Đoàn công tác của Ban Quản lý chương trình y tế cơ sở TW do PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Chương trình Đầu tư Phát triển mạng lưới y tế cơ sở ADB làm trưởng đoàn và ông Ngô Quang Vịnh - Chủ nhiệm dự án Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đại diện phía ADB đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang để thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Tuyên Quang có ông Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự buổi làm việc còn có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Chương trình có vai trò quan trọng với sự phát triển của mạng lưới y tế cơ sở
Thông tin tại buổi làm việc cho biết, Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Tuyên Quang được thực hiện qua 2 hợp phần.
Trong đó, hợp phần I: Đầu tư xây dựng 26 trạm y tế và các hạng mục phụ trợ đáp ứng tiêu chí trạm y tế xã; nâng cấp hoặc cải tạo, sửa chữa 6 trạm y tế và các hạng mục phụ trợ còn thiếu, đã hư hỏng, xuống cấp; mua sắm một số trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 208 tỷ đồng, trong đó vốn vay nước ngoài 165 tỷ đồng.
Hợp phần II gồm, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở về quản lý trang thiết bị, cải thiện triển khai các mô hình dịch vụ cho mạng lưới y tế, tăng cường tài chính, quản lý và phát triển nhân lực y tế cơ sở. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2023 - 2025.
Đối với Hợp phần I, đến nay, Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng; đã hoàn thành việc tổ chức xin ý kiến và công khai đồ án nhiệm vụ quy hoạch. Hiện nay đang tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng các Trạm Y tế xã theo quy định.
Đối với Hợp phần II về nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, năm 2023 đã tổ chức 2 lớp tập huấn tại 2 huyện Yên Sơn và Sơn Dương; thực hiện phỏng vấn và điều tra đến 100% các Trạm Y tế xã tại 2 huyện Yên Sơn và Sơn Dương để hỗ trợ triển khai mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nêu rõ, Chương trình này được xem có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở tại 16 tỉnh khó khăn, bao gồm Tuyên Quang.
Có 3 lý do để khẳng định điều này: Thứ nhất, Chương trình hỗ trợ trực tiếp quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng hỗ trợ một cách toàn diện các yếu tố đầu vào thiết yếu cho mạng lưới y tế cơ sở (nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, hỗ trợ đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ…).
Thứ hai, Chương trình giúp bổ sung nguồn lực tài chính với quy mô lớn cho các địa phương khó khăn. Cụ thể, Tuyên Quang được bố trí hơn 165 tỷ đồng để đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp 32 Trạm y tế xã. Ngoài ra, Tuyên Quang là một trong số ít tỉnh thuộc Chương trình được thụ hưởng thêm phần đầu tư trang thiết bị y tế (với kinh phí hơn 25,6 đồng).
"Điều đặc biệt, dù là Chương trình sử dụng nguồn vốn vay ODA của ADB nhưng các địa phương tham gia chương trình được áp dụng cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước (đồng nghĩa với việc các địa phương được nhận ngân sách mà không phải trả lãi vay và vốn vay)"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nói.
Thứ ba, Chương trình sẽ góp phần cải thiện chỉ số sức khỏe cộng đồng dân cư địa phương, vốn hiện còn khoảng cách đáng kể so với những khu vực phát triển hơn về kinh tế xã hội.
Cần gấp rút triển khai Chương trình để không rơi vào 4 tác động tiêu cực
Về thách thức đối với việc triển khai thực hiện Chương trình, theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, đây không phải một Dự án đầu tư riêng của ngành Y tế mà là Chương trình đầu tư cho y tế nằm trong khuôn khổ chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Điều này có nghĩa Chương trình chịu sự chi phối của nhiều qui định, bao gồm các quy định của Chính phủ về quản lý ODA, quy định của nhà tài trợ và các qui định đặc thù của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Do vậy, trong giai đoạn đầu, Chương trình gặp rất nhiều khó khăn (chủ yếu liên quan tới các thủ tục hành chính, pháp lý của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Cho tới nay, Chương trình đã cơ bản tháo gỡ được những rào cản về hành chính/pháp lý. Các địa phương đã được giao vốn để bắt đầu triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nêu rõ, tại tỉnh Tuyên Quang, Chương trình vẫn chưa triển khai được hoạt động trên thực địa và Tuyên Quang bị đánh giá là một trong số ít tỉnh có tiến độ thực hiện chậm nhất.
