'Trai mùng một, gái hôm rằm', có nên sinh con vào dịp Tết?

21-01-2023 08:07 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mới đây, một phụ nữ 39 tuổi (ở Hà Nội) suýt tử vong do tiền sản giật nặng ở tuần thai 37 nhưng quyết không mổ vì... kiêng ngày mùng một. Thực tế, nhiều người vẫn quan niệm tránh sinh con vào ngày Tết, nhất là "trai mùng một, gái hôm rằm" vì khó nuôi, bướng bỉnh! Dưới góc độ y học, bác sĩ nói gì?

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết, thực tế có những sản phụ muốn can thiệp để con chào đời trước Tết. Như chúng ta thấy, ngày Tết, nhịp sinh hoạt nghỉ ngơi, ăn uống đều khác với bình thường, nhiều sản phụ thấp thỏm không biết sinh con vào ngày nào, có đúng ngày dự sinh, sợ đang ăn Tết lại chuyển dạ. Số khác lại lo lắng bác sĩ mình lựa chọn không vào viện hoặc trực đúng ngày mình sinh. Thậm chí, nhiều gia đình kiêng sinh con mùng một vì sợ khó nuôi.

Tuy nhiên, chuyên gia sản khoa cho rằng, sinh con là giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ không thể làm theo mong muốn của gia đình mà phải căn cứ vào tình trạng, sức khỏe thai phụ, sau đó mới cân nhắc đến nguyện vọng gia đình.

Dẫn chứng cho điều này, BS. Nhã cho hay, nếu thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sớm vẫn phải sinh, không vì kiêng mùng một mà dời đến ngày sau. Hay trường hợp mẹ bị nhau tiền đạo, ra máu, tiền sản giật... buộc phải mổ lấy thai ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con.

Người phụ nữ 39 tuổi nói trên đã suýt tử vong do tiền sản giật nặng ở tuần thai 37 nhưng quyết không mổ do kiêng mùng một và "mặc cả" chọn giờ mổ. Kíp cấp cứu đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục. May mắn bé gái chào đời an toàn, sức khỏe người mẹ ổn định.

'Trai mùng một, gái hôm rằm', có nên sinh con vào dịp Tết? - Ảnh 1.

BS. Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện.

Chọn giờ để "ép" đứa trẻ ra đời rất nguy hiểm

BS. Nhã khuyên các mẹ bầu không nên quá mê tín, cứng nhắc bởi việc chọn ngày, chọn giờ để "ép" đứa trẻ ra đời rất nguy hiểm. Thông thường, bác sĩ khuyến cáo sản phụ sinh thường, trường hợp bất khả kháng sẽ được chỉ định sinh mổ. Tuy nhiên, khi thai đủ ngày, đủ tháng, xét nghiệm hoàn toàn khỏe mạnh, bác sĩ trao đổi với gia đình và cân nhắc sinh con theo nguyện vọng.

Gia đình không nên quá lo lắng về ê kíp bác sĩ trực ngày Tết, vì dù đêm giao thừa hay ngày bình thường đều có nhân viên y tế túc trực.

Ngoài ra, mẹ bầu nên suy nghĩ tích cực, thoải mái tâm lý và lên một kế hoạch chuẩn bị chi tiết trước khi chuyển dạ như đồ dùng, người chăm sóc, dinh dưỡng...

Tết ở miền Bắc lạnh, gia đình nên chuẩn bị đồ giữ ấm cho trẻ. Thai phụ hạn chế đi chơi xa hoặc di chuyển chúc Tết quá nhiều.

Ở ngày cuối thai kỳ, mẹ bầu tránh ăn quá nhiều đồ giàu đạm, dầu mỡ, đồ ăn cay nóng; bổ sung thêm nhiều chất xơ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc.

Gia đình và thai phụ cần theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu cần nhập viện, tuyệt đối không kiêng hoặc trì hoãn thời gian, đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi - BS. Nhã tư vấn.

Để giúp bố mẹ có thêm nhiều kiến thức khoa học để đón con yêu khỏe mạnh chào đời, từ ngày 31/1 đến hết ngày 6/2/2023, Bệnh viện Bưu điện tổ chức tuần lễ miễn phí khám, tư vấn 2023 với chủ đề "Xuân mới chào đón con yêu” cho tất cả người bệnh và các cặp vợ chồng mong con có nhu cầu thăm khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Hoạt động này nhằm chia sẻ, hỗ trợ người bệnh hiếm muộn giảm bớt khó khăn, có điều kiện kiểm tra, tầm soát sức khỏe sinh sản miễn phí, có cơ hội đón con yêu khỏe mạnh. Các bác sĩ sẽ miễn phí thăm khám, tư vấn; xét nghiệm máu, xét nghiệm nột tiết, siêu âm đầu dò, xét nghiệm tinh dịch đồ, tầm soát ung thư cổ tử cung, chụp tử cung vòi trứng…

Những thai phụ "tạm hoãn Tết" chờ conNhững thai phụ 'tạm hoãn Tết' chờ con

SKĐS - Những ngày giáp Tết, khi mọi người được quây quần bên gia đình đón Tết đoàn viên thì vẫn có những thai phụ hiếm muộn thấp thỏm chờ ngày sinh phải nán lại xóm nhỏ giữa Thủ đô. Với họ, mùa xuân này chỉ thực sự có ý nghĩa khi đón được con yêu khỏe mạnh chào đời.


Minh Đức
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn