Thuốc điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em

13-08-2024 16:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh thấp tim là một bệnh nguy hiểm do các biến chứng và các di chứng lâu dài có thể xảy ra cho người bệnh. Do đó, ngay sau khi được chẩn đoán xác định bệnh, trẻ phải được theo dõi và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch trẻ em.

1. Danh mục thuốc điều trị thấp tim ở trẻ em

Khi trẻ bị mắc bệnh thấp tim cần phải được bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị tại bệnh viện, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên đặc điểm chung của tất cả các phương pháp điều trị đều tập trung vào mục đích chống nhiễm khuẩn, chống viêm và điều trị các biến chứng của bệnh.

Một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị thấp tim ở trẻ em:

  • Thuốc kháng sinh: Benzathine Penicilline hoặc Penicilline V và Erythromicine.
  • Thuốc chống viêm: Aspirin, Ibuprofen hoặc Prednisolo.
  • Thuốc giãn mạch: Captopril, coversyl.
  • Lợi tiểu: Furosemid, phối hợp Aldacton.
  • Tăng co bóp cơ tim: Digoxin.
  • Các loại thuốc chuyên biệt như IVIG, NSAIDs và Corticoid để chữa viêm tim.
  • Điều trị tổn thương não - thần kinh: Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện múa giật, múa vờn thì cần được nghỉ ngơi nhiều hơn kết hợp sử dụng Phenobacbital, Haloperidol, Chlopromazin.
  • IVIG: Được chỉ định trong những trường hợp nặng, bệnh biến nhanh, gây tổn thương trên tim nặng nề, hoặc bệnh nhân thấp tim mà có suy giảm miễn dịch có chống chỉ định với thuốc Corticoid.

Thuốc điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em- Ảnh 1.

Thấp tim có thể được chữa khỏi nhưng nguy cơ tái phát hoàn toàn có thể xảy ra.

2. Tác dụng thuốc điều trị thấp tim ở trẻ em

  • Kháng sinh: Do bệnh thấp tim cấp tính xảy ra chủ yếu sau khi nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn. Do đó biện pháp đầu tiên là cần điều trị loại trừ liên cầu khuẩn ra khỏi cơ thể. Dùng kháng sinh kịp thời để ngăn chặn tái phát thấp tim và làm giảm tổn thương van tim. Một số thuốc kháng sinh được lựa chọn hàng đầu để tiêu diệt Liên cầu như Benzathine Penicilline; Penicilline V hoặc Erythromicine có tác dụng tiêu diệt Liên cầu, ngăn chặn quá trình nặng lên của bệnh.
  • Thuốc chống viêm: Chỉ định: Tùy theo mức độ của bệnh mà sẽ chỉ định loại thuốc chống viêm khác nhau.
  • Trường hợp chỉ có viêm đa khớp: Dùng Aspirine.
  • Nếu chỉ có viêm tim: Dùng Prednisolon. (Nếu viêm cả tim và khớp thì phối hợp cả 2 loại).
  • Tác dụng: Giảm phản ứng sưng nóng đỏ đau trên khớp, giảm tổn thương trên tim do phản ứng viêm gây nên.
  • Thuốc an thần: Được chỉ định trong thấp tim thể não. Khi có dấu hiệu múa giật phải cho thêm các thuốc an thần như: diazepam, chlopromazin theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc điều trị suy tim: Đối với các trường hợp có suy tim cấp cần điều trị với các thuốc trợ tim digitalis và thuốc lợi tiểu furosemid, thuốc giãn mạch như captopril...
Thuốc điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em- Ảnh 2.

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh hoạ.

3. Tác dụng phụ thuốc điều trị thấp tim ở trẻ em

  • Kháng sinh như: Benzathine Penicilline ; Penicilline V; Erythromicine. Có thể gặp một số tác dụng phụ như dị ứng, nhiều mức độ từ nhẹ ( nổi ban đỏ trên da, ngứa...) đến mức độ nặng nhất là sốc phản vệ.
  • Thuốc chống viêm Aspirine: Một số tác dụng phụ nghiêm trọng như gây viêm, loét, xuất huyết niêm mạc dạ dày; giảm độ tập trung tiểu cầu làm cho bệnh nhân dễ bị xuất huyết; có thể gây ra một số hội chứng nguy hiểm như hội chứng Reye.
  • Prednisolon: Viêm loét dạ dày, giữ nước gây phù, nếu dung kéo dài liều cao có thể gây suy tuyến thượng thận.
  • Thuốc lợi tiểu: Có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nếu không có sự theo dõi sát của bác sĩ.
  • Thuốc giãn mạch: Có thể gây hạ huyết áp, mệt, đau đầu chóng mặt, hoặc ngất.

