Thấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

09-08-2024 07:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh thấp tim còn gọi là bệnh thấp khớp cấp, sốt thấp. Đây là bệnh hệ thống miễn dịch trung gian liên quan đến nhiễm khuẩn streptococcus. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tim mắc phải ở trẻ em từ 5-15 tuổi.

    1. Tổng quan về thấp tim ở trẻ em

Bệnh thấp tim là gì?

Bệnh thấp tim ở trẻ em, hay còn gọi là sốt thấp khớp (rheumatic fever), là một tình trạng viêm nhiễm không sinh mủ xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim (thấp tim), khớp (thấp khớp), thần kinh (mú vờn), da (hồng ban), mô dưới da (nốt cục). Trong đó tổn thương tim là quan trọng nhất, có thể để lại di chứng và tử vong, các tổn thương trên cơ quan khác đa số lành tính và tự giới hạn.

Bệnh thấp tim là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch mắc phải ở người dân các nước đang phát triển, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh ở các nước công nghiệp trong thế kỷ trước. Ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm do chất lượng cuộc sống được nâng lên, cùng với việc kháng sinh được dùng sớm và rộng rãi.

    Nguyên nhân bệnh thấp tim ở trẻ em

Bệnh thấp tim là bệnh viêm tự miễn, xuất hiện sau khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường họng miệng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Trong vòng từ 2 đến 3 tuần sau khi bị nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách có thể sẽ tiến triển thành bệnh thấp tim. Tuy nhiên chỉ 1 tỷ lệ nhỏ số người nhiễm liên cầu bị thấp tim.

Bệnh thấp tim ở trẻ em (từ 5 đến 15 tuổi) phổ biến hơn các độ tuổi khác, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là ngang nhau.

Thấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Bệnh thấp tim còn gọi là bệnh thấp khớp cấp, sốt thấp (rheumatic ferver).

2. Triệu chứng bệnh thấp tim ở trẻ em

Sau khi bị viêm họng liên cầu trong khoảng 2 - 4 tuần, người bệnh bắt đầu các triệu chứng của thấp tim. Do bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nên triệu chứng của thấp tim đa dạng, tùy thể bệnh. Trong đó các biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là bệnh cảnh của viêm tim và viêm khớp như sốt, mệt, đau ngực, đau khớp,…

Các triệu chứng đặc hiệu theo thể bệnh như sau:

Viêm khớp: Là thể bệnh phổ biến, người bệnh bị sưng nóng đỏ đau các khớp ngoại biên như khớp gối, cổ tay, cổ chân… với tính chất: không đối xứng, di chuyển, lành tính, thường tự khỏi hoặc đỡ nhanh khi dùng các thuốc chống viêm giảm đau. Các khớp đau khiến vận động khó khăn, nhiều trường hợp có thể bị tràn dịch khớp không hóa mủ.

Viêm tim: Người bệnh thường có triệu chứng mệt, khó thở, đau tức ngực, ho ra máu … Tùy trường hợp, có thể có thêm các triệu chứng sau khi thăm khám:

  • Viêm màng trong tim (viêm nội tâm mạc): tổn thương các van tim, làm xuất hiện các tiếng thổi mới khi nghe tim.
  • Viêm cơ tim: rối loạn nhịp tim, sốc tim, suy tim tùy mức độ.
  • Viêm màng ngoài tim: có thể nghe tiếng tim mờ, hoặc tiếng cọ màng ngoài tim.
  • Hồng ban vòng: Là các ban hình tròn, viền hồng, nhạt màu ở giữa, thường không ngứa, tự mất hoặc tăng lên khi gặp nhiệt.
  • Múa vờn: Thường gặp ở 10% các trường hợp, xuất hiện trễ hơn sau viêm khớp và viêm tim, thường từ 6 - 8 tuần sau khi nhiễm liên cầu khuẩn. Múa vờn có thể kéo dài từ 1 tuần đến 2 năm nhưng thường kéo dài 8 -15 tuần. Người bệnh có những biểu hiện vung tay, vung chân một cách vô thức.
  • Tổn thương mô dưới da: Là các hạt dưới da, kích thước thường bằng hạt đậu, chắc, không đau, thường xuất hiện ở mặt duỗi của các khớp.
Thấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Hình ảnh hở van tim trên siêu âm tim.

