Sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược vẫn 'mẹ tròn con vuông'

22-11-2022 10:14 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược là hình thái lâm sàng nghiêm trọng nhất của rau tiền đạo - bệnh lý Sản khoa cực kỳ nguy hiểm đối với cả mẹ bầu và thai nhi.

Sản phụ N.T.H (27 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) mang thai lần 3 được gia đình đưa vào nhập viện sinh khi thai nhi được 38 tuần 3 ngày. Trước đó, khi ở giai đoạn tháng thứ 7 của thai kỳ, chị H. được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm, theo dõi rau cài răng lược và được các bác sĩ tại bệnh viện tư vấn theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ.

Thời điểm vào viện, người bệnh có tình trạng thiếu máu nhẹ, có tiểu máu vi thể (nghi ngờ rau thai đâm xuyên bàng quang). Sau khi có các kết quả xét nghiệm kết hợp hội chẩn chuyên khoa kỹ lưỡng, chị H. được chỉ định phẫu thuật lấy thai.

BSCKI. Nguyễn Văn Hưng – Trưởng khoa Sản 2 cho biết, đây là một trường hợp phẫu thuật lấy thai được nhận định là khá phức tạp khi sản phụ H. bị tình trạng rau tiền đạo trung tâm cài răng lược mặt sau đoạn dưới tử cung đến sát thanh mạc, cài mặt trước đến thành bàng quang vô cùng nguy hiểm và không có khả năng bóc rau.

Không những vậy sản phụ H. lại từng có tiền sử mổ lấy thai 02 lần trước đó và đây cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ dính và khó khăn cho lần phẫu thuật này.

"Đối với trường hợp này, chúng tôi đã chuẩn bị trước kế hoạch đón em bé, cắt tử cung bán phần mà không bóc rau khỏi vị trí bám, đồng thời dự trù máu đầy đủ để truyền cho sản phụ trong quá trình phẫu thuật" – BSCKI. Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.

photo-1669083493917

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho sản phụ H.

Với việc chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật chu đáo cùng với sự hỗ trợ tốt của ê-kip gây mê hồi sức, ca phẫu thuật có sự tham gia trực tiếp của TS.BS Phạm Thái Hạ - Giám đốc bệnh viện đã thành công tốt đẹp. Bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3,5kg, sau sinh khóc ngay, phản xạ tốt.

Sau khi đón em bé ra ngoài, do tình trạng sản khoa nặng nề không bóc được rau (nếu cố tình bóc rau sản phụ sẽ bị chảy máu dữ dội không cầm được dẫn đến tử vong), các bác sĩ tiếp tục thực hiện cắt tử cung bán phần cho sản phụ. Quá trình phẫu thuật, sản phụ được truyền 750 ml khối hồng cầu và 400ml huyết tương tươi đông lạnh.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình phẫu thuật, BSCKI. Nguyễn Văn Hưng nói: "Thách thức lớn nhất đối với phẫu thuật viên trong trường hợp này là phải làm sao để kiểm soát chảy máu, gỡ dính, tách rời bàng quang khỏi mặt trước tử cung để cắt tử cung bán phần thấp mà không gây chảy máu sau khi lấy thai, không gây tổn thương các cơ quan lân cận. Các thao tác của phẫu thuật viên cần hết sức thận trọng, bởi nếu trong quá trình phẫu thuật mà không có kỹ thuật tốt sẽ gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng của sản phụ".

photo-1669083495786

Bác sĩ thăm khám lại cho sản phụ trước khi xuất viện.

Sau phẫu thuật, sản phụ được đưa về chăm sóc tại Khoa Sản 2 với tình trạng ổn định. Sản phụ tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn cháo bình thường và được điều trị bằng kháng sinh liều cao kết hợp.

Sau 05 ngày được theo dõi tại bệnh viện, sức khỏe chị H. đã ổn định và được xuất viện vào chiều ngày 21/11/2022.

Theo BSCKI. Nguyễn Văn Hưng Rau, tiền đạo trung tâm - rau cài răng lược là tình trạng sản khoa rất nặng nề, thường gặp trong các trường hợp: sinh con nhiều lần, có nạo hút thai (đặc biệt là nạo hút nhiều lần), có khối u chiếm vị trí làm tổ, nhất là có sẹo mổ lấy thai cũ.

Tại bệnh viện, nhiều trường hợp thai phụ bị rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược đã được các bác sĩ phát hiện sớm, hướng dẫn quản lý thai nghén chặt chẽ và phẫu thuật thành công.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thai phụ được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược cần thực hiện khám thai tại bệnh viện chuyên khoa với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, khi sinh con cũng nên đến bệnh viện có khả năng phẫu thuật chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, làm giảm tỷ lệ mất máu nhiều và diễn biến nặng của bệnh.

Bất ngờ phát hiện ung thư cổ tử cung sau khám sức khỏe định kỳBất ngờ phát hiện ung thư cổ tử cung sau khám sức khỏe định kỳ

SKĐS - Chị N.T.H (41 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) rất ít khi đi khám định kỳ nhưng mới đây, kết quả khám khiến chị sững sờ vì mắc ung thư cổ tử cung mà không có dấu hiệu gì.


Hà Nguyệt
Ý kiến của bạn