Chuẩn bị năm học mới, những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng ‘gánh’?

31-08-2022 09:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Năm học 2022 - 2023 sẽ chính thức bắt đầu trong vài ngày tới nhưng không ít phụ huynh học sinh phải đối diện với những khoản thu "trời ơi" mà các nhà trường tự ý "đẻ" thêm ra.

Sắp vào năm học mới, học sinh lớp 10 vẫn thiếu sách giáo khoa, vì sao?Sắp vào năm học mới, học sinh lớp 10 vẫn thiếu sách giáo khoa, vì sao?

SKĐS - Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là năm học mới 2022-2023 bắt đầu nhưng một số nhà sách đã không còn đủ các loại sách giáo khoa lớp 10, các đầu sách tham khảo cũng bắt đầu khan hiếm.

Phụ huynh toát mồ hôi vì phải "cõng" nhiều khoản phí

Cứ đến đầu năm học mới, ngoài tiền mua sách giáo khoa, đồng phục tới các khoản học phí, tiền ăn, tiền bán trú… cho con thì phụ huynh nhiều nơi còn phải "cõng" thêm các khoản thu như tiền mua máy lọc nước, tiền mua ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ, tiền khóa tủ, tiền rèm cửa, tiền máy chiếu, tiền điều hòa… Cộng tất cả các khoản lại cho mỗi học sinh sẽ là khoản lớn cho phụ huynh.

Như mới đây, báo chí đưa tin, tại Trường THCS thị trấn Núi Đối ở Kiến Thụy, Hải Phòng một phụ huynh phản ánh về khoản thu 2.000.000 đồng không rõ lý do. Trường THCS thị trấn Núi Đối sau đó bị buộc hoàn trả số tiền đã thu cho phụ huynh học sinh, Hiệu trưởng trường này bị phê bình.

Hay tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), báo chí đăng tải thông tin về việc mỗi em học lớp 1C đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi em phải đóng 973.000 đồng. Nhiều phụ huynh đã bức xúc và không đồng tình, cho rằng điều đó trái với quy định.

Chuẩn bị năm học mới: Những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng "gánh"? - Ảnh 2.

Trong nhóm tin nhắn của lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 nhắc nhở phụ huynh đóng góp tiền để mua bàn ghế.

Tuy nhiên, theo giải trình của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Kỳ Trinh, bước vào năm học 2022-2023, thiết bị bàn, ghế và bảng cho 3 lớp thuộc khối 1 của trường vẫn còn thiếu. Vì thế, nhà trường đã vận động xã hội hóa để kêu gọi phụ huynh tài trợ. Nhà trường cho rằng đã thực hiện đúng chủ trương về xã hội hóa cơ sở vật chất. Tuy nhiên, quá trình trao đổi, làm việc với phụ huynh về vận động, một số cán bộ, giáo viên chưa bám sát các quy định hiện hành, gây hiểu nhầm.

Nhà trường được phép thu những khoản nào đầu năm?

Học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương.

Bảo hiểm y tế: Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế (mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng).

Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Theo điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú… thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành.

Học 2 buổi/ngày: Tùy từng tỉnh, thành.

Học phẩm cho học sinh mầm non: Tùy từng tỉnh, thành.

Nước uống học sinh: Tùy từng nơi. Ví dụ hiện tại các trường tại Hà Nội đang được thu tối đa 12.000 đồng/tháng.

Nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh

Theo các chuyên gia giáo dục, đầu năm học phụ huynh cần nắm rõ các quy định các khoản thu trong trường học. Nếu thấy vô lý, dứt khoát từ chối nộp nếu cố tình thu sai phải phản ánh tới các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời ngăn chặn lạm thu.

Chuẩn bị năm học mới: Những khoản thu nào phụ huynh không phải còng lưng "gánh"? - Ảnh 3.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất: "Để dứt điểm lạm thu tiền trường, Bộ GD&ĐT cần có nghiên cứu những khoản gì đã được Nhà nước đầu tư và chưa được đầu tư thì đề xuất Nhà nước tiếp tục đầu tư. Nếu chưa đầu tư được nữa thì lập thành danh mục để xã hội hóa và thực hiện công khai, minh bạch. Trường học nào làm sai thì Hiệu trưởng chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm bằng các biện pháp cụ thể như cách chức, hạ lương...".

Còn theo GS.TS. Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, ngành giáo dục nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. "Phụ huynh hiện đang phải gánh quá nhiều khoản phí, trong đó có SGK giá cao, xây dựng trường lớp, mua điều hoà, máy chiếu, ăn bán trú, đồng phục… Cộng tất cả các khoản lại cho mỗi học sinh sẽ là khoản lớn cho phụ huynh. Với mức lương của cán bộ, công nhân viên chức hiện nay èo uột 5-6 triệu đồng sẽ rất khó gánh các mức chi cho giáo dục".

Trước thềm năm học mới 2022-2023, một số địa phương cũng đã đưa ra yêu cầu liên quan đến các khoản thu, chi đầu năm.

Sở GD&ĐT Quảng Trị yêu cầu, các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu quỹ hội phụ huynh trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp.

Mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trường không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, thay vào đó các em chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, khuyến khích tiết kiệm. Ông Cương cũng chỉ đạo, đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhà trường có thể cung cấp mẫu, kiểu dáng, màu sắc để cha mẹ chủ động mua sắm.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, trong công văn mới đây của Bộ GD&ĐT gửi giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh về việc các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Bộ GD&ĐT yêu cầu không để thiếu sách giáo khoa đầu năm họcBộ GD&ĐT yêu cầu không để thiếu sách giáo khoa đầu năm học

SKĐS - Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.



Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn