Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quý II/2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%; cao đẳng và trung cấp là 30,5%. Trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%; cao đẳng và trung cấp là 33%.
Theo ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, các con số thống kê đều cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.
Ông Linh cho rằng, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt. Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành "quả bom hẹn giờ" tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, và xã hội.
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục phổ thông đã thực hiện các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác hướng nghiệp, phân luồng… đã giúp người học đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực bản thân, từ đó có các quyết định phù hợp trong quá trình học lên cao và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
"Công tác hướng nghiệp càng chất lượng, việc phân luồng sẽ càng hiệu quả, chất lượng hơn. Một giải pháp rất cần thiết để thực hiện thành công hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đó là chúng ta thực hiện xã hội hóa, cung ứng nội dung số hoá, công cụ, phần mềm, chuyên gia, nguồn lực tốt để hỗ trợ giáo viên, nhà trường thực hiện công tác này", ông Bùi Văn Linh chia sẻ.
Liên quan đến công tác hướng nghiệp hiện nay, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực cho biết, trung tâm đang nỗ lực phối hợp các Sở GD&ĐT, các đại học, các chuyên gia trong toàn quốc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo kỹ năng toàn diện, giáo dục hướng nghiệp cho hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trong gần 55.000 cơ sở giáo dục, trong 250 trường đại học… Từ đó để chuẩn bị trước một bước đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở mỗi năm cả nước có từ 250-300 ngàn tân kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học.
Về quy trình định hướng nghề nghiệp, theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, các bạn học sinh, sinh viên cần nắm được 8 bước sau:
Bước 1: Xác định điều muốn làm (thích làm gì, thích điều gì, các giá trị mang lại hạnh phúc).
Bước 2: Xác định những khả năng có thể làm tốt (sức khỏe, tố chất, năng khiếu và các năng lực khác).
Bước 3: Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn (nghề, việc làm; môi trường làm việc; điều kiện làm việc).
Bước 4: Tìm hiểu các tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề (yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng…).
Bước 5: Tìm hiểu những khó khăn phải đối mặt (bản thân, gia đình, cơ hội việc làm).
Bước 6: Đánh giá sự lựa chọn tối ưu (thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, thống nhất nguyện vọng của gia đình và mong muốn của con, thống nhất giữa cơ hội và hoàn cảnh gia đình).
Bước 7: Đăng ký một chương trình giáo dục - đào tạo (xác định bậc đào tạo, uy tín cơ sở đào tạo, các điều kiện, lợi thế của cơ sở đào tạo).
Bước 8: Duy trì tích cực (nỗ lực thực hiện mục tiêu, dành nhiều thời gian cho trả nghiệm nghề và học hỏi người đi trước).