1. Biểu hiện của bệnh Suy tĩnh mạch nông chi dưới
Suy tĩnh mạch nông chi dưới thường xảy ra ở độ tuổi ngoài 30; thường gặp hơn ở người làm công việc ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động, phụ nữ mang thai, béo phì… 80% bệnh nhân suy tĩnh mạch nông chi dưới có yếu tố gia đình (bố hoặc mẹ mắc bệnh), nữ gặp nhiều hơn nam. Đây là tình trạng tĩnh mạch giãn to dài ra, dẫn đến các dòng máu trào ngược trong lòng tĩnh mạch.
Trong lòng tĩnh mạch có các van một chiều, giúp máu chảy theo chiều từ dưới lên trên, từ nông vào sâu và không cho máu chảy ngược lại. Khi các van này bị suy yếu, dòng máu sẽ bị trào ngược và ứ đọng ở phần thấp hơn của chân, gây nặng, tê/phù và giãn tĩnh mạch nông chi dưới.
Các biểu hiện:
- Đau tức 1 hoặc cả 2 chân.
- Nặng chân sau khi nằm/đứng/ngồi lâu, tình trạng này sẽ giảm hoặc hết khi di chuyển.
- Có thể nhìn thấy các đường tĩnh mạch nổi lên dưới da ngoằn ngoèo.
- Có thể thấy những đám xuất huyết hoặc những vết loét do tĩnh mạch bị nứt, vỡ.
- Sờ thấy tĩnh mạch nổi gồ lên dưới da…
Tùy theo giai đoạn bệnh mà các triệu chứng khác nhau:
-Giai đoạn sớm: Chỉ có dấu hiệu nặng chân, đau nhức mỏi, hay bị chuột rút, chân dễ bị tê phù…
-Giai đoạn tiến triển: Các biểu hiện này nặng hơn, đặc biệt là vào buổi chiều bệnh nhân có thể cảm thấy rất đau chân, chân sưng phù ở vùng mắt cá, bàn chân.
- Giai đoạn nặng: Toàn bộ tĩnh mạch giãn to, gây ứ trệ tuần hoàn, gây rối loạn dinh dưỡng da, gây viêm loét, nhiễm trùng… Nguy hiểm hơn, giai đoạn này có thể xuất hiện các cục máu đông trong tĩnh mạch, gây tắc mạch phổi dẫn đến tử vong nhanh.
Do đó, khi mới xuất hiện các dấu hiệu của suy tĩnh mạch chi dưới nhẹ, người bệnh cần đến chuyên khoa tim mạch để được khám và điều trị sớm.
2. Các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới
Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới không quá khó khăn.
Để điều trị hiệu quả, cần phát hiện sớm, kết hợp đa mô thức:
- Thay đổi lối sống
- Sử dụng tất áp lực
- Sử dụng thuốc.
Khi tình trạng nặng hơn, bệnh nhân sẽ phải can thiệp, phẫu thuật. Việc điều trị sớm và đúng sẽ làm tăng chất lượng cuộc sống, giảm chi phí điều trị và làm giảm các biến chứng nguy hiểm (loét hoại tử chi, huyết khối tĩnh mạch gây tắc mạch phổi…).
2.1. Các thuốc điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới
Hiện nay, các thuốc đặc hiệu điều trị suy tĩnh mạch có rất ít và hiệu quả không cao (nghĩa là thuốc không chữa dứt điểm được bệnh).
Việc dùng thuốc chủ yếu là các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch để giúp lưu thông dòng máu tốt hơn. Để duy trì tối đa hiệu quả của thuốc, điều trị phải chia làm nhiều đợt, lâu dài. Bệnh nhân cần kiên trì uống thuốc tối thiểu là 6 tháng.
Bệnh nhân suy van tĩnh mạch mạn tính có thể được chỉ định thuốc trợ tĩnh mạch nhằm cải thiện triệu chứng, giảm viêm, giảm phù.
Thuốc thường được dùng là daflon. Nếu bệnh nhân bị loét tĩnh mạch lớn, kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định flavonoid hoặc pentoxifilline phối hợp với điều trị áp lực. Các thuốc diosmin hoặc hesperidin có thể dùng điều trị tình trạng chuột rút và phù…
Tùy theo từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể kê thêm một số các loại thuốc: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống đông…
2.2 Phương pháp tiêm xơ
Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ tiêm một chất gây xơ vào tĩnh mạch nông chi dưới. Chất này sẽ làm tổn thương nội mạc tĩnh mạch và thành phần lân cận của lớp trung mạc, dẫn đến hình thành huyết khối, gây tắc lòng tĩnh mạch bị suy, làm máu không bị ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy giãn đó nữa.
