Bệnh tĩnh mạch mạn tính chiếm 25 – 33% ở phụ nữ và 10 – 20% ở nam giới, tỷ lệ bệnh tăng dần theo tuổi. Theo nghiên cứu Framingham, tần suất suy tĩnh mạch là 2,6%/năm với phụ nữ và 1,9%/năm với nam giới (tỷ lệ nữ/nam là 2/1).
Ai có nguy cơ mắc bệnh tĩnh mạch chi dưới?
- Người cao tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc tĩnh mạch chi dưới càng lớn.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người làm việc dưới môi trường có nhiệt độ cao, tiếp xúc nhiều với ảnh nắng.
- Phụ nữ có thai.
- Người ăn uống không khoa học, ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ăn nhanh.
- Người làm việc trong môi trường đứng nhiều hoặc ngồi nhiều đều có nguy cơ: giáo viên, thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng...
Nguyên nhân gây tĩnh mạch chi dưới
Nguyên nhân gây tĩnh mạch chi dưới được chia theo 2 nhóm thứ phát và nguyên phát:
- Tiên phát (hay vô căn): Suy van tĩnh mạch nông hoặc tĩnh mạch xuyên, với dòng trào ngược bệnh lý. Hiếm gặp suy tĩnh mạch sâu tiên phát, có thể do bất thường về mặt giải phẫu của hệ thống van tĩnh mạch sâu hoặc do giãn vòng van.
- Thứ phát (hay mắc phải): Bệnh lý tĩnh mạch hậu huyết khối, do huyết khối tĩnh mạch sâu phá hủy các van tĩnh mạch dẫn đến dòng trào ngược bệnh lý.
Dấu hiệu mắc tĩnh mạch chi dưới
Các bác sĩ sẽ thông qua các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán người bị tĩnh mạch chi dưới.
Biểu hiện lâm sàng của tĩnh mạch chi dưới
Người bị tĩnh mạch chi dưới có thể cảm thấy: Đau, tức nặng, cảm giác bứt rứt, chuột rút (thường về đêm), dị cảm chi dưới, phù chi dưới, tăng lên vào cuối ngày (sau đứng lâu, ngồi bất động), giảm khi gác cao chân .
Dấu hiệu nhận biết chính của tĩnh mạch chi dưới là: Giãn tĩnh mạch mạng nhện, dạng lưới, búi giãn tĩnh mạch nông mặt trong đùi cẳng chân (thuộc tĩnh mạch hiển lớn), mặt sau cẳng chân (thuộc tĩnh mạch hiển nhỏ), vùng bụng hoặc tiểu khung (ngoài hệ tĩnh mạch hiển, thường gặp ở hội chứng hậu huyết khối).
Biểu hiện cận lâm sàng
- Siêu âm Doppler hệ tĩnh mạch chi dưới:
- Khảo sát các tĩnh mạch sâu, tìm huyết khối tĩnh mạch và/hoặc suy van tĩnh mạch (dòng trào ngược bệnh lý > 1000 ms).
- Khảo sát các tĩnh mạch nông, đặc biệt chú ý tới sự thay đổi về giải phẫu hệ tĩnh mạch, tìm dòng trào ngược bệnh lý (> 500 ms).
- Vẽ sơ đồ hệ tĩnh mạch nông chi dưới, đánh dấu các vị trí tĩnh mạch xuyên bị suy để định hướng cho các phẫu thuật viên mạch máu.
- Đo biến thiên thể tích tĩnh mạch (photoplethysmography: PP G ): Dựa vào cảm biến quang học, cung cấp các thông số định lượng về chức năng tĩnh mạch.
- Chụp tĩnh mạch cản quang: Chỉ định trong chẩn đoán tắc/hẹp tĩnh mạch chậu, dị dạng mạch máu bẩm sinh, suy tĩnh mạch chi dưới tái phát, hoặc hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch.
- Chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp dựng hình tĩnh mạch: Độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán bệnh lý tĩnh mạch vùng tiểu khung (tắc/hẹp tĩnh mạch tầng chậu hậu huyết khối, suy tĩnh mạch tiểu khung, chèn ép tĩnh mạch trong Hội chứng Nutcracker hoặc May - Thurner).
- Siêu âm trong lòng mạch (IVUS): Đánh giá sự tắc nghẽn và chèn ép tĩnh mạch tầng chậu - chủ dưới, dẫn đường cho can thiệp nong, đặt stent tĩnh mạch.
Tĩnh mạch chi dưới có mấy loại? Tĩnh mạch chi dưới được phân loại CEAP (C: Clinical, E: Etiologic, A: Anatomic, P:Pathophysiologic classification) dựa trên đặc điểm lâm sàng, nguyên nhân, đặc điểm giải phẫu và sinh lý bệnh học. Lâm sàng chia làm các mức độ từ C0 đến C6:
- C0 : Không có dấu hiệu của bệnh tĩnh mạch thấy được hay sờ được ( C0a : Không triệu chứng; C0s : Có triệu chứng của bệnh tĩnh mạch mạn tính).
- C1 : Giãn tĩnh mạch mạng nhện (đường kính < 1 mm ), dạng lưới (1 - 3 mm).
- C2: Giãn tĩnh mạch nông (>3 mm) cẳng chân và/hoặc trên đùi
- C3 : Phù chi dưới, chưa có biến đổi trên da.
- C4 : Biến đổi da do bệnh lý tĩnh mạch. (C4a : Rối loạn sắc tố da và/ hoặc chàm tĩnh mạch; C4b : Xơ mỡ da và/ hoặc teo trắng kiểu Milian).
- C5 : Các rối loạn ở da với di chứng loét đã liền sẹo
- C6: Các rối loạn ở da với loét đang tiến triển
Bệnh tĩnh mạch chi dưới có nguy hiểm không?
Tĩnh mạch chi dưới có thể gây ra các biến chứng cấp tính và mạn tính cho người bệnh.
Biến chứng cấp tính
- Chảy máu, rách tĩnh mạch do chấn thương.
- Huyết khối: Huyết khối trong búi giãn tĩnh mạch. Trên lâm sàng sờ thấy tĩnh mạch nổi thành sợi đỏ, cứng và đau.
Biến chứng mạn tính
- Chủ yếu là các biến chứng ngoài da do ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch kéo dài.
- Viêm da sắc tố: Màu nâu đỏ, thường ở quanh mắt cá.
- Teo da trắng Milian (hay viêm teo da): Những mảng trắng như ngà, nhẵn, dẹt, bao quanh là đám rối loạn sắc tố hoặc giãn tĩnh mạch rất nông.
- Chàm hóa tĩnh mạch.
- Loét tĩnh mạch.
- Ung thư hóa: Hiếm gặp, phải chẩn đoán xác định bằng sinh thiết tại vị trí ổ loét.
Điều trị tĩnh mạch chi dưới bằng cách nào?
Để điều trị tĩnh mạch chi dưới, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của từng người. Các phương pháp điều trị bao gồm: điều trị dự phòng, điều trị nội khoa, can thiệp nội tĩnh mạch, điều trị ngoại khoa và điều trị biến chứng.
- Điều trị dự phòng: Người bệnh sẽ được tăng cường sử dụng chức năng bơm của cơ. Tránh đứng bất động trong thời gian dài, tư thế ngồi bắt chéo chân. Khuyến khích hoạt động thể chất phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho hồi lưu tĩnh mạch bằng cách nâng cao phía cuối giường ngủ khoảng 10 cm, các bài tập vận động... Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, giảm cân nặng, ăn tăng cường chất xơ tránh táo bón.
- Điều trị nội khoa bằng các phương pháp như dùng thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch, tất áp lực.
- Can thiệp nội tĩnh mạch: Tiêm xơ dưới hướng dẫn siêu âm và can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch.
- Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật stripping, phẫu thuật CHIVA, phẫu thuật Muller.
- Điều trị biến chứng bao gồm:
- Điều trị loét do nguyên nhân tĩnh mạch: Chăm sóc tại chỗ, băng ép, ghép da. Điều trị bội nhiễm: Kháng sinh (tập trung vào nhóm liên cầu và tụ cầu vàng).
- Điều trị huyết khối tĩnh mạch nông: Chống viêm, băng ép.
- Điều trị thuốc chống đông khi huyết khối ở vị trí quai tĩnh mạch hiển, có nguy cơ lan vào tĩnh mạch sâu, hoặc điều trị dự phòng nếu bệnh nhân phải nằm lâu.
Xem thêm video được quan tâm:
Người phụ nữ suy giãn tĩnh mạch lầm tưởng mình bị thiếu canxi | SKĐS