1. Khi nào nên đi khám vô sinh hiếm muộn?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể cản trở quá trình tinh trùng của nam giới di chuyển vào sâu trong âm đạo của nữ giới đến nơi trứng rụng để thụ tinh dẫn đến không thể mang thai như: tinh trùng yếu, khuyết tật, trứng không rụng hoặc rụng không đúng thời điểm và vị trí, cấu trúc cơ quan sinh dục của cả nam và nữ giới đều có những bất thường…
Vì vậy, nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn có thể đến từ cả nam giới và nữ giới. Chính vì vậy, sau khi kết hôn đã lâu mà chưa thể mang thai, cần nghĩ đến tình trạng vô sinh hiếm muộn và nhanh chóng đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Vậy thời điểm nào nên đi khám vô sinh hiếm muộn?
Các cặp vợ chồng sau kết hôn từ 6 tháng đến 12 tháng, quan hệ tình dục đều đặn, bình thường và không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con thì nên đi khám vô sinh. Đặc biệt, với những trường hợp chị em phụ nữ bắt đầu suy giảm khả năng sinh sản (trên 35 tuổi) hoặc nam giới (trên 45 tuổi) thì nên chủ động đi khám sớm sau khi kết hôn khoảng 6 tháng tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Nữ giới có tiền sử sảy thai từ 2 lần trở lên hoặc mắc các bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang; Phụ nữ có các dấu hiệu của vô sinh như kinh nguyệt bất thường, ra khí hư bất thường, đau tức mỗi khi quan hệ tình dục, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai... cũng nên chủ động đi khám vô sinh hiếm muộn sớm.
2. Quy trình khám vô sinh hiếm muộn
Quy trình khám vô sinh hiếm muộn thường bao gồm 4 bước:
Bước 1: Bác sĩ hỏi bệnh và tiền sử bệnh lý của cả vợ và chồng, đồng thời tiến hành khám phụ khoa và nam khoa cho hai vợ chồng.
Đây là giai đoạn tìm hiểu để bác sĩ có thể dễ dàng xác định được những căn nguyên gây nên bệnh vô sinh hiếm muộn của các cặp vợ chồng.
Bước 2: Căn cứ vào kết quả thăm khám, bệnh nhân sẽ được bác sĩ quyết định cho đi làm những loại xét nghiệm nào (bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm, làm tinh dịch đồ, chụp HSG nếu có nghi ngờ tổn thương tử cung - vòi trứng, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục của cả nam và nữ, xét nghiệm nội tiết...).
Bước 3: Sau khi có kết quả thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ đọc kết quả từ đó tư vấn hướng điều trị tiếp theo cho các cặp vợ chồng.
Bước 4: Bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị và hẹn tái khám tùy thuộc từng nguyên nhân cụ thể của các cặp vợ chồng.
3. Khám vô sinh hiếm muộn mất bao nhiêu thời gian?
Bên cạnh vấn đề kinh phí thì thời gian cũng là điều mà các cặp vợ chồng cần cân nhắc trước khi đi khám vô sinh hiếm muộn bởi sẽ tốn khá nhiều thời gian.
Đối với người vợ: Do cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm trong chu kỳ kinh nên sẽ tốn nhiều thời gian đi lại hơn.
Đối với người chồng: Xét nghiệm tinh dịch đồ được tiến hành sau khi kiêng xuất tinh từ 2-7 ngày. Nếu có vấn đề bất thường thì cũng sẽ cần khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu khác.
4. Cần lưu ý gì khi đi khám?
Để kết quả khám được chính xác nhất, cần lưu ý:
Đối với người vợ: Đi khám sau sạch kinh 3-5 ngày, không quan hệ vợ chồng. Xét nghiệm nội tiết tố được làm vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ kinh.
Đối với người chồng: Để kết quả xét nghiệm tinh dịch được chính xác thì cần tránh xuất tinh từ 2-7 ngày trước ngày đi khám vô sinh hiếm muộn.
Quy trình khám vô sinh hiếm muộn cần có sự kiên trì và bền bỉ, đòi hỏi rất nhiều thời gian và thậm chí là kinh phí. Do vậy, các cặp vợ chồng cần lên kế hoạch cụ thể rõ ràng trước khi đi khám vô sinh hiếm muộn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hình ảnh tinh trùng ít và yếu