Nguyên nhân do cho tới nay, UBND tỉnh chưa có quyết định đầu tư Dự án, chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trên địa bàn tỉnh.
"Nếu như trước đây, khó khăn thường gặp là do ngân sách TW cấp cho các địa phương không đủ hoặc chậm (do những khó khăn trong cân đối ngân sách) dù địa phương đã sẵn sàng các điều kiện tiếp nhận vốn thì hiện nay tại Tuyên Quang, trong khi các vướng mắc ở cấp độ các bộ, ngành đã được tháo gỡ, Chính phủ đã có văn bản giao vốn Chương trình cho Tuyên Quang năm 2023 (50% tổng số vốn vay) và năm 2024 (40% tổng số vốn vay) nhưng các thủ tục tại tỉnh lại chưa hoàn thành để tiếp nhận vốn triển khai thực hiện Chương trình"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng thẳng thắn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Chương trình tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân các thủ tục tại tỉnh chưa hoàn thành là do tỉnh phải điều chỉnh danh mục đầu tư một số trạm y tế. Tuy nhiên, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho rằng, điều cần lưu tâm là trong cùng một bối cảnh thực hiện, cùng một cơ chế quản lý Chương trình, các tỉnh khác đều đã hoàn thành toàn bộ các bước điều chỉnh danh mục đầu tư, ban hành quyết định đầu tư Chương trình, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trên địa bàn tỉnh, tiếp nhận vốn và bắt đầu triển khai các hoạt động trên thực địa.
"Do vậy, Ban Quản lý Chương trình TW rất mong lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành tích cực hỗ trợ Sở Y tế hoàn thành sớm các thủ tục cần thiết để tiếp nhận vốn"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng bày tỏ.
Tai buổi làm việc, Ban Quản lý Chương trình TW cũng nhấn mạnh tới những tác động tiêu cực nghiêm trọng có tính chất dây truyền trong trường hợp Tuyên Quang tiếp tục chậm trễ trong việc triển khai thực hiện chương trình, bao gồm: thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực tới việc triển khai Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh; thứ hai, ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cũng như ngành Y tế; thứ ba, tác động tiêu cực tới tiến độ chung của toàn bộ Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, cũng như của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thứ tư, làm giảm lòng tin của nhà tài trợ vào năng lực triển khai thực hiện Chương trình/Dự án của Việt Nam.
Đồng thời, Ban Quản lý Chương trình TW cũng nhấn mạnh tới thực tế "không còn khoảng thời gian dự trữ (tức là không còn khoảng lùi) do thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều trong khi tổng vốn đã phân bổ 2 năm 2023 và 2024 cho tỉnh Tuyên Quang rất lớn (chiếm 90% tổng số vốn ODA của chương trình cho tỉnh), trong khi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vốn phân bổ cho năm 2023 mà hết năm 2024 không sử dụng sẽ bị cắt".
Do vậy, sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chương trình tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan để chỉ đạo và hỗ trợ Sở Y tế là hết sức cần thiết vào thời điểm cấp bách này.
Tiếp thu ngay góp ý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch
Trong phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Quang Vịnh - đại diện phía ADB nhấn mạnh: Tuyên Quang là tỉnh được phân bổ kinh phí đầu tư từ nguồn vốn vay ADB của Chương trình lớn thứ hai trong 16 tỉnh nhưng đến nay tiến độ thực hiện đang rất chậm, chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo kế hoạch của Ban Quản lý Dự án của tỉnh, tháng 10/2024 mới trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, tháng 11/2024 tổ chức lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán; tháng 12/2024 tổ chức lựa chọn nhà thầu và trao hợp đồng.
"Tuy nhiên, công tác lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các Trạm Y tế xã được đầu tư còn đang rất chậm tại một số huyện, ảnh hưởng đến tiến độ lập và phê duyệt dự án tổng thể để sớm đưa vào thực hiện.
Đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo sát sao các sở/ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện các bước nội bộ, sớm trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để tổ chức đấu thầu, trao hợp đồng và giải ngân, đặc biệt là giải ngân hết nguồn vốn năm 2023 được giao"- ông Ngô Quang Vịnh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, chương trình có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Qua đó giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phó Chủ tịch Hoàng Việt Phương đề nghị, ngay sau buổi làm việc, Sở Y tế Tuyên Quang, Ban Quản lý xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND các huyện thụ hưởng dự án; các sở, ban, ngành liên quan rà soát, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế và các kiến nghị của Đoàn công tác đã chỉ ra; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch.