Ngày 26/9, Bộ Y tế đã cho ra mắt mạng lưới truyền thông ngành y tế. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, công tác truyền thông đóng vai trò rất lớn đối với các đơn vị y tế đặc biệt là trong thời đại công nghệ số.
"Truyền thông y tế có vai trò rất lớn trong việc phát triển y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, công tác truyền thông y tế còn gặp nhiều khó khăn về mặt nhân sự, kỹ thuật… Đồng thời, chưa được chú trọng đầu tư phát triển", Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế cũng cho biết, truyền thông tiếp thị y tế đang trở thành công cụ hữu ích cho các cơ sở y tế từ trung ương tới địa phương.
"Truyền thông y tế giúp các đơn vị y tế xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ, tăng cường tương tác với bệnh nhân và thúc đẩy nâng cao dịch vụ của cơ sở. Đây cũng là một trong những phương thức có được lòng tin của khách hàng, bệnh nhân. Vậy nên, nếu không làm tốt công tác truyền thông y tế thì nguy cơ "mất" khách hàng sẽ xảy ra", ông Vũ Mạnh Cường nhận định.
Trong thời đại công nghệ số, công tác truyền thông ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các cơ sở y tế do tính cạnh tranh giữa các đơn vị ngày càng cao; nhu cầu khám và điều trị của khách hàng ngày càng lớn.
Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, để nâng cao hiệu quả truyền thông y tế, thời gian tới, các đơn vị cần cung cấp những nội dung chất lượng được cá nhân hóa tới khách hàng.
"Chúng tôi rất mong muốn các bác sĩ, các nhân viên y tế sẽ là người cung cấp thông tin chia sẻ các kiến thức về y tế trên mạng xã hội. Đây là phương pháp truyền thông nhằm xây dựng huy hiệu cho bệnh viện. Đồng thời, tiến hành xây dựng các video ngắn chia sẻ về các kiến thức y khoa, giải thích về các hiện tượng, các phương pháp và các bệnh lý cho người dân hiểu, từ đó có được sự tin tưởng của người dân", ông Vũ Mạnh Cường nói.
Ngoài ra, các bệnh viện nên thành lập các trang mạng xã hội để tương tác với khách hàng, bệnh nhân giúp người dân được trải nghiệm và có thêm động lực tương tác.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, để phát triển, mở rộng mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng truyền thông y tế, các đơn vị y tế cần tạo được mạng lưới truyền thông nội bộ và kết nối được với các cơ quan báo chí, các sở, ban, ngành trên địa bàn và ngoài địa bàn đang quan tâm tới công tác y tế. Từ đó tăng cường trao đổi nội dung, truyền tải tới người dân, khách hàng những thông tin chính xác, bổ ích.
Vai trò của các trường đại học trong việc nâng cao công tác truyền thông rất lớn vậy nên, các trường cần nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị để lồng ghép các bài giảng, triển khai thêm các tiết học về truyền thông cho sinh viên.
Tại các bệnh viện, cần đưa ra những chính sách phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác truyền thông. CDC các tỉnh tham mưu cho Sở Y tế và UBND các tỉnh để ban hành các chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ truyền thông nhằm động viên, khích lệ cán bộ.
Để công tác truyền thông y tế vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị người đứng đầu các đơn vị từ trung ương tới địa phương cần có trách nhiệm đối với công tác truyền thông y tế. Lãnh đạo đơn vị phải biết, phải hiểu để chỉ đạo công tác truyền thông đạt hiệu quả tốt.
Truyền thông luôn phải đi đầu, phát huy tinh thần năng động sáng tạo của đội ngũ truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện.
Mỗi cán bộ làm công tác truyền thông sẽ trở thành người lan tỏa những kết quả tích cực của ngành y tế với cộng đồng. Từ đó tạo sự tin tưởng của các ban ngành, lãnh đạo các cấp đối với ngành y tế và của người dân đối với các đơn vị y tế.
Tiếp tục nêu cao những tấm gương điển hình, những việc làm tốt, những thành tựu y khoa để các ban, ngành và người dân biết tới, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông.
Tiếp tục xây dựng và củng cố mạng lưới truyền thông từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo tất cả các đơn vị y tế đều tham gia nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông.