Thấp tim: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

05-07-2024 16:25 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường họng miệng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2 đến 3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim.

1. Nguyên nhân gây thấp tim

Tại Việt Nam, thấp tim thường gặp ở người từ 5-15 tuổi, nhưng cũng gặp không ít ở người trên 20 tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh van tim ở người trẻ.

Thấp tim là bệnh nhiễm trùng do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A không trực tiếp gây ra thấp tim mà thông qua cơ chế miễn dịch. Vì vậy mà thấp tim ít khi xảy ra ở bệnh nhân dưới 5 tuổi – lúc mà hệ miễn dịch chưa đủ hoàn thiện.

Khi vi khuẩn liên cầu A xâm nhập vào cơ thể, kháng nguyên nằm ở lớp vỏ ngoài của nó, cụ thể là các protein M, T và R, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất các kháng thể để chống lại vi khuẩn này.

Nhưng các protein này, đặc biệt là protein M không những đặc hiệu miễn dịch mà còn là yếu tố gây thấp mạnh nhất. Nó gây ra phản ứng chéo với cơ thể, vô tình mà các kháng thể vốn sinh ra để chống lại vi khuẩn liên cầu A cũng chống lại các protein ở các mô liên kết của cơ thể, nhất là các mô liên kết ở van tim.

Đa phần các trường hợp tiến triển thành thấp tim là sau khi bị nhiễm liên cầu A gây viêm họng mà không điều trị triệt để. Còn nhiễm liên cầu gây bệnh ngoài da ít khi gây thấp tim.

Thấp tim: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Thấp tim gây viêm cơ tim và để lại di chứng bệnh van tim có thể phải điều trị rất lâu dài.


2. Dấu hiệu thấp tim

Thấp tim là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc – miễn dịch, xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, biểu hiện bằng những tổn thương ở tim, khớp và mạch máu. Bệnh cảnh lâm sàng chung của thấp tim là biểu hiện ở nhiều cơ quan, mà trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong hoặc gây tổn thương trực tiếp tại van tim.

Biểu hiện lâm sàng bệnh thấp tim thường xảy ra sau 2-4 tuần hoặc lâu hơn nữa kể từ khi người bệnh bị nhiễm liên cầu ở họng. Các biểu hiện này có thể xuất hiện độc lập hay phối hợp với nhau.

Bệnh nhân có sốt nhẹ hoặc sốt cao; toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém, có thể ho, đau ngực…

2.1.Viêm tim

  • Viêm nội tâm mạc: Gây phù nề nội tâm mạc và các van tim nên có một số biểu hiện như tiếng T1 mờ, có thể có tiếng thổi tâm thu do hở van ha lá hoặc tiếng thổi tâm trương do hở van động mạch chủ.
  • Viêm cơ tim: Nhịp tim thường nhanh, có thể có ngoại tâm thu nhĩ hoặc thất, có thể có tiếng ngựa phi ở mỏm hoặc trong mỏm.
  • Viêm màng ngoài tim: Tiếng tim mờ, có thể nghe thấy tiếng cọ màng ngoài tim.
  • Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị suy tim biểu hiện bằng phù, gan to tĩnh mạch cổ nổi, có tiếng ngựa phi.

2.2. Viêm khớp

Thường hay gặp ở các khớp nhỡ hoặc khớp lớn như: Đầu gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay… khớp đau khi di chuyển, hạn chế vận động, sưng- nóng- đỏ.

Đặc điểm của viêm khớp là: Đáp ứng rất nhanh với salicylate, khi khỏi không để lại di chứng, không điều trị cũng tự khỏi sau 4 tuần.

2.3. Múa giật (sydenham)

Do tổn thương thần kinh trung ương. Bệnh nhân lo âu, kích thích, yếu cơ, có những động tác ở một hoặc hai chi với đặc điểm: Biên độ rộng, đột ngột, không có ý thức, tăng lên khi thức và giảm hoặc hết động tác nếu tập trung vào một việc nào đó hoặc khi ngủ. Thường hết múa giật sau 4-6 tuần.

2.4. Ban vòng (ban Besnier)

Vòng ban hồng, xếp thành quầng có đường kính của viền 1-2 mm, hay gặp ở thân, mạn sườn, gốc chi, không có ở mặt. Ban mất đi sau vài ngày.

2.5. Hạt Meynet

Là những hạt nổi dưới da có đường kính khoảng 5-10 mm, dính trên nền xương (khuỷu, gối…) ấn không đau, xuất hiện cùng viêm khớp và viêm tim, mất đi sau vài tuần.

3. Thấp tim có lây không?

Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường họng miệng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2 đến 3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim… vì vậy, bệnh thấp tim không lây nhiễm.

4. Phòng ngừa bệnh thấp tim

Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh và sinh hoạt điều độ như:

  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh khu vực nhà ở và môi trường sống xung quanh;
  • Chú ý giữ vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng sạch sẽ;
  • Giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng trong mùa đông;

Chế độ dinh dưỡng đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Nếu bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần đến các cơ sở y tế để được điều trị triệt để. Với trẻ em từ 5-15 tuổi có viêm họng kèm đau mỏi, sưng các khớp, tức ngực, hồi hộp và khó thở, đau vùng tim kèm theo bất thường về thần kinh vận động cần cho trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được khám và điều trị kịp thời.

Tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim cho trẻ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, đây là việc rất cần thiết vì nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng. Cho đến nay, chưa có vắc-xin chống liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 tháng hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và diễn tiến nặng lên.

Để phòng tránh bệnh thấp tim khi trẻ có dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên, trẻ cần được điều trị triệt để và sớm.

Thấp tim: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Trẻ cần được vệ sinh mũi họng hàng ngày để phòng bệnh.

5. Điều trị bệnh thấp tim

Điều trị bệnh thấp tim bao gồm: Điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân.

  • Điều trị nhiễm liên cầu: Thường dùng là kháng sinh penicillin.
  • Chống viêm khớp: Thường dùng là thuốc aspirin.
  • Điều trị múa giật Sydenham: Nghỉ ngơi, tránh dao động cảm xúc, dùng một số loại thuốc điều trị co giật.
  • Nghỉ ngơi nhiều, sau đó tăng vận động dần dần tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
  • Điều trị suy tim (nếu có).

Bệnh nhân đã bị thấp tim có nhiều nguy cơ tiếp tục bị thấp tim sau đó. Vì vậy việc điều trị sẽ bao gồm điều trị dự phòng thấp tim bằng kháng sinh để giảm tỷ lệ tái phát. Cần điều trị ngay và yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ. Thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài nhiều năm, phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể.

  • Trẻ em sẽ tiếp tục dùng kháng sinh cho đến 21 tuổi hoặc hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh cụ thể.
  • Thanh thiếu niên và thanh niên sẽ cần dùng trong ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh cụ thể.
  • Thấp tim gây viêm cơ tim và để lại di chứng bệnh van tim có thể phải điều trị rất lâu dài, ít nhất phải đến 40 tuổi.
Vì sao bệnh viêm họng gây thấp tim?Vì sao bệnh viêm họng gây thấp tim?

SKĐS - Viêm họng là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, tần xuất mắc bệnh tăng lên khá nhiều ở trẻ em dưới 7 - 8 tuổi. Do viêm họng là bệnh khá phổ biến nên thường bị xem nhẹ, tuy nhiên cần đề phòng viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A) dễ dẫn đến thấp tim.



BSCKI Nguyễn Thị Ngọc
Ý kiến của bạn