Tiêm xơ được chỉ định trong các trường hợp giãn tĩnh mạch mạng nhện. Tình trạng tĩnh mạch giãn nhẹ, giãn không quá 1cm (tốt nhất dưới 3mm).
Phương pháp này có giá thành rẻ, không gây đau đớn và bệnh nhân được xuất viện ngay. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát do tái thông dòng máu, đặc biệt là ở những tĩnh mạch có kích thước lớn hơn 3mm.
Ngoài ra còn có thể gặp phải một số biến chứng nếu kỹ thuật tiêm không bảo đảm: Tiêm vào động mạch, gây tắc động mạch cấp, có nguy cơ phải cắt cụt chi; máu tụ tại vị trí tiêm xơ; viêm tĩnh mạch hay quanh tĩnh mạch do tiêm quá nhiều chất gây xơ, đám rối loạn sắc tố da, viêm mô dưới da, hoại tử da…
2.3. Phương pháp phẫu thuật
Phương pháp này được chỉ định cho trường hợp bị suy giãn nặng, đường kính tĩnh mạch lớn hoặc đã có biến chứng, không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lột bỏ toàn bộ thân tĩnh mạch và các nhánh bên. Phương pháp này khá hiệu quả, tỷ lệ tái phát bệnh thấp nhưng hiện nay ít được sử dụng do phải gây tê, gây mê, thời gian nằm viện và phục hồi sau mổ lâu.
Phương pháp này cũng có khá nhiều biến chứng: Tụ máu vùng đùi hoặc dọc theo đường đi của tĩnh mạch được lấy bỏ; dị cảm chi dưới do tổn thương thần kinh; huyết khối tĩnh mạch; tái phát suy và giãn tĩnh mạch bên, bàng hệ.
2.3 Phương pháp can thiệp nội mạch
Bác sĩ sẽ sử dụng nhiệt bằng sóng cao tần hoặc tia laser để phá hủy tĩnh mạch, gây tắc tĩnh mạch. Từ đó loại bỏ dòng trào ngược tại tĩnh mạch bị suy, hết ứ trệ tại tĩnh mạch.
Biện pháp này được áp dụng cho các bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chi dưới độ 2 trở lên hoặc bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả…
Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn, ít gây đau đớn, không phải gây tê hay gây mê. Bệnh nhân có thể đi lại ngay sau can thiệp và xuất viện ngay trong ngày.
Ngoài các phương pháp kinh điển trên, hiện nay người ta đã áp dụng một số phương pháp mới, hiện đại hơn, thủ thuật nhanh ít xâm lấn, đảm bảo thẩm mỹ, nhưng giá thành cao và chưa được kiểm chứng lâu dài về các tác dụng phụ.
- Sử dụng hiệu ứng nhiệt để làm mờ các tĩnh mạch nông trên da: Được chỉ định giãn tĩnh mạch mạng nhện hoặc dạng lưới trên da.
- Can thiệp nội mạch dùng keo sinh học, cơ hoá học.
Để việc điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần phối hợp các biện pháp thay đổi lối sống, luyện tập, chế độ dinh dưỡng, tư thế làm việc:
- Tập các bài vận động để tăng cường sử dụng chức năng bơm máu của hệ thống cơ chi dưới. Tránh đứng bất động trong thời gian dài; tránh tư thế ngồi bắt chéo chân, hoặc tình trạng tĩnh quá lâu; dành thời gian đi bộ, chạy bộ, đạp xe mỗi ngày.
- Khi nằm nâng cao phía cuối giường ngủ khoảng 10cm; kê cao 2 chân; tập vận động chân giống như đạp xe trong không khí trước khi ngủ.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao; không ngâm chân với nước ấm ở những bệnh nhân đã có suy van tĩnh mạch.
- Chế độ ăn giảm chất béo, tăng cường chất xơ, tránh tình trạng táo bón; kiểm soát cân nặng.
- Tránh mặc quần áo quá chật, không đi giày cao gót thường xuyên.
Mời độc giả xem thêm video:
7 lợi ích của vitamin C