Biện pháp điều trị và dự phòng tái phát thấp tim

30-05-2024 09:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thấp tim (thấp khớp cấp) hay bệnh tim do thấp là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây suy tim mạn tính, thậm chí tử vong.

Nguyên tắc điều trị thấp tim cần phải tiến hành đồng thời điều trị và dự phòng, bởi chúng liên quan chặt chẽ với nhau. Trước hết, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian bệnh tiến triển, giữ ấm cơ thể, ăn nhẹ, thanh đạm.

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng viêm cơ tim, có thể bất động trong thời gian 2 - 3 tuần. Trường hợp bệnh nhân có viêm cơ tim thì thời gian bất động phải được kéo dài ít nhất 4 tuần. Còn bệnh nhân có suy tim thì bất động khoảng 8 tuần cho đến khi các triệu chứng suy tim được cải thiện. Ngừng các vận động thể dục trong 6 tháng sau đó.

Các thuốc điều trị thấp tim

Các thuốc steroid: Cần được sử dụng sớm vì thuốc cho tác dụng nhanh, kết quả chắc chắn. Steroid thường có tác dụng phụ bất lợi khi dùng thuốc kéo dài. Nhưng với bệnh nhân thấp tim, thời gian sử dụng ngắn nên ít tai biến. Chỉ nên dùng thuốc đường uống, không nên dùng thuốc dạng tiêm.

Thông thường liều điều trị kéo dài từ 2 đến 3 tuần, giảm dần liều cho đến khi bệnh khỏi và xét nghiệm trở về bình thường. Tổng thời gian điều trị trung bình từ 2 đến 3 tháng. Sau đó bác sĩ sẽ cho liều thuốc thấp để duy trì.

- Lưu ý: Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần phải lưu ý tuân theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Mặc dù phác đồ điều trị như trên đã mang lại hiệu quả và ít gây tai biến, nhưng không phải là không có. Do đó trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bất thường để báo cáo với bác sĩ. Trường hợp bất thường do thuốc gây ra, bác sĩ sẽ giúp hạn chế tối đa các tai biến và tác dụng phụ có thể gặp.

Biện pháp điều trị và dự phòng tái phát thấp tim- Ảnh 1.

Thấp tim có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở các van tim.

Aspirin: Là thuốc được nhiều bác sĩ chọn dùng hơn các steroid. Aspirin có tác dụng không kém steroid, giá thành lại rẻ hơn.

Tuy nhiên, khi dùng hàm lượng thuốc cao, kéo dài thì thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi, nhất là trên đường tiêu hóa. Do vậy, nếu dùng thuốc này cần uống với nhiều nước và uống sau bữa ăn.

- Lưu ý: Bệnh nhân chú ý theo dõi những bất thường trên hệ tiêu hóa như: Khó chịu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, đi ngoài phân đen… Nếu có một trong những dấu hiệu trên cần báo cáo ngay với bác sĩ để được cân nhắc thay thuốc điều trị.

Kháng sinh: Nguyên nhân gây bệnh thường do liên cầu khuẩn, do đó sử dụng kháng sinh có tác dụng điều trị tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn như penicillin G; benzathin penicillin. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, có thể được thay bằng các kháng sinh khác như erythromycin, sulfadiazin…

Các thuốc khác: Khi bệnh nhân chuyển bệnh nặng, có dấu hiệu múa giật bác sĩ có thể phải kê thêm các thuốc an thần như diazepam, chlopromazin. Các thuốc này cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng, cách dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với các trường hợp bệnh nhân có suy tim cấp cần điều trị với các thuốc trợ tim và lợi tiểu.

Điều trị triệu chứng: Thuốc điều trị triệu chứng nhằm cải thiện triệu chứng viêm, giảm đau, duy trì khả năng vận động, nhưng không làm thay đổi được sự tiến triển của bệnh. Bệnh nhân có thể được kê đơn một trong các thuốc kháng viêm không steroid như: Các thuốc kháng viêm ức chế chọn lọc COX2 celecoxib, meloxicam, etoricoxib...; các thuốc thuốc kháng viêm ức chế không chọn lọc như diclofenac, piroxicam + cyclodextrin...; hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác.

- Lưu ý: Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao gặp phải các tác dụng phụ như bệnh nhân già yếu, tiền sử bị bệnh lý dạ dày… hoặc phải dùng thuốc điều trị dài ngày, cần được bảo vệ dạ dày bằng các thuốc ức chế bơm proton, đồng thời kiểm tra chức năng thận định kỳ.

Dự phòng thấp tim thế nào?

Để phòng bệnh thấp tim, phải ngăn ngừa nguyên nhân gây bệnh. Theo đó cần phòng nhiễm liên cầu khuẩn bằng cải thiện chế độ sinh hoạt, tăng cường vệ sinh, giữ ấm. Khi có triệu chứng bệnh ở tai mũi họng họng do liên cầu khuẩn phải đi khám và điều trị sớm, điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, răng.

Ngày nay đã có các thuốc tốt điều trị bệnh do liên cầu khuẩn gây ra, do đó có thể ngăn ngừa được biến chứng. Trong hầu hết các trường hợp, dùng thuốc kháng sinh sớm, đúng, đủ sẽ nhanh chóng tiêu diệt các vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn.

Để dự phòng bệnh tái phát, sau khi được điều trị khỏi bệnh rồi, bệnh nhân vẫn phải điều trị bằng thuốc lâu dài. Tiêm benzathin penicillin 3 tuần 1 lần. Trường hợp không có biểu hiện tim, tiêm liền 5 năm sau đó và theo dõi nếu có dấu hiệu tái phát thì phải tiêm tiếp tục. Nếu có biểu hiện tim thì phải tiêm cho đến năm bệnh nhân 25 tuổi. Trường hợp bệnh nhân ở xa trung tâm y tế hoặc không có điều kiện tiêm, có thể uống loại penicillin V, uống liên tục hàng ngày, thời gian như trên. Hoặc uống sulfadiazin hàng ngày, liên tục, thời gian giống như trên. Trường hợp bệnh nhân dị ứng với penicillin, sulfadiazin có thể chuyển sang dùng erythromycin.

Biện pháp điều trị và dự phòng tái phát thấp tim- Ảnh 3.

Bệnh nhân thấp tim cần được dùng thuốc và theo dõi định kỳ để phòng ngừa tái phát.

Lưu ý khi điều trị thấp tim

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều tại nhà để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Thời gian nghỉ ngơi cho đến khi không có dấu hiệu của sốt hoặc bệnh nhân cảm thấy khá hơn và sau tối thiểu 24 giờ điều trị kháng sinh.

Nên uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị hoặc các loại thực phẩm có tính acid như nước cam.

Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, khói bụi, mùi sơn…

Nên có máy tạo độ ẩm trong phòng.

Vệ sinh, rửa tay đúng cách với xà phòng, khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng.

Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng mỗi ngày 2 lần; súc họng bằng dung dịch vệ sinh chuyên biệt.

Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh…

Trong đợt viêm cấp, cần để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê, độn tại khớp. Nhưng khi triệu chứng thuyên giảm cần tập luyện sớm. Tập một cách nhẹ nhàng, từ từ. Sau đó tăng dần, tập nhiều lần trong ngày, cả chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lý của khớp.

Phòng ngừa và điều trị các biến chứng của thuốc cũng như các bệnh kèm theo.

Khi sử dụng steroid bất cứ liều nào trên 01 tháng, cần bổ sung canxi + vitamin D để phòng ngừa loãng xương. Nếu bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cao có thể sử dụng bisphosphonates.

Dự phòng thiếu máu bằng acid folic, sắt, vitamin B12…

Mời độc giả xem thêm video:

10 lời khuyên của bác sĩ giúp phòng bệnh tim mạch hiệu quả.


PGS.TS.Nguyễn Đức Hải
Ý kiến của bạn