Câu hỏi thường gặp liên quan đến thấp tim

24-07-2024 15:44 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thấp tim có thể gây tổn thương van tim vĩnh viễn, suy tim hoặc thậm chí là tử vong. Người bị thấp tim cần điều trị sớm và điều trị dự phòng kéo dài để ngăn ngừa thấp tim tái phát.

1. Đông y có chữa được thấp tim không?

Thấp tim còn gọi là sốt thấp khớp hoặc thấp khớp cấp, tiếng Anh là Rheumatic fever. Thấp tim phát triển sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A (Streptococcus A). Nó có thể gây tổn thương viêm nghiêm trọng ở tim, khớp, da và não… vì vậy đông y không thể chữa khỏi.

2. Các phương pháp điều trị thấp tim

Thông thường, khi đã xác nhận mắc bệnh, cần phải kết hợp điều trị và dự phòng. Mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng cấp tính như viêm khớp, viêm tim; tiêu diệt liên cầu khuẩn ở vùng hầu, cổ họng và đường hô hấp của bệnh nhân; phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn liên cầu cụ thể:

  • Điều trị nhiễm liên cầu: Thường dùng là kháng sinh penicillin.
  • Chống viêm khớp: Thường dùng là thuốc aspirin.
  • Điều trị múa giật Sydenham: Nghỉ ngơi, tránh dao động cảm xúc, dùng một số loại thuốc điều trị co giật.
  • Nghỉ ngơi nhiều, sau đó tăng vận động dần dần tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
  • Điều trị suy tim (nếu có).

Câu hỏi thường gặp liên quan đến thấp tim- Ảnh 1.

Thấp tim có thể gây tổn thương van tim vĩnh viễn, suy tim.

Bệnh nhân đã bị thấp tim có nhiều nguy cơ tiếp tục bị thấp tim sau đó. Vì vậy việc điều trị sẽ bao gồm điều trị dự phòng thấp tim bằng kháng sinh để giảm tỷ lệ tái phát. Cần điều trị ngay và yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ. Thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài nhiều năm, phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể.

  • Trẻ em sẽ tiếp tục dùng kháng sinh cho đến 21 tuổi hoặc hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh cụ thể.
  • Thanh thiếu niên và thanh niên sẽ cần dùng trong ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh.
  • Thấp tim gây viêm cơ tim và để lại di chứng bệnh van tim có thể phải điều trị rất lâu dài, ít nhất phải đến 40 tuổi.

3. Thấp tim có chữa khỏi được không?

Thấp tim là một bệnh nguy hiểm do các biến chứng xảy ra đối với người bệnh nhưng có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng. Tuy nhiên hiệu quả phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh, khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh và phác đồ điều trị phù hợp. Mọi biện pháp chữa trị đều tập trung vào chống nhiễm khuẩn, chống viêm và điều trị biến chứng.

Người bị bệnh thấp tim cần được nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian bệnh tiến triển cho đến khi mạch, tốc độ máu lắng trở về bình thường, ăn nhẹ mà theo dõi mạch, nhiệt độ, tim, cân nặng hàng tuần, xét nghiệm công thức máu, tốc độ máu lắng và ghi điện tim. Ngừng vận động thể dục thể thao trong vòng 6 tháng.

4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà

Ngoài việc thực hiện chỉ định của bác sĩ bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường nhằm giảm nhu cầu về oxy và dinh dưỡng của cơ thể. Hạn chế đi lại cho những bệnh nhân khó thở khi gắng sức.

Ăn nhẹ, ăn các loại thức ăn dễ tiêu như sữa, cá. Hạn chế lượng muối và nước bằng cách khuyên bệnh nhân ăn nhạt tương đối và hạn chế uống nước.

Thường xuyên động viên, giải thích để bệnh nhân không lo lắng, yên tâm điều trị. Phòng nằm của bệnh nhân phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Hướng dẫn cho bệnh nhân và theo dõi việc thực hiện các chỉ đinh của thầy thuốc về chế độ ăn, uống.

Bệnh nhân nên ăn nhiều rau, hoa quả, thức ăn giàu đạm. Khi người bệnh thấp tim đang được điều trị trợ tim và lợi tiểu, khuyến khích ăn hoa quả có nhiều kali: hồng xiêm, chuối tiêu, nho….

Không nên uống nhiều nước khi có phù, suy tim nặng. Ngoài ra, người suy tim nặng cần nghỉ ngơi, ăn uống vệ sinh mỗi ngày tại giường, thay đổi tư thế nhẹ nhàng, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi khi khó thở nhiều. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ đánh giá chi tiết chế độ ăn, lượng nước uống và nước tiểu người bệnh hàng ngày.

Đối với các trường hợp không suy tim hoặc suy tim nhẹ cũng cần chế độ nghỉ ngơi để tránh các biến chứng dẫn tới suy tim hoặc suy tim nặng thêm. Chế độ nghỉ ngơi còn phải thực hiện trong nhiều tuần ở nhà để viêm tim hồi phục hoàn toàn, tránh di chứng van.

Hàng ngày phải theo dõi tiến triển của các triệu chứng suy tim, hiệu quả và các tác dụng phụ của thuốc để có thể đưa ra những can thiệp chính xác, kịp thời.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến thấp tim- Ảnh 2.

Bệnh nhân thấp tim nên ăn nhiều rau, hoa quả.

5. Những lưu ý quan trọng với bệnh thấp tim

Thấp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mắc phải ở trẻ em và người lớn, thường gặp ở nhóm các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thấp tim thường gặp ở trẻ em, từ 5 - 15 tuổi. Bệnh thường gặp ở vùng có điều kiện sinh hoạt thấp, nhà ở chật chội vệ sinh kém, kinh tế còn khó khăn, có khí hậu lạnh ẩm... Đây là điều kiện khiến trẻ dễ bị viêm họng. Ngoài ra, bệnh cũng có yếu tố di truyền trong gia đình.

Đa số bệnh thấp tim thường bắt nguồn sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do nhiễm loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus type A). Đặc biệt, sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao. Khoảng 3% số trẻ bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sẽ bị thấp tim.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Sau khi thăm khám lâm sàng, người bệnh được chỉ định một số phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá mức độ bệnh và phân biệt với các bệnh tương tự như: Xét nghiệm máu; Vi sinh vật; Điện tâm đồ; X-quang tim phổi; Siêu âm tim; Siêu âm Doppler.

  • Người bệnh được điều trị bằng thuốc để loại bỏ sự nhiễm liên cầu.
  • Chống viêm khớp từ 4 – 6 tuần, sau đó giảm liều sau 2 – 3 tuần.
  • Điều trị viêm tim nặng từ 2 – 6 tuần, giảm liều dần trước khi dừng thuốc.
  • Có thể sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau trong vài trường hợp.

Điều trị suy tim tùy vào tình trạng người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện khác nhau, do đó chi phí cũng có sự khác biệt.

Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?

SKĐS - Thấp tim là một bệnh khá nguy hiểm bởi khi bị thấp tim thương tổn có tính chất toàn thân, bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 5-15.




BSCKI Nguyễn Thị Ngọc
Ý kiến của bạn