Các khoản thu trong cuộc họp đầu năm học luôn "nóng" nhất
Ở các cuộc họp phụ huynh đầu năm, thông thường phần đầu giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo về tình hình trường lớp, chuyện học tập của các con trong năm học. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ ra ngoài để ban phụ huynh lớp làm việc. Nội dung cuộc làm việc riêng của phụ huynh với nhau thông thường chỉ xoay quanh vấn đề tài chính, cụ thể là đề xuất các khoản thu, trao đổi và thống nhất cao trên tinh thần tự nguyện.
Nhưng liệu có đúng là tự nguyện không khi mà mới đây, tại một trường tiểu học ở Hà Nội, không ít phụ huynh xôn xao bàn tán về một bảng dự kiến thu chi được cho là của ban phụ huynh lớp 1 ở Hà Nội với bảng kê chi tiết, rõ ràng các khoản dự chi trong năm.
Theo đó, có hàng loạt đầu mục mà ban phụ huynh kê ra để kêu gọi đóng góp, như trung thu, tham quan dã ngoại, ngày 20/11, ngày Noel, Tết Nguyên đán, hội chợ, ngày 8/3, chi thường xuyên, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ... Đặc biệt, ở phần dự trù kinh phí khiến một số phụ huynh không khỏi bất ngờ, bởi tổng chi dự kiến của các khoản này là hơn 132 triệu đồng. Con số này là lớn vì lớp có 37 học sinh, tính trung bình mỗi gia đình có con học ở lớp này sẽ gánh 3,5 triệu đồng.
Hay mới đây, một phụ huynh ở Hải Phòng cũng bức xúc chia sẻ việc một trường THPT vận động phụ huynh đóng góp xây… trạm biến áp.
"Nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp bằng vốn xã hội hóa. Cô giáo thì nói là tùy tâm cha mẹ học sinh và không cào bằng số tiền cần đóng, nhưng cô lại đưa ra con số 26 triệu đồng cần phải có đủ cho tổng số 37 em học sinh trong lớp", một phụ huynh cho biết.
Là một phụ huynh có con năm nay bước vào đại học, chị Lưu Linh (Hà Nội) chia sẻ, cách đây 3 năm, khi con chị bắt đầu "chân ướt chân ráo" vào lớp 10, chị Linh được chỉ định làm trưởng ban phụ huynh của lớp. Cứ nghĩ tham gia ban phụ huynh thì sẽ có điều kiện chủ động chăm lo cho các con hơn nhưng chị Linh cho biết: "Khi bước vào trong cuộc mới biết mình chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy chứ không có một cái quyền gì hết. Phụ huynh đóng quỹ để chi hỗ trợ cho các con trong năm học nhưng thực tế thì ¾ nội dung chi là dành cho nhà trường".
Không chỉ tiền xã hội hóa, nhiều khoản thu khác cũng gây bất bình trong dư luận như tiền đồng phục với rất nhiều loại như trang phục đi học mùa hè, mùa đông; đồ thể dục mùa hè mùa đông, áo khoác, tất, áo ghile… phụ huynh sẽ phải chi số tiền không nhỏ.
Nhiều quy định định ngăn chặn lạm thu trong trường học
Trước vấn nạn lạm thu tại nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước hiện nay, nhiều địa phương đã có những chỉ đạo ráo riết, đồng thời nhấn mạnh sẽ "xử lý nghiêm" vi phạm về thu chi.
Từ nhiều năm gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đều nhắc lại yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội quy định có 7 khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, cụ thể: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất...
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi, tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, các cơ sở giáo dục.
Sở GD&ĐT Nam Định vừa có hướng dẫn chi tiết các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022-2023. Ví dụ, tiền nước uống cho học sinh các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX có mức thu tối đa 10.000 đồng/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng/năm học.
Khoản thu dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có mức thu tối đa 18.000 đồng/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng/năm học. Khoản thu trên được dùng để trả cho người lao động thực hiện vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh học sinh; Gồm tiền công thuê người làm vệ sinh, công cụ, dụng cụ lao động, hoá chất…
Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu đối với mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh làm căn cứ triển khai thực hiện. Cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu'' đầu năm học. Phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng nộp của học sinh và cha mẹ học sinh.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng ban hành văn bản hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học này. Văn bản cũng hướng dẫn chi tiết cho từng khoản thu, kể cả thu hộ; quy định mức chi và khấu trừ đối với các khoản. Nếu thủ trưởng các đơn vị tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Nhà văn Hoàng Anh Tú - tác giả những bộ sách nổi tiếng; ông bố của 3 con đang độ tuổi mới lớn, người có hàng trăm bài viết về dạy con trên mạng xã hội thu hút các bậc phụ huynh - chia sẻ: "Thay vì xóa bỏ một tổ chức cần thiết, theo tôi cần đưa các hội phụ huynh hoạt động trở lại đúng chức năng, với sự nỗ lực từ cả hai phía. Nhà trường, các cấp quản lý giáo dục chấm dứt tình trạng "mắt nhắm hờ" trước các khoản thu sai quy định. Và quan trọng hơn hết, là ý thức sử dụng tiếng nói của phụ huynh. Thông tư 55 quy định, cha mẹ học sinh được quyền "từ chối ủng hộ" các khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất. Nhưng nhiều bậc cha mẹ đã lặng lẽ từ bỏ quyền chính đáng này".