    3. Điều trị bệnh thấp tim ở trẻ

Điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em là một quá trình bao gồm nhiều bước, cần phải được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ. Mục tiêu chính của điều trị là kháng sinh diệt vi khuẩn liên cầu, chống viêm, giảm triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng và phòng ngừa các đợt tái phát. Việc tuân thủ điều trị và theo dõi lâu dài là hết sức quan trọng nhằm hạn chế các di chứng về sau, đặc biệt là các di chứng trên tim mạch. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho bệnh thấp tim:

3.1. Một số thuốc trong điều trị thấp tim

  • Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A nếu vẫn còn hoặc để ngăn ngừa các đợt nhiễm trùng tái phát. Thuốc kháng sinh thường được chỉ định là penicillin hoặc amoxicillin...
  • Thuốc chống viêm: Các thuốc như aspirin hoặc corticosteroids có thể được sử dụng để giảm viêm và đau, đặc biệt nếu có triệu chứng viêm khớp hoặc viêm cơ tim. Corticosteroids thường được chỉ định nếu có viêm nặng hoặc viêm cơ tim.
  • Điều trị các tổn thương não - thần kinh: Khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn hành vi, ngôn ngữ thì cần được nghỉ ngơi và kết hợp sử dụng carbamazepine. Trong trường hợp tình trạng rối loạn vẫn tiếp tục bị mất kiểm soát và diễn tiến nặng có thể dùng thêm corticoid hoặc IVIG.

3.2. Các biện pháp không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong thời gian bệnh.
  • Dinh dưỡng đầy đủ.
  • Khám định kỳ: Trẻ cần được theo dõi định kỳ để kiểm tra sự hồi phục và phát hiện sớm bất kỳ biến chứng nào. Các xét nghiệm như siêu âm tim hoặc điện tâm đồ có thể được yêu cầu để theo dõi tình trạng tim.
  • Hỗ trợ tâm lý: Trẻ em bị bệnh thấp tim có thể cần hỗ trợ tâm lý và xã hội để đối phó với các ảnh hưởng của bệnh và điều trị.
  • Điều trị bệnh thấp tim cần phải được điều chỉnh dựa trên tình trạng cụ thể của từng trẻ và các yếu tố cá nhân. Do đó, việc hợp tác chặt chẽ với bác sĩ và tuân thủ kế hoạch điều trị rất quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.

3. Bệnh thấp tim ở trẻ có lây nhiễm không?

Bệnh thấp tim ở trẻ em không phải là bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, bệnh có tính chất vùng, địa phương. Có thể gặp tỷ lệ mắc bệnh thấp tim tăng cao rõ rệt ở một địa phương nào đó. Bệnh thấp tim phổ biến tại các vùng có mức sinh hoạt thấp, vệ sinh kém, khu vực có kinh tế khó khăn, gia đình đông con, nhà ở chật chội, khó khăn trong tiếp cận y tế.

Thấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Bệnh thấp tim không lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

4. Cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ

4.1. Phòng bệnh tiên phát:

Phòng ngừa bệnh thấp tim ở trẻ em chủ yếu tập trung vào việc ngăn ngừa các đợt nhiễm trùng do vi khuẩn liên cầu nhóm A. Bệnh thấp tim có thể phát triển sau khi mắc các nhiễm trùng liên cầu như viêm họng liên cầu, gồm các biện pháp sau:

  • Khám và điều trị viêm họng kịp thời: Nếu trẻ bị viêm họng, đặc biệt nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm liên cầu như đau họng dữ dội, sốt cao, hoặc có các dấu hiệu viêm amidan, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị.
  • Sử dụng kháng sinh theo chỉ định: Khi bác sĩ xác định có nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A, cần điều trị bằng kháng sinh như penicillin hoặc amoxicillin để tiêu diệt vi khuẩn. Việc hoàn tất đầy đủ đợt điều trị kháng sinh rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, tránh ẩm thấp.
  • Chú ý giữ vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng sạch sẽ.
  • Giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng trong mùa đông.
  • Nâng cao sức đề kháng bằng tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tập luyện, dinh dưỡng đầy đủ.
  • Giữ vệ sinh tay và đường hô hấp: Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bị bệnh hoặc trước khi ăn. Dạy trẻ cách sử dụng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh: Trẻ tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt nếu họ có dấu hiệu viêm họng.
  • Tăng cường nhận thức cộng đồng: Tuyên truyền về sự quan trọng của việc điều trị nhiễm trùng liên cầu và phòng ngừa bệnh thấp tim trong các cộng đồng và trường học.
  • Khám sức khỏe định kì.

4.2 Phòng bệnh thứ phát: Là phòng thấp tim tái phát và tiến triển

Với những trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch cần được theo dõi và thăm khám định kỳ hàng tháng, hàng năm bằng các phương pháp như siêu âm tim để đánh giá mức độ tổn thương cũng như lập kế hoạch can thiệp, điều trị nếu cần thiết. Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Thuốc dự phòng được sử dụng hiện nay là Penicllin đường uống hoặc tiêm bắp. Về thời gian và cách dùng sẽ được chỉ định cụ thể cho từng người bệnh sau khi được bác sĩ thăm khám.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến thấp timCâu hỏi thường gặp liên quan đến thấp tim

SKĐS - Thấp tim có thể gây tổn thương van tim vĩnh viễn, suy tim hoặc thậm chí là tử vong. Người bị thấp tim cần điều trị sớm và điều trị dự phòng kéo dài để ngăn ngừa thấp tim tái phát.


BSCKI. Lê Thị Thắm
Khoa Tim mạch Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn