Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhi 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng co giật.
Qua khai thác bệnh sử được biết, trước đó 2 tuần cháu bé bị sốt, gia đình cho cháu uống loại bột do hàng xóm đưa. Cách thời điểm nhập viện 1 tuần, cháu bị nhiệt miệng, người thân tiếp tục cho cháu bé uống loại bột trên và rơ miệng.
Được biết, loại bột này hàng do xóm mua ở chợ, với lời giới thiệu là thuốc "gia truyền". Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc chì do sử dụng loại bột có tên "thuốc cam".
Theo bác sĩ Hân, ngộ độc chì do thuốc cam từng xuất hiện nhiều ở miền Bắc. Đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện và chẩn đoán tại bệnh viện, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cháu bé được chuyển lên tuyến trên. Với tình trạng của cháu bé, nguy cơ mắc các di chứng thần kinh rất cao (bại não do chất độc thấm vào não).
"Mẹ cháu bé thông tin ở trong làng trẻ con đau gì cũng được gia đình ra chợ mua thuốc cam vì tin rằng đó là thuốc đông y, thuốc gia truyền nên vô hại. Thậm chí các cháu không bị bệnh cũng được uống để cho khỏe mạnh, ăn ngon chóng lớn. Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm", bác sĩ Hân thông tin.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 53 tuổi, trú tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng 2 chân yếu, nằm liệt giường, tiểu tiện không tự chủ, vùng gan 2 bàn chân bị bỏng, loét.
Khai thác bệnh sử được biết, trước khi nhập viện 6 tháng, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhẹ. Sau khi dùng thuốc không đỡ, bệnh nhân được bạn bè tư vấn chườm lá (không rõ loại).
Sau khi thực hiện phương pháp chườm lá một thời gian, các triệu chứng đau nhức được cải thiện rồi lại tái phát sau đó không lâu. Ngoài các cơn đau, nữ bệnh nhân còn bị đau tê vùng hông xuống 2 chân, 2 chân yếu dần, đi lại khó, tiểu không tự chủ.
Người thân bệnh nhân tiếp tục mua thêm thuốc để người này uống, đồng thời người nhà cho bệnh nhân hơ chân trên lửa để tăng cảm giác theo sự hướng dẫn của người bán thuốc. Kết quả, tình trạng bệnh không đỡ mà ngày càng nặng thêm, nên người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện khối u tủy ngực chèn ép ống sống bệnh nhân. Người bệnh được chỉ định mổ bóc u tủy vi phẫu và phục hồi tốt sau đó.
Trước đó, bệnh nhân T.V.L. (81 tuổi) trú huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng bàn chân trái và nhiều vùng trên cơ thể, chảy dịch mủ hôi, mặt phù nề, suy gan, suy thận...
Theo người nhà bệnh nhân, để giảm nhanh các triệu chứng đau, sưng, viêm của bệnh gout, người này thường mua thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự điều trị. Sau thời gian khá dài, tình trạng nhiễm trùng và các thương tổn ngày càng chuyển biến nặng.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị biến chứng do lạm dụng thuốc có chứa corticoid. Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ tổ chức hoại tử, điều trị tích cực, sử dụng kháng sinh liều cao, nâng cao thể trạng.
Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, qua giai đoạn nguy kịch.
BS. Trần Thị Lệ Hồng, Trưởng Khoa Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, trong dân gian có nhiều loại thuốc, bài thuốc hay, trị nhiều bệnh. Nhưng một số trường hợp dùng thuốc sai bệnh, quá liều lượng dẫn đến các biến chứng.
"Nếu không được người có chuyên môn đánh giá bệnh để kê thuốc phù hợp, người bệnh quá lạm dụng thuốc hay sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần sẽ rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, mắc nhiều di chứng do sử dụng sai thuốc, sai phương pháp", bác sĩ Hồng chia sẻ.
Cùng với đó, một số loại thuốc không rõ nguồn gốc ở dạng các chế phẩm như nước, viên hoàn, bột... thường được trộn thêm một số thuốc tây y. Với những loại thuốc này, việc làm giảm triệu chứng của các bệnh thường rất nhanh nhưng có tác động xấu đến nhiều bộ phận, có thể để lại di chứng cho người bệnh.
"Một số trường hợp đau xương khớp, thần kinh... sử dụng thuốc 1 đến 2 ngày là thấy hiệu quả rồi nhưng sau đó thì gặp biến chứng, sốc phản vệ phải nhập viện", bác sĩ Hồng cho biết.
Bác sĩ Hồng khuyến cáo, người dân cần tránh việc tự ý sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh. Khi có bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được đánh giá đúng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.