    4. Chỉ định, chống chỉ định thuốc điều trị thấp tim ở trẻ em

  • Chống chỉ định thuốc chống viêm: Như Aspirine; Prednisolon.
  • Aspirine: sốt virus, giảm tiểu cầu, viêm loét dạ dày cấp, bệnh gan thận nặng…
  • Prednisolon: Sốt virus hoặc sốt nhiễm khuẩn tiến triển, viêm loét dạ dày cấp nặng, các bệnh lý suy giảm miễn dịch nặng.
  • Thuốc điều trị múa vờn: Như Phenobacbital, Haloperidol, Chlopromazin.
  • Chỉ định: Thấp tim thể não, bệnh nhân có biểu hiện kích thích, lo âu, có những động tác bất thường (múa giật).
  • Một số thuốc khác: Như Ivig: Được chỉ định trong những trường hợp nặng, diễn biến nhanh, gây tổn thương tim nặng, hoặc bệnh nhân thấp tim nặng mà có suy giảm miễn dịch có chống chỉ định với nhóm thuốc corticoid.
Thuốc điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em- Ảnh 3.

Hình ảnh hở van tim trên siêu âm tim.

    5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị thấp tim ở trẻ em

Khi điều trị thấp tim ở trẻ em, có một số lưu ý quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị. Dưới đây là một số điểm cần chú ý:

  • Lưu ý khi sử dụng thuốc Penicillin: Là nhóm kháng sinh dễ gây phản ứng dị ứng, đặc biệt là sốc phản vệ. Nên cần được làm test trước khi tiêm, và theo dõi sát trong và sau khi tiêm tại cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân có biểu hiện dị ứng hoặc nguy cơ dị ứng cao thì nên chuyển sang kháng sinh Erythromycin.
  • Đối với các thuốc chống viêm như: Aspirine, Prednisolon nên uống thuốc sau khi ăn no để hạn chế tác dụng phụ của thuốc lên dạ dày. Đặc biệt, thuốc Prednisolon nên được uống vào khung giờ 8-10h sáng, không được ngưng thuốc đột ngột mà phải giảm dần theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc điều trị suy tim: Giãn mạch: Captopril, coversyl. Lưu ý: huyết áp khi dùng thuốc. Cần dừng thuốc khi huyết áp thấp hơn huyết áp bình thường theo tuổi.
  • Lợi tiểu: Furosemid, phối hợp Aldacton. Lưu ý: xét nghiệm điện giải đồ trong quá trình dùng thuốc.
  • Tăng co bóp cơ tim: Digoxin. Lưu ý: nhịp tim, điện giải, điện tâm đồ trong quá trình dùng thuốc.
  • Thuốc điều trị múa vờn: Một số thuốc như Phenobacbital, Haloperidol, Chlopromazin: Là các thuốc thuộc nhóm thuốc an thần kinh, cần chú ý tình trạng hô hấp-tuần hoàn của người bệnh.

6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị thấp tim ở trẻ em

Bác sĩ chuyên khoa cho rằng, nếu bệnh nhân tuân thủ đầy đủ, đúng với phác đồ điều trị thì sẽ rất ít khi gặp tai biến trong điều trị. Đối với những tai biến y khoa nếu xảy ra thì chỉ do một tình huống bất ngờ nào đó xảy ra mà chúng ta không lường trước được.

Chỉ có kháng sinh Penicillin là thuốc có tỉ lệ gây sốc phản vệ cao, nên cần tuân thủ nghiêm ngặt trong việc dùng thuốc. Việc theo dõi và thông báo kịp thời cho bác sĩ về các triệu chứng bất thường là rất quan trọng để hạn chế tối đa các tai biến y khoa.

Thấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh thấp tim còn gọi là bệnh thấp khớp cấp, sốt thấp. Đây là bệnh hệ thống miễn dịch trung gian liên quan đến nhiễm khuẩn streptococcus. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tim mắc phải ở trẻ em từ 5-15 tuổi.



BSCKI. Lê Thị Thắm
Khoa Tim mạch Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn