tài chính, ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục và định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường cho bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Các khoản thu chính, gồm: Học phí; thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; các khoản thu tiền của lớp bán trú như tiền ăn của học sinh, tiền phụ phí (xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước…), tiền công bảo mẫu, cấp dưỡng; các khoản mua sắm đồ dùng học tập, phục vụ bậc học mầm non; quần, áo đồng phục, quần, áo thể dục. Việc thu, chi phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, đúng mục đích và tiết kiệm.

Xử lý nghiêm các sai phạm về thu, chi, dạy hêm, học thêm...

Tại Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2022 - 2023 của thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm các sai phạm trong các đơn vị giáo dục, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kỹ năng, bồi dưỡng văn hóa, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học...) trên địa bàn. Đặc biệt, các sai phạm về thu, chi, dạy hêm, học thêm, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trong những năm gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đều nhắc lại yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

7 khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định cụ thể như sau: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất...

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường khi thu tiền của người học phải trả chứng từ thu kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi, tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Ban đại diện cha mẹ phụ huynh không được đứng ra vận động những khoản thu nào?

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ: "Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác".

Cũng theo Thông tư số 55, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản sau:

"Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường".

Tân sinh viên cần chuẩn bị giấy tờ gì để nộp khi trúng tuyển đại học?Tân sinh viên cần chuẩn bị giấy tờ gì để nộp khi trúng tuyển đại học?

SKĐS - Hiện đã có nhiều trường đại học gọi thí sinh trúng tuyển đến nhập học tại trường song song với việc hoàn thành thủ tục nhập học trực tuyến. Để việc nhập học được suôn sẻ, nhanh chóng, các tân sinh viên cần chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để hoàn tất việc nhập học.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn