Thuốc điều trị tăng huyết áp thai kỳ

07-06-2024 16:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong cho mẹ và thai nhi. Việc dùng thuốc đúng cách sẽ giúp an toàn cho cả người mẹ và thai nhi.

Tiền sản giật - Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp thai kỳ không nên chủ quanTiền sản giật - Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp thai kỳ không nên chủ quan

SKĐS - Hầu hết những người bị tiền sản giật đều sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cả mẹ và con.

1. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ bằng thuốc

Tăng huyết áp thai kỳ là sự phát triển của tăng huyết áp trong hoặc sau tuần thứ 20 của thai kỳ mà không có các đặc điểm khác của tiền sản giật.

Cần theo dõi huyết áp thường xuyên để đảm bảo huyết áp duy trì ở mức 110-140/80-90 mmHg. Cần đánh giá thường xuyên các dấu hiệu của tiền sản giật và theo dõi chặt chẽ sự phát triển cũng như sức khỏe của thai nhi.

Khi huyết áp được kiểm soát, tăng huyết áp thai kỳ có thể tiếp tục được khống chế bằng cách chăm sóc ngoại trú, dưới sự theo dõi chặt chẽ và thường xuyên.

Điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ phụ thuộc vào huyết áp, tuổi thai và sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ liên quan đến mẹ và thai. Các thuốc thường dùng để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp thai kỳ bao gồm:

Thuốc điều trị tăng huyết áp thai kỳ- Ảnh 2.

Tăng huyết áp thai kỳ cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

1.1. Methyldopa

Tác dụng: Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương và không tác động tiêu cực lên sự phân bố mạch máu tử cung - nhau thai và phôi thai. Methyldopa đã được chứng minh an toàn để ngăn ngừa các biến chứng do tăng huyết áp trong thai kỳ và tình trạng tiền sản giật.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây khô miệng, buồn ngủ, chóng mặt và rối loạn chức năng gan.

1.2. Labetalol

Tác dụng: Labetalol làm giảm huyết áp bằng cách chẹn các thụ thể alpha adrenergic động mạch ngoại vi, do đó làm giảm sức cản ngoại vi và bằng cách chẹn thụ thể beta đồng thời, bảo vệ tim khỏi phản xạ truyền động giao cảm. Đây là loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai.

Tác dụng phụ: Tác dụng phụ của thuốc bao gồm nhịp tim chậm, co thắt phế quản, nhức đầu…

1.3. Hydralazin

Tác dụng: Là thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi, có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở những thai phụ bị tăng huyết áp nặng và tiền sản giật. Thuốc thường được dùng dưới dạng tiêm qua đường tĩnh mạch.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp: Đỏ mặt, nhức đầu, hội chứng giống Lupus.

Điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ phụ thuộc vào huyết áp, tuổi thai và sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ liên quan đến mẹ và thai.

1.4. Aspirin

Tác dụng: Aspirin liều thấp hàng ngày thường được khuyến cáo để giảm nguy cơ tiền sản giật ở những người có nguy cơ cao. Các nghiên cứu đã phát hiện ra aspirin an toàn trong thai kì, bắt đầu ở giai đoạn sau 3 tháng đầu thai kì.

Lưu ý: Aspirin có thể gây tương tác với một số thuốc và tăng nguy cơ chảy máu kéo dài, do đó cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng.

Chống chỉ định dùng aspirin cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với aspirin, quá mẫn với các salicylat khác và NSAIDs, bệnh nhân bị hen phế quản có tiền sử co thắt phế quản cấp do aspirin, xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày, rối loạn chức năng gan nặng...

Bên cạnh đó, người bệnh cần khám thường xuyên để được phát hiện những bất thường có thể xảy ra.

2. Lưu ý khi dùng thuốc

Để dùng thuốc an toàn, hiệu quả, mẹ bầu cần lưu ý:

- Khám thai định kỳ.

- Chỉ uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả các thuốc không kê đơn.

- Tuân thủ hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Không ngừng dùng hoặc tự ý thay đổi liều lượng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Khi có các dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay để được xử lý kịp thời, tránh biến chứng.

Huyết áp trong thai kỳ có thể được kiểm soát nhờ chế độ ăn và thay đổi lối sống:

- Nghỉ ngơi đầy đủ.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích.

- Tập thể dục phù hợp: Đi bộ, tập yoga ..

Xem thêm video đang được quan tâm:

Giảm cơn tăng huyết áp với những cách làm đơn giản.


DS. Hoàng Vân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn