Tuy nhiên, tỷ lệ những biến chứng nguy hiểm sẽ giảm xuống đáng kể nếu người mẹ được dùng thuốc đúng cách trước và trong thai kỳ.
Phân loại THA ở phụ nữ mang thai
THA trong thai kỳ được chia làm ba loại: THA mạn tính, THA thai kỳ và tiền sản giật.
Tỷ lệ THA mạn tính ở phụ nữ có thai dao động từ 1% đến 5%. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ béo phì và phụ nữ da màu. Chẩn đoán THA mạn tính dựa trên tiền sử THA trước khi mang thai hoặc trước khi thai được 20 tuần tuổi. Phụ nữ mang thai bị THA mạn tính có nguy cơ gia tăng tiền sản giật và tỷ lệ tử vong chu sinh. Khả năng rủi ro xảy ra đặc biệt cao với những người có bệnh sử tim mạch hoặc thận.
THA thai kỳ là tăng huyết áp biểu hiện ở sau tuần thứ 20 của thai kỳ và không kèm theo các triệu chứng khác của tiền sản giật. Ở một số phụ nữ, THA thai kỳ có thể là biểu hiện sớm của tiền sản giật, trong khi ở một số người khác, đó có thể là dấu hiệu của chứng THA mạn tính chưa được chẩn đoán.
Tiền sản giật là tình trạng THA kết hợp với tăng acid uric máu hoặc protein niệu và được phân loại chủ yếu dựa trên mức độ tăng huyết áp, mức độ protein niệu, hoặc cả hai. Nếu không được kịp thời điều trị, tiền sản giật có thể khiến mẹ bị co giật, phù phổi, suy thận cấp, vỡ gan và tử vong.
Dùng thuốc chữa tăng huyết áp thai kỳ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc điều trị THA được khuyến cáo dùng cho phụ nữ mang thai
Điều trị THA cho phụ nữ mang thai giúp giảm tỷ lệ tiền sản giật, sinh non, tử vong chu sinh, đồng thời góp phần ngăn ngừa các biến chứng mạch máu não, tim và thận ở mẹ. Những thuốc được khuyến cáo dùng cho phụ nữ mang thai bị THA bao gồm:
Thuốc chủ vận α2-adrenergic trung ương
Methyldopa kích thích các thụ thể alpha adrenergic dẫn đến giảm trương lực giao cảm và giảm huyết áp thông qua cơ chế trung ương mà không gây giảm cung lượng tim. Đây là lựa chọn đầu tay trong điều trị cho phụ nữ mang thai bị THA mạn tính. Các tác dụng không mong muốn của methyldopa bao gồm mệt mỏi, trầm cảm, ngủ kém và giảm tiết nước bọt. Bởi vậy, methyldopa nên tránh dùng ở phụ nữ có tiền sử trầm cảm, vì có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, có thể dùng clonidine (một chất chủ vận adrenergic có tác dụng trung ương tương tự như methyldopa về tính an toàn và hiệu quả điều trị).
Thuốc chẹn kênh calci
Nifedipine và verapamil là thuốc được lựa chọn hàng hai để điều trị THA thai kỳ. Thuốc chẹn kênh calci ức chế sự xâm nhập của các ion calci vào tế bào cơ trơn mạch máu, dẫn đến giãn động mạch và hạ huyết áp. Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, phù ngoại biên, nhức đầu và đỏ bừng mặt là những tác dụng không mong muốn của việc sử dụng chẹn kênh calci ở thai phụ.
Thuốc chẹn adrenergic ngoại vi
Labetalol là thuốc chẹn thụ thể thụ thể α-1 ở mạch máu được sử dụng rộng rãi trong thai kỳ vì hiệu quả điều trị và khả năng dung nạp tốt so với hydralazine. Tác dụng không mong muốn đã được báo cáo bao gồm mệt mỏi, thờ ơ, rối loạn giấc ngủ và co thắt phế quản.
Thuốc lợi tiểu
Việc sử dụng liệu pháp lợi tiểu trong khi mang thai cần thận trọng do có thể làm giảm thể tích tuần hoàn. Với người đang được điều trị duy trì bằng thuốc lợi tiểu trước khi mang thai có thể tiếp tục được sử dụng, trừ khi có các dấu hiệu tiền sản giật, chẳng hạn như protein niệu.
Một số lưu ý giúp kiểm soát tốt huyết áp và các biến chứng
Phụ nữ đang điều trị THA cần tham vấn bác sĩ trước khi mang thai để lựa chọn loại thuốc phù hợp cho thai kỳ. Trong giai đoạn thai kỳ, bà mẹ nên duy trì lối sống năng động và chế độ dinh dưỡng lành mạnh góp phần giảm thiểu nguy cơ biến chứng vì thừa hay thiếu cân khi mang thai đều là nguy cơ gây THA. Mỗi lần đi khám thai, bà mẹ cần được đo huyết áp để theo dõi chặt chẽ trong suốt giai đoạn mang thai để có những điều chỉnh về thuốc điều trị và can thiệp kịp thời khi có biến chứng. Trường hợp tiền sản giật chuyển biến phức tạp, thai phụ cần nhanh chóng nhập viện để đảm bảo sự an toàn cho mẹ